Đất đấu giá Hoài Đức rao bán chênh 250- 600 triệu đồng/lô, nhiều nhà đầu tư "quay xe"
BÀI LIÊN QUAN
Phiên đấu giá kỷ lục 19 tiếng tại Hoài Đức: Giá trúng gấp 18 lần khởi điểm, khó xác định do "thổi" giáVi phạm quy định đấu giá đất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sựHà Nội: Vì sao đất đấu giá “nóng” trở lại?Như Đô Thị Mới thông tin, phiên đấu giá 19 thửa đất tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức, Hà Nội) kéo dài 19 tiếng từ sáng ngày 19/8 đến 4h30 sáng ngày 20/8. Sau 10 vòng đấu, kết quả giá trúng cao nhất là 133,3 triệu đồng/m2, giá thấp nhất là 91,3 triệu đồng/m2.
Như thường lệ, ngay sau khi đấu giá kết thúc, các lô đất đã được môi giới rao bán với mức giá chênh từ 250 – 600 triệu đồng/lô, tùy vị trí. Đặc biệt, xung quanh khu đất đấu giá, xuất hiện nhiều “sàn giao dịch” dựng ô, kê bàn ghế, mời chào khách tại chỗ.
Bất ngờ vì giá rao bán chênh quá cao
Lô đất ghi nhận có mức giá chênh cao nhất là lô LK3-4 và LK 3-5 có diện tích là 92m2 có giá trúng là 91,3 triệu đồng/m2, tương đương tổng giá trị khoảng 8,3 tỉ đồng đang được rao bán với giá gần 9 tỉ đồng, chênh 600 triệu đồng. Bên cạnh đó là lô LK 3 – 3 có giá trúng 97,3 triệu đồng/m2 đang được bán chênh 250 triệu đồng.
Lý giải nguyên nhân của việc bán chênh cao, một môi giới tại khu đất đấu giá cho biết, do nhà đầu tư đấu được lô đất với giá trúng rẻ hơn. Như lô LK3-4-5 có giá trúng 91,3 triệu đồng/m2, trong khi 3 lô bên cạnh giá trúng là 97,3 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, theo một nhà đầu tư đã ngồi bên ngoài chờ đợi để mua lại của người đấu giá thành công, những lô đất góc đẹp nhất trong buổi đấu giá đã có tổng giá trị lên tới khoảng 10 – 15 tỉ đồng, nếu có bán chênh ra chỉ 100 – 300 triệu đồng cũng khó có khả năng mua.
Đồng tình, anh Hoàng Quân – chủ một công ty bất động sản trên địa bàn huyện Hoài Đức cũng chia sẻ, nhận thấy tiềm năng lớn khu vực này do lợi thế về hạ tầng hoàn thiện đầy đủ, nên anh đã chuẩn bị hồ sơ kỹ càng để dự thầu nhưng phải bỏ cuộc vì mức giá đấu cao ngoài dự tính của bản thân. Sau đó, anh Quân cũng ngồi ngoài chờ đợi để có thể mua được một lô đất với mức giá chênh vừa phải, nhưng phải “quay xe” vì giá quá cao.
“Với mức giá chênh lên tới 600 triệu đồng/lô, tôi không thể mua được vì khi tính tổng giá trị cộng với giá chênh thì mức giá của lô đất đã ở mức tương lai, khó thanh khoản, nếu mua về không tìm được khách trong thời gian dài sẽ “chôn” một lượng vốn lớn tại đây”, anh Quân chia sẻ.
Cũng theo anh Quân, bên cạnh yếu tố hạ tầng, việc huyện Hoài Đức sắp lên quận cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư “xuống tiền”. Tuy nhiên, với mức giá hiện nay, nhiều người sẽ lựa chọn đầu tư các lô đất giá “mềm” hơn ở xung quanh hoặc khu vực khác.
Tương tự, chị Trang Nhung – nhà đầu tư có 8 năm kinh nghiệm với đất đấu giá cũng cho biết, việc các khu đất có giá trúng cao cũng đều nằm trong dự tính của giới đầu tư, nhưng với mức giá chênh lớn như vậy, chị và một số người bạn đã quyết định xuống tiền tại các lô đất khác.
Chưa có nhu cầu ở thực
Theo anh Xuân Thông – Chủ tịch HĐQT TH Invest, mức giá đấu thành công vừa qua là khá cao so với tiềm năng thực tế của khu vực. Mặc dù Hoài Đức đang được đầu tư phát triển hạ tầng nhưng so với các khu vực gần nội thành, hạ tầng ở đây vẫn còn nhiều hạn chế. Các tuyến đường kết nối với trung tâm thành phố cũng như hệ thống giáo dục, y tế, các tiện ích…chưa thực sự đầy đủ và chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đặc biệt, thị trường đất nền tại khu vực Tiền Yên, Hoài Đức chưa có nhu cầu ở thật, đa phần mua đi bán lại. Ngay cả những đô thị đã hoàn thiện hạ tầng tiện ích, với các căn biệt thự, liền kề đã được xây dựng hoàn chỉnh, bàn giao cho người mua, lượng dân cư cũng rất thưa thớt. Cũng giống như các cuộc đấu giá trước đó, khả năng cao sẽ xảy ra tình trạng bỏ cọc, bán lỗ tại khu vực này.
Thực tế cho thấy, ngay tại các “sàn giao dịch” được dựng lên ở khu vực đất đấu giá huyện Hoài Đức, nhiều môi giới “ôm” đất từ phiên đấu giá tại huyện Đan Phượng hồi cuối tháng 7 đã “chớp” thời cơ mời chào nhà đầu tư.
Theo TS. Trần Xuân Lượng – Viện phó Viện nghiên cứu và đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam, theo dõi các phiên đấu giá gần đây đã thấy xuất hiện nhóm nhà đầu tư từ Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang…tham gia đấu giá và trả giá rất cao. Điều này dấy lên lo ngại về việc các nhóm đầu cơ thao túng, “thổi giá”, khiến những người có nhu cầu thực khó tiếp cận.
Số liệu từ công cụ lịch sử giá của batdongsan.com.vn thể hiện rõ việc mức giá trúng đấu giá của 19 lô đất trên cao gấp 2 – 3 lần khoảng giá phổ biến hiện nay tại xã Tiền Yên. Theo đó, trong quý II/2024, giá đất nền tại đây đang được rao bán với giá 43 triệu đồng/m2. Trong vòng 1 năm qua, giá đất tại đây đã tăng hơn 48%, trong khi giá rao bán tại các xã lân cận trong huyện Hoài Đức dao động từ 22-62 triệu đồng/m2.
Đại diện batdongsan.com.vn cho rằng, kết quả đấu giá đất với mức giá cao sẽ khiến chi phí giải phóng mặt bằng các dự án mới tăng theo. Do đó, người dân sở hữu đất ở khu vực lân cận có tâm lý đẩy giá bán đất, có thể tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, nhiều người với tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ) sẽ đổ xô mua đất với hy vọng kiếm lợi nhuận từ việc giá tiếp tục tăng. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác.