Có cả thiên hạ nhưng giường ngủ của hoàng đế chỉ được rộng 1m, không được phép hơn: Nguyên nhân do đâu?
BÀI LIÊN QUAN
Tử Cấm Thành có một căn phòng quanh năm u ám, lạnh lẽo: Oán khí linh hồn hay bí ẩn gì khác?Giải mã Tử Cấm Thành hơn 600 năm chưa một lần ngập lụt: Nguyên nhân đến từ viên gạch xanh thần kỳNhững lu nước chữa cháy khổng lồ trong Tử Cấm Thành: Hơn 600 năm chưa một lần đóng băng, ẩn chứa trí tuệ cao siêu của người xưaTrong xã hội phong kiến Trung Quốc, hoàng đế nắm trong tay cả thiên hạ và được người dân coi là Thiên Tử (con trời). Do đó, hoàng đế là người có của cải vô số, có cuộc sống xa hoa bậc nhất, sống trong cung điện vô cùng nguy nga, tráng lệ. Cho tới tận ngày nay, mọi người vẫn có thể hình dung rõ ràng cuộc sống của các vị hoàng đế thời xưa khi có dịp ghé thăm Tử Cấm Thành.
Tử Cấm Thành hay còn gọi là Cố Cung, tọa lạc tại vị trí đắc địa bậc nhất thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây là kiến trúc nổi tiếng bậc nhất xứ Trung Hoa, có quy mô rộng lớn lên tới 72ha, gồm có 9.999 căn phòng. Mọi cung điện, gian phòng đều được xây dựng tỉ mỉ, xa hoa. Thế nhưng, nhiều du khách khi ghé thăm nơi này, có cơ hội tận mắt chứng kiến tẩm cung của hoàng đế đều vô cùng ngạc nhiên trước một điều. Đó là chiếc giường ngủ của nhà vua.
Trong suy nghĩ của nhiều người, giường ngủ của người đứng đầu thiên hạ chắc hẳn phải vô cùng nguy nga, tráng lệ. Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Giường ngủ của Thiên Tử lại khá đơn giản và có kích thước vô cùng nhỏ bé.
Thực tế, mọi chiếc giường ở trong Tử Cấm Thành đều có chung một kích thước, đó là dài khoảng 2m, rộng khoảng 1m. Với hậu thế ngày nay, kích thước này có thể nói là khá chật hẹp. Tuy nhiên, ngày xưa không chỉ hoàng đế mà cả hoàng hậu, phi tần đều sử dụng một kiểu giường như vậy. Có thể nói, việc quy định kích thước của những chiếc giường trong Tử Cấm Thành dựa trên nhiều nguyên nhân.
Bắt nguồn từ quan niệm của người Trung Quốc
Người xưa đều rất coi trọng sự trường thọ. Chính vì thế, nhiều hoàng đế vì muốn kéo dài tuổi thọ của mình mà không ngần ngại cử người tới khắp các chân trời góc bể để tìm thuốc trường sinh. Có những người còn mù quáng tin vào các đạo sĩ, phương sĩ có thể điều chế được tiên dược mà phải bỏ mạng.
Bên cạnh việc dùng thuốc “trường sinh” cùng các loại thực phẩm bồi bổ, người xưa còn thông qua các hình thức lễ nghi và các hành động để mong muốn kéo dài tuổi thọ của mình, thậm chí có thể sống “trường sinh bất tử”. Việc này thể hiện rõ nhất qua việc các quan đại thần thường hô to câu “hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế” khi gặp vua. Mỗi hành động, câu nói đều mang ý nghĩa chúc hoàng thượng sống lâu vạn tuổi. Chính vì lẽ đó, việc thiết kế một chiếc giường nhỏ hẹp cũng mang dụng ý như vậy.
