Cổ nhân dạy “Người quân tử kết giao bình lặng, thanh đạm như nước, kẻ tiểu nhân kết giao nồng nàn, ngọt ngào như rượu ngon”: Cách chọn bạn mà chơi không phải ai cũng biết
BÀI LIÊN QUAN
Cổ nhân dạy “Người cần cù bù thông minh”: Bù đắp bằng cách nào?Cổ nhân dạy “Ba nơi không nên đi, nếu không phúc khí càng ngày càng ít, dễ sinh tai họa”: Ba nơi này là ba nơi nào?Cổ nhân dạy “Láng giềng không ưa ba, ba loại bà con nên lánh mặt”: Tại sao lại khẳng định như vậy?Càng ngày, cụm từ "đáng tin cậy" càng được nhiều người sử dụng. Thậm chí, một số người còn lấy nó làm câu cửa miệng: "Thực sự có đáng tin cậy hay không?". Trong xã hội thông tin phát triển như hiện tại, nhiều loại thông tin ở trên điện thoại di động tràn ngập mỗi ngày. Vì thế, vòng kết nối bạn bè ngày càng lớn, so với các thế hệ trước đã mở rộng và phong phú hơn rất nhiều. Tuy nhiên, người xưa có câu "chọn bạn mà chơi", việc tìm được một người bạn đáng tin cậy không hề dễ dàng một chút nào. Do đó, nó trở thành mục tiêu được nhiều người tìm kiếm.
Cách kết bạn của người xưa
Người xưa vô cùng thận trọng trong vấn đề kết bạn và có hẳn Đạo kết giao. Liên quan đến vấn đề này, Khổng Tử từng răn dạy các đệ tử của mình rằng: "Ích giả tam hữu, tổn giả tam hữu. Hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn, hữu hĩ. Hữu liền ích, hữu thiện nhu, hữu liền nịnh, tổn hĩ”. Câu này hiểu đơn giản là: "Có ba kiểu bạn có lợi và ba kiểu bạn có hại. Kết giao với người chính trực không vụ lợi, kết giao với người khoan dung và kết giao với người hiểu biết rộng rãi đều có ích với mọi người. Tuy nhiên, kết giao với người xảo ngôn, người a dua và những người xu nịnh, điều này sẽ gây tổn hại đến đức hạnh của chúng ta".
Theo Khổng Tử, việc kết bạn cần nên chọn người chính trực, người trung thực giữ chữ tín và có kiến thức uyên bác, trong số đó phẩm chất chính là điều quan trọng nhất. Còn Mạnh Tử cũng cho rằng, nếu kết bạn nên “hữu kỳ đức dã bất khả dĩ hữu hiệp dã”, có nghĩa là "bạn bè kết giao vì đức hạnh, không phải vì nhờ cậy điều gì". Trong khi đó, Trang Tử lại cho rằng: "Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ". Câu này hiểu đơn giản là: "Người quân tử kết giao bình lặng, thanh đạm như nước, kẻ tiểu nhân kết giao nồng nàn, ngọt ngào như rượu ngon".
Những người là chính nhân quân tử kết giao dù có nhạt nhưng lại thanh thản, tâm đầu ý hợp, trong khi kẻ tiểu nhân kết giao lại lấy lợi ích làm nền tảng của mối quan hệ. Trong “Kê minh ngẫu ký” của Tô Tuấn thời nhà Minh (Trung Quốc) đã phân chia bạn bè thành 4 loại. Thứ nhất, úy hữu (bạn kính sợ) ý chỉ những người bạn có thể khuyên nhủ nhau rèn giũa phẩm hạnh, thẳng thắn nhắc nhở cho nhau những khuyết điểm.
Thứ hai là mật hữu (Bạn chí thân), đó là những người bạn thân thiết, tâm giao, có thể cùng nhau vào sinh ra tử. Thứ ba là nặc hữu (Bạn rượu thịt) là những người bạn xảo ngôn, suốt ngày chỉ biết nói những lời hoa mỹ, ăn uống và vui chơi. Cuối cùng là tặc hữu (Bạn đạo tặc) là những người “có phúc thì cùng hưởng nhưng có họa thì tự chịu”.
Ở trong “Úc ly tử” có ghi chép về một câu chuyện như sau:
Tại vùng Tế Dương có một thương nhân vô cùng giàu có. Một lần, con thuyền của ông đang đi qua sông bất ngờ bị chìm; trong cơn nguy kịch ông đã bám lấy được đám cỏ khô trôi trên sông và kêu cứu. Sau đó, một người đánh cá đã chèo chiếc thuyền nhỏ tới cứu. Thuyền còn chưa kịp chèo tới nơi, người thương nhân đã hét lớn: “Tôi là một người giàu ở Tế Thượng, nếu anh cứu tôi, tôi sẽ cho 100 lạng bạc”.
Khi được người đánh cá chở vào bờ, vị thương nhân lại chỉ cho anh ta có 10 lạng bạc. Người đánh cá thấy vậy liền hỏi: “Ông đã hứa cho tôi 100 lạng bạc, bây giờ ông lại đưa có 10 lượng e là không hợp lý”. Người thương nhân lập tức thay đổi sắc mặt: “Anh là một ngư dân, một ngày có thể làm được bao nhiêu tiền? Bây giờ một lúc có được hẳn 10 lạng mà còn chưa vừa lòng sao?”.
