Chuyên gia nhận định: Hàng loạt khó khăn được tháo gỡ tạo niềm tin cho nhà đầu tư “xuống tiền”
BÀI LIÊN QUAN
Nhà đầu tư BĐS liên tục rao bán xe ô tô lấy tiền gồng lãi chờ thị trường qua "cơn bĩ cực"Chuyên gia chứng khoán: "Trong đầu tư, ai ở lại sau cùng thì đó là người chiến thắng"TS. Lê Xuân Nghĩa: Nhà đầu tư cá nhân có nguồn vốn tốt có thể cân nhắc xu hướng BĐS hạng sangĐề cao trách nhiệm của từng chủ thể có liên quan
Sau Nghị định 08 thông tắc cho trái phiếu doanh nghiệp, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 với loạt giải pháp tiếp tục tháo gỡ cho thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhìn nhận: "Với tinh thần rõ ràng, dứt khoát, chỉ đạo đúng, đủ những vấn đề đang tạo khó khăn cho thị trường bất động sản của Nghị quyết 33, chúng tôi tin tưởng những vướng mắc, điểm nghẽn sẽ sớm được khơi thông, thị trường sẽ sớm hồi phục, ổn định và phát triển trở lại".
Đồng thời, vị chuyên gia cũng chỉ ra nhiều sự khác biệt trong quan điểm lần này của Chính phủ, từ đó các mục tiêu cũng cụ thể và bám sát với thực tế thị trường hơn.
Theo ông Đính, trong Nghị quyết lần này, Thủ tướng đã nhấn mạnh rằng tất cả chủ thế có liên quan đều phải đề cao trách nhiệm của mình, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn. Do đó, không chỉ giao trách nhiệm riêng cho từng bộ ngành mà người đứng đầu Chính phủ cũng đặt ra trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể cho các chính quyền địa phương.
Trên thực tế, các địa phương được giao làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp và dự án, đặc biệt là các dự án lớn, để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, từ đó tháo gỡ ngay các vấn đề thuộc thẩm quyền, chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm hay chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần khẩn trương đưa ra kết luận về các dự án bất động sản đã và đang rà soát thủ tục về pháp lý để sớm tiếp tục được triển khai, nhất là các dự án lớn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, dự án nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ và nhu cầu cho thuê bất động sản phục vụ công nghiệp, sản xuất, du lịch.
Cũng trong Nghị quyết này, Chính phủ nêu rõ quan điểm nhà ở là phải có người ở, muốn có người ở phải phát triển hạ tầng, sản xuất, dịch vụ. Do đó, mục tiêu hiện tại là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thế chế và nguồn vốn, thúc đẩy nguồn cung kết hợp với điều chỉnh cơ cấu hợp lý, chú trọng vào việc phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.
Đặc biệt, Chính phủ quyết tâm hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, lành mạnh. Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn phải đi đôi với kiểm soát rủi ro, không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự, bảo vệ những cán bộ làm đúng.
Ông Đính đánh giá quan điểm và mục tiêu của Chính phủ đã bám sát thực trạng những vấn đề tạo ra khó khăn, vướng mắc và lệch lạc của thị trường hiện nay, từ đó tạo ra tư duy chỉ đạo cũng như giao từng nhiệm vụ đến từng nhóm vấn đề một cách đầy đủ, đúng người, đúng đối tượng.
Ngoài ra, theo chuyên gia, một khác biệt lớn nữa trong Nghị quyết lần này là vấn đề thông tin và truyền thông. Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh và giám sát truyền thông, không để các thông tin không chính xác gây hiểu lầm và tác động tiêu cực đến tâm lý, đồng thời phải công bố, công khai, minh bạch thông tin về thị trường.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh Nghị quyết lần này của Chính phủ đã không quên chỉ đạo các doanh nghiệp bất động sản trong việc ưu tiên thanh toán nợ, đặc biệt là với nợ trái phiếu.
