Chuyên gia nhận định: "Giá nhà đất khó giảm trong ngắn hạn"
BÀI LIÊN QUAN
Vì sao nhà ở xã hội tại TP.HCM có giá cao chót vót?Thị trường bất động sản có rơi vào kịch bản "đóng băng" như 10 năm trước khi thanh khoản trở nên èo ọt?Đã qua thời chỉ cần bỏ tiền vào bất động sản là lãi ngay tiền tỷMức độ tăng giá của nhà đất đang vượt vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm
Theo Vietnambiz, mới đây, Batdongsan.com.vn vừa công bố dữ liệu cho thấy cái nhìn tổng quan về sự tăng trưởng chỉ số giá của các loại hình đầu tư chính qua các mốc thời gian. Trong hơn hai năm, từ tháng 1/2020-6/2022, đất và nhà ở có chỉ số tăng giá cao nhất, xếp sau đó là vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm.
Mặc dù chỉ số giá vàng và chứng khoán đã tăng mạnh vào tháng 1 năm 2022, lần lượt tăng 44% và 57% so với tháng 1 năm 2020. Song, bước sang tháng 6 năm 2022, giá vàng và chứng khoán đã giảm nên mức tăng so với tháng 1 năm 2020 chỉ còn 34% và 21%.
Theo ước tính của Batdongsan.com.vn, trong quý II năm 2022 mức độ quan tâm đất nền tại miền Bắc và miền Nam giảm lần lượt là 16% và 12% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng ở nhiều tỉnh so với trung bình giá năm 2021.
Hà Nội chứng kiến nhu cầu tìm kiếm đất nền giảm tới 23% nhưng mặt bằng giá rao bán đất ở nhiều quận, huyện vùng ven tăng mạnh. Trong đó, đất nền tại huyện Quốc Oai, Gia Lâm và Đông Anh tăng lần lượt là 20%, 27% và 31% so với trung bình giá năm ngoái.
TP.HCM ghi nhận thấy mức độ quan tâm đất giảm 11%. Tuy nhiên, giá rao bán đất nền trong quý II năm nay ở nhiều khu vực của thành phố đều tăng so với trung bình năm ngoái, như quận 9 tăng 11%, Củ Chi tăng 8% và Nhà Bè tăng 4%.
Trong báo cáo mới cập nhật, Bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI cũng chỉ ra rằng, giá bất động sản tại nhiều khu vực trên khắp cả nước đã tăng lên đáng kể trong giai đoạn từ năm 2021-2022. Tại Bình Phước và Lâm Đồng, giá đất ở tăng gấp đôi, thậm chí có nơi tăng gấp ba trong khoảng thời gian từ 1-1,5 năm, kể cả ở những khu vực chưa có cơ sở hạ tầng phát triển.
Hay như giá chào bán của nhiều dự án đại đô thị vùng ven cũng tăng từ 15-20% so với cùng kỳ từ hiệu ứng các thông tin đầu tư cơ sở hạ tầng vào các địa phương. SSI Research dự báo rằng, giá bán của các dự án sẽ tiếp tục được neo ở mức cao, mặc cho thanh khoản trên thị trường thứ cấp giảm trong thời gian gần đây.
Giá nhà đất khó giảm trong ngắn hạn
Theo Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn - ông Nguyễn Quốc Anh, mặc dù lượng quan tâm đến bất động sản có dấu hiệu giảm nhiệt tại nhiều tỉnh thành trong quý II so với cùng kỳ nhưng trong ngắn hạn sẽ giá bất động sản sẽ khó có khả năng giảm. Ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn. Vì thế, tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh và các yếu tố khác.
Theo các chuyên gia ước tính, thị trường đất nền toàn quốc trong quý II năm 2022 ghi nhận thấy mức độ quan tâm giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên vẫn cao hơn 5% so với quý II năm 2019 - thời kỳ trước dịch Covid-19 xảy ra.
"Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng giá bất động sản tăng hay không là nhu cầu của thị trường. 80% lượng giao dịch, tìm kiếm bất động sản tập trung tại Hà Nội và TP.HCM. Tốc độ đô thị hóa từ hai đô thị này cao và đông dân cư, do đó nhu cầu về nhà ở vẫn cao", ông Nguyễn Quốc Anh đưa ra nhận định.
Còn theo Tổng giám đốc Savills Việt Nam - ông Neil MacGregor, giá bất động sản sẽ tăng cho đến khi nguồn cung trên thị trường được cải thiện.
Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, tình trạng đầu cơ diễn ra ở nhiều địa phương đã khiến cho giá thị trường nhà ở không hướng tới người mua cuối cùng. Điều này dẫn đến xã hội và nền kinh tế phát triển không lành mạnh trong dài hạn, quỹ đất tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội để phát triển dự án eo hẹp, dễ bị thao túng, từ đó có khả năng hình thành nguy cơ bong bóng bất động sản.
Tại hội thảo diễn ra vào giữa tháng 5 vừa qua, Chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa cũng cho rằng, muốn chặn đà tăng giá nhà ở phải bắt nguồn từ việc điều tiết cung - cầu trên thị trường bất động sản. Nếu vấn đề này không được giải quyết thì các biện pháp tài chính cũng chỉ tác động được đến một vài nhóm nào đó trong quá trình vận hành.