Xét trong tiếng Trung, từ “giường” (床) có cách phát âm gần giống với từ “trường” (长). Trong khi đó, từ “sấu” (瘦) với nghĩa chật hẹp thì lại đồng âm với từ “thọ” (寿). Do đó, từ “giường hẹp” khi phát âm sẽ gần giống với từ “trường thọ”. Vì thế, không chỉ riêng trong hoàng cung mà thường dân bách tính cũng sử dụng những kiểu giường có kích thước nhỏ hẹp như vậy để mang tới ý nghĩa tốt đẹp, may mắn.
Ngày nay, con người lại quan niệm khác. Con người hiện đại cho rằng, việc nghỉ ngơi rất quan trọng với sức khỏe. Để nghỉ ngơi thoải mái, những chiếc giường luôn được thiết kế êm ái, thoải mái nhằm đảm bảo giấc ngủ có thể ngon và sâu nhất.
Thiết kế tương thích với phòng ốc trong cung
Nguyên nhân tiếp theo khiến cho những chiếc giường trong cung có kích thước chật hẹp như thế là do diện tích của các gian phòng. Người xưa vốn coi việc xây dựng phòng ốc là đại sự đời người. Do đó, khi xây dựng và bố trí nội thất cũng có rất nhiều điều cấm kỵ cần tránh.
Phòng ốc vốn xây dựng cho người ở, thế nên kiến trúc với kết cấu của căn phòng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người đó. Người xưa có câu rằng: “ốc đại nhân thiếu thiết mạc trụ”. Câu này có nghĩa là, nếu phòng mà xây dựng quá lớn nhưng thưa người thì tốt nhất không nên ở. Theo quan niệm của cổ nhân, căn phòng quá lớn sẽ khiến dương khí bị lọt ra ngoài, khiến những điều xui xẻo và tai họa kéo đến.
Chính vì thế, những căn phòng ở trong Tử Cấm Thành hầu hết đều được thiết kế thấp và hẹp, theo kiểu phòng càng nhỏ sẽ tích tụ càng nhiều khí, con người ở trong đó cũng có cảm giác ấm áp và an toàn hơn. Đặc biệt, diện tích của phòng ngủ cũng không bao giờ vượt quá 10m2. Để phù hợp với không gian căn phòng này, những chiếc giường cũng sẽ được thiết kế nhỏ gọn hơn.
Bên cạnh đó, những gian phòng trong cung điện thường được dựng lên bằng gỗ. Thông thường, sức chịu nặng của gỗ có hạn. Vì thế, xà ngang càng nhỏ thì căn phòng sẽ càng chắc chắn. Những chiếc giường vì thế cũng được thiết kế với kích thước tương xứng để tiện cho việc bố trí, sắp xếp căn phòng.
Kích thước giường ngủ còn dựa vào số lượng phi tử trong cung
Hoàng đế thời xưa có cả một dàn hậu cung với hàng nghìn cung tần mỹ nữ. Hầu hết những phi tử đủ các cấp bậc đều có tẩm cung riêng. Do đó, số phòng mà triều đình cấp cũng là một con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, hoàng thượng chỉ có một và không thể ngày nào cũng có thể ghé thăm tất cả các phi tần.
Khi được thị tẩm, hầu hết các phi tần sẽ được đưa đến tẩm điện của hoàng đế. Trong trường hợp hoàng thượng đến tẩm cung của phi tần, theo quy định triều đình, vua sẽ chỉ được nghỉ ngơi ở đó 2 tiếng, rồi sau đó sẽ quay trở về cung điện của mình. Để tiết kiệm ngân sách, triều đình đã quyết định xây phòng của các phi tần với diện tích nhỏ.
Từ đây có thể thấy được, người xưa bên cạnh việc thiết kế giường của hoàng đế với kích thước nhỏ gọn có nhiều ý nghĩa: Không chỉ với ngụ ý chúc phúc trường thọ mà còn giúp tiết kiệm, có sự tính toán kỹ lưỡng để mang tới lợi ích thiết thực nhất.