Theo đại diện Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), Chủ tịch Lê Hoàng Châu khẳng định cộng đồng doanh nghiệp cam kết tích cực thực hiện Nghị quyết 33 để đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng và nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục, phát triển an toàn và bền vững.
Ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh: "Nghị quyết 33 tác động trực tiếp đến nhận thức của doanh nghiệp. Họ trước hết phải tự thấy trách nhiệm để tự cứu mình".
Tác động thế nào đến thị trường?
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, Nghị quyết 33 cùng với Nghị định 08 về trái phiếu được ban hành trước đó không lâu là những giải pháp rất tốt đối với thị trường. Thời gian tới, dự kiến sẽ có thêm 4 nghị định về đất đai, xây dựng và quy trình thủ tục hành chính được ban hành. Khi đó, hành lang pháp lý giúp tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản gần như sẽ được hoàn thiện.
Dẫu vậy, tác động lớn nhất vẫn là niềm tin cho toàn thị trường. Có thể thấy, Nghị quyết 33 lần này có vai trò tháo gỡ toàn bộ khó khăn từ tài chính cho đến pháp lý cũng như những vướng mắc tình thế thuộc thẩm quyền của Chính phủ, đồng thời quy định rõ ràng trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương lẫn các doanh nghiệp.
Vị chuyên gia cho rằng, khi mọi thứ minh bạch, rõ ràng sẽ giúp các nhà đầu tư trái phiếu, bất động sản và chứng khoán có thêm niềm tin để "xuống tiền".
Tuy nhiên, bàn luận riêng về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, ông Lê Hoàng Châu cho rằng việc giảm lãi suất 1,5% - 2% so với mặt bằng lãi suất hiện tại là quá ít.
Ông Châu nhấn mạnh, Chính phủ cần chỉ đạo giảm lãi suất điều hành, lãi vay qua đêm để các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng cho vay cũng như giảm lãi suất huy động vốn tiết kiệm về mức của đầu năm 2021, tức là khoảng trên dưới 10%/năm. Khi lãi suất cho vay giảm tổng quát về mức 10%/năm, khi đó mức ưu đãi thêm 1,5-2% dành cho người vay mua nhà ở xã hội mới thực sự ý nghĩa và tạo được cú hích.
Đồng quan điểm này, nhưng ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan khu vực phía Nam vẫn đánh giá sự can thiệp rõ rệt của Chính phủ trong thời gian qua là những chỉ báo cho sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Theo đó, các ngân hàng quốc doanh đã đưa ra chính sách hỗ trợ người có nhu cầu ở thực, bên cạnh đó lãi suất cũng bắt đầu có sự điều chỉnh phù hợp hơn, Nghị định 08 giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian giải quyết vấn đề dòng tiền, Chính phủ cũng ráo riết sửa đổi luật.
Ông Tuấn dự báo, dựa trên kinh nghiệm từ giai đoạn khủng hoảng trước đây, khoảng 1 năm sau khi có chỉ đạo, thị trường sẽ cân bằng. Điều đó có nghĩa là hết quý I/2023, bất động sản có thể sẽ phục hồi trở lại.
Chiều ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo giảm 1% các loại lãi suất điều hành bắt đầu từ ngày 15/3. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn vẫn giữ nguyên ở mức 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 4,5%/năm xuống còn 3,5%/năm; lãi suất vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.
Ngoài ra, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng với các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm từ 5,5% xuống 5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng của Quỹ tín dụng nhân dân và và các tổ chức tài chính vi mô với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành trong vòng 2 năm trở lại đây. Trong lần điều chỉnh gần nhất vào hồi tháng 9 năm ngoái, các loại lãi suất điều hành bao gồm trần lãi suất huy động đã tăng từ 0,3 - 1%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc giảm lãi suất điều hành là "bước đi quan trọng, định hướng xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới". Đồng thời, đây cũng là tín hiệu định hướng các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.