Nghe xong, người đánh cá bực mình bỏ đi. Một vài ngày sau, người thương nhân đang đi thuyền xuôi theo dòng sông Lữ Lương về phía Đông thì bị va vào đá ngầm và chìm xuống. Tình cờ, người đánh cá kia cũng ở ngay gần đó nhưng không ra tay giúp đỡ. Có người thấy vậy liền hỏi: “Tại sao anh lại không cứu người?”. Người đánh cá khinh miệt đáp: “Đây chính là kẻ đã hứa cho tôi 100 lạng bạc, nhưng rồi lại không giữ lời”.
Vì thế, người đánh cá neo thuyền của mình lên bờ, ngồi quan sát vị thương nhân vùng vẫy, la hét và cầu cứu vô vọng trong dòng nước, cuối cùng chìm nghỉm…
Nói mà không giữ lời là người thất tín. Người thương nhân Tế Dương vì không giữ lời mà mất đi cả mạng sống của mình. Người xưa có câu “Lời hứa là vàng”, trung thực và giữ chữ tín đều là điều quan trọng, một người như thế mới đáng để kết giao, mới là một người đáng tin cậy.
Làm việc chắc chắn, không xảo trá mới là người đáng tin cậy
Có một câu chuyện khác kể rằng:
Một người nhà giàu đã thuê 2 người thợ xây sửa chữa hàng rào cho mình. Người thợ xây trẻ tuổi làm việc nhan nhẹn, chưa đầy một ngày đã xây xong bức tường và cảm thấy vô cùng tự hào. Anh quay sang nói với người thợ già: “Nếu bác xây tường bằng những tảng đá lớn, việc sẽ xong nhanh hơn, tiền công cũng được lấy sớm hơn”.
Người thợ già nhìn bức tường mà người thờ trẻ xây có tầng tầng lớp lớp những tảng đá lớn, lồi lõm gồ ghề, không hề chắc chắn một chút nào. Ông liền mỉm cười và nói vô cùng sâu sắc: “Bức tường này cần phải được xây dựng thật chắc chắn bằng những viên đá nhỏ thì mới có thể chống đỡ được những viên đá lớn. Nếu tham lam mà loại bỏ những viên đá nhỏ đi, chỉ để lại những viên đá lớn thì bức tường sẽ nhanh chóng sụp đổ. Tôi muốn xây cho nó thật vững vàng, đẹp mắt và bền bỉ, thế nên tôi không để ý tốc độ nhanh chậm ra sao”.
Tuy nhiên, người thợ trẻ tuổi không coi trọng lời khuyên nhủ này, cho rằng người thợ già thật lạc hậu và ngu ngốc. Ai ngờ đêm hôm đó trời mưa to tầm tã, những bức tường bằng đá lớn bị sập hết, những bức tường bằng đá nhỏ vẫn vững vàng. Sau đó, người nhà giàu đã sa thải người thợ trẻ tuổi, khen ngợi không ngớt tay nghề của người thợ già, thuê ông sửa lại tất cả các bức tường bằng tiền công vô cùng hậu hĩnh.
Có thể thấy, người thợ già đã dùng những cách xử lý vụng về để đáp lại những cơ xảo, từng bước chắc chắn để xây dựng lên bức tường này mà còn lấy được lòng người. Cổ nhân từng nói: “Dĩ thiên hạ chi chí chuyển, ứng thiên hạ chi chí xảo” (tức là “lấy điều vụng về nhất để đáp lại điều xảo trá nhất”). Chỉ khi nào bạn sẵn sàng bỏ công sức để làm việc chăm chỉ, bạn mới có thể đạt được thành tựu thật sự. Đó chính là sự đáng tin cậy.
Giữ vững chuẩn tắc làm người mới là người đáng tin cậy
Trong “Luận ngữ tập chú”, Chu Hi có chú giải rằng: “Hữu sở dĩ phụ nhân, bất như kỷ, tắc vô ích nhi hữu tổn”. Câu này có nghĩa rằng: Kết giao bạn bè để trợ giúp những việc nhân đức, nếu bạn bè không có đức hạnh thì việc kết giao là vô ích hơn nữa còn bị tổn hại.
Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, ôn, lương, cung, khiêm; người cổ đại lấy lễ, nghĩa, liêm sỉ để làm ‘quốc chi tứ duy’ (bốn giềng mối duy trì quốc gia). Chân thành, thiện lương, khoan dung, và làm việc biết suy nghĩ cho người khác, không vì lợi ích của bản thân mà khiến người khác tổn hại, giữ gìn chuẩn tắc làm người, đó mới là đáng tin cậy.
Trong “Cảnh thế thông ngôn” có câu: “Nội hữu quân tử, môn ngoại quân tử chí”. (Trong nhà có quân tử, ngoài cửa ắt sẽ có những người quân tử tìm đến). Câu này có nghĩa: Chỉ cần bạn chính trực, tự nhiên sẽ thu hút những người chính trực như mình tìm tới. Nếu muốn kết giao với những người bạn đáng tin cậy, trước hết bản thân cũng cần phải là một người đáng tin cậy.