Cuộc chiến đào thải trong nghề môi giới địa ốc vẫn chưa kết thúc
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường bất động sản "ảm đạm", môi giới TP. Hồ Chí Minh “chật vật” tìm kháchMôi giới bất động sản “chấp nhận” biếu khách hoa hồng một nửa để có giao dịch"Cửa" nào cho nghề môi giới khi bão sa thải lan đến ngành chứng khoánĐứng đường tìm khách
Sáng nào cũng vậy, anh Lê Trọng Nghĩa (28 tuổi), môi giới chung cư cao cấp ở TP Hồ Chí Minh đều ăn mặc bảnh bao, áo sơ mi trắng, quần tây, chạy xe đến những quán cà phê sang trọng để tìm khách. Nhìn cách ăn mặc và vẻ bề ngoài có vẻ thảnh thơi nhưng ít ai biết được rằng gần một năm nay Nghĩa không bán được một căn chung cư nào, phải chạy vạy khắp nơi để vay tiền sinh hoạt sống qua ngày.
Nghĩa theo nghề môi giới bất động sản đã hơn 6 năm. Ngoài khoản thu nhập “khủng” khi bán được sản phẩm, chàng thanh niên 28 tuổi yêu thích công việc này vì được ăn mặc đẹp, giờ giấc tự do, được tiếp xúc với giới thượng lưu.
Thời gian đầu mới vào nghề môi giới nhà đất, trung bình 3-4 tháng, Nghĩa có thể bán được một sản phẩm. Sau khi toàn bộ chi phí, số tiền hoa hồng của một sản phẩm cậu nhận về có thể lên đến 50-100 triệu đồng. Tuy nhiên, hơn một năm nay, cậu không nhận được một khoản tiền hoa hồng từ công việc này.
Cầm hàng chục tờ rơi quảng cáo căn hộ chung cư của mình trên tay, Nghĩa thở dài nói: “Ngày nào cũng có khách gọi xem nhà nhưng chỉ hỏi dò giá, không có ai có ý định mua. Tình trạng này đã diễn ra hơn nửa năm nay nhưng mình vẫn cố gắng bám trụ lại với nghề”.
Nghĩa cho biết, từ nhỏ đến lớn, cậu chẳng mấy khi phải làm việc tay chân vất vả, ăn mặc lúc nào cũng sạch đẹp, có phong cách. Cho nên, dù khó khăn đến mấy, cậu cũng không muốn bỏ nghề môi giới, một công việc vừa có khả năng đem lại nguồn thu nhập cao, vừa cho cậu một vẻ bề ngoài bóng loáng.
Nhớ lại quãng thời gian “ăn nên làm ra” từ nghề môi giới, Nghĩa tâm sự: “Hồi đó, có những tháng mình kiếm được hơn 100 triệu đồng tiền hoa hồng, ăn chơi, mua sắm rất thoải mái mà vẫn có tiền để dành. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, nguồn thu nhập của mình liên tục bị cắt giảm, tiền để dành cũng bị thâm hụt rất nhiều. Những tháng gần đây, mình phải tằn tiện, chi li mọi thứ trong cuộc sống”.
Nghĩ nói tiếp: “Mấy ngày gần đây không có khách hàng, mình đang tranh thủ đi khảo sát mấy cửa hàng áo quần để nhập hàng về bán. Đôi lúc cảm thấy cuộc việc khó khăn, chán nản nhưng mình nhất quyết không bỏ nghề và chờ đợi. Mình mong rằng thị trường bất động sản sẽ tốt dần lên trong thời gian tới”.
Không chỉ có riêng mình Nghĩa, nhiều môi giới bất động sản khác cũng đang rơi vào tình cảnh khốn đốn vì không bán được hàng. Nhiều con đường gần các khu đô thị mới ở quận 9, TP Thủ Đức, môi giới còn tràn ra cả vỉa hè để tìm kiếm khách hàng từ sáng đến chiều tối. Họ cầm tờ rơi đứng vẫy, bắt những khách có nhu cầu tìm hiểu dự án, sau đó xin số điện thoại tư vấn.
Chị Nguyễn Khánh Linh – Môi giới đất nền ở vùng phụ cận TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, tình trạng môi giới bất động sản đứng vỉa hè tìm khách không còn xa lạ. Nhu cầu mua nhà sụt giảm, sàn bắt nhân viên phải tìm mọi cách để chốt giao dịch nên nhiều môi giới phải ra vỉa hè ngồi.
Cuộc chiến đào thải vẫn chưa kết thúc
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tiếp tục cho thấy tình trạng đào thải khốc liệt của thị trường địa ốc trong những tháng đầu năm 2023. Theo đó, trong quý 1/2023 có thêm khoảng 40-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước. Ước tính số lượng môi giới đang hoạt động trong quý đầu tiên của năm 2023 chỉ còn khoảng trên dưới 30% so với giai đoạn đầu năm ngoái. Cho nên, đây thực sự là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường lên đến 77.000 công ty, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng lĩnh vực bất động sản, trong quý I, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 63,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Hay mới đây, bản tin tuần 1 tháng 5 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết trong quý 1/2023, nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản đều thông báo lỗ, đây là giai đoạn hoạt động kinh doanh kém hiệu quả nhất kể từ năm 2017 cho đến nay.
Điểm đáng chú ý, việc kinh doanh kém hiệu quả đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh môi giới phải chứng kiến làn sóng sa thải nhân viên nhiều nhất từ trước đến nay. Các doanh nghiệp môi giới hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỷ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên dưới nhiều hình thức như dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, giữ chế độ cộng tác viên, cho thôi việc,...
Không chỉ riêng những doanh nghiệp đầu ngành, tình trạng sa thải nhân sự của các doanh nghiệp trong ngành còn diễn ra mạnh mẽ hơn, Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp quy mô dưới 50 nhân viên thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với 70% người lao động do không còn nguồn lực cầm cự. Trong khi đó, các chủ đầu tư có bộ máy tinh gọn hơn (chỉ nuôi đội ngũ phát triển dự án) ghi nhận tỷ lệ cắt giảm 20-25% nhân sự.
Ông Nguyễn Thành Nhân - Ủy viên Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, nghề môi giới bất động sản đang ở trong giai đoạn sàng lọc khốc liệt nhất. Điều này thể hiện rất rõ qua các số lượng sàn giao dịch bất động sản đóng cửa tăng mạnh, làn sóng sa thải nhân sự ở các doanh nghiệp địa ốc, hiện tượng tái cấu trúc, tinh giảm nhân sự, thu hẹp quy mô hoạt động diễn ra rất phổ biến.
“Quá trình đào thải trong nghề môi giới là không thể tránh khỏi. Những người làm nghề môi giới bất động sản cần phải hiểu và chấp nhận quá trình đào thải này. Muốn không bị đào thải thì bản thân môi giới phải nỗ lực học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình”, ông Nhân nhận xét.