Chuyên gia ngoại đưa ra giải pháp để giảm đầu cơ, bong bóng bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Phân khúc BĐS nào "sống khỏe" khi thị trường có biến động lớn?Dòng vốn ngoại vào bất động sản vẫn tăngTrái phiếu "rác" BĐS làm ảnh hưởng đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệpTăng quỹ đất sạch để hạn chế nguy cơ bong bóng bất động sản
Theo Dân Trí, trong phiên thảo luận về thị trường vốn và bất động sản thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam được tổ chức tại TP.HCM ngày 5/6 vừa qua, Tổng giám đốc Savills Việt Nam - ông Neil MacGregor khẳng định rằng, thị trường nhà ở trong nước đang và sẽ chứng kiến nhu cầu rất lớn cùng tốc độ đô thị hóa nhanh và tỷ lệ dân số vàng.
Tuy vậy, ông MacGregor chỉ ra nguồn cung dự án mới còn hạn chế, đơn cử như ở đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM, do nhiều vấn đề tồn tại đang khiến cho thị trường lệch pha và cần nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng này.
Đầu tiên, chuyên gia người Anh cho rằng quy trình phê duyệt quy hoạch tổng thể cần được sắp xếp hợp lý hơn so với hiện tại. Quy hoạch 1/10.000 đang được Bộ Xây dựng phê duyệt trong khi việc phê duyệt quy hoạch 1/2.000, 1/500 thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, với các dự án lớn có diện tích trên 30 ha hay quy mô trên 50.000 dân, quyền phê duyệt lại thuộc Bộ Xây dựng. Sự chồng chéo về quản lý quy hoạch này ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án.
Vấn đề thứ hai là hệ thống đăng ký đất đai của Việt Nam đang lỗi thời và thiếu minh bạch. Ông đề nghị cần xây dựng hệ thống thông tin đăng ký đất đai một cách chính xác, các quy trình đều được số hóa, minh bạch, cập nhật và người dân có thể dễ dàng truy cập.
Trong nhóm các hạn chế tồn tại của thị trường bất động sản được vị này trình bày, nổi cộm nhất là vấn đề đầu cơ diễn ra ở nhiều địa phương, thị trường nhà ở không hướng tới người mua cuối cùng khiến cho xã hội và nền kinh tế phát triển không lành mạnh trong dài hạn, quỹ đất tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội để phát triển dự án còn ít, dễ bị thao túng, dẫn tới nguy cơ bong bóng bất động sản.
Vị này khuyến nghị các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần đưa ra giải pháp tăng quỹ đất sạch để tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng, giải quyết vấn đề thiếu nhà ở, tăng nguồn cung cho phân khúc bình dân đáp ứng được nhu cầu thực của người mua nhà để ở, xây dựng quy trình đấu giá đất công minh bạch hơn, có thể mời các đơn vị định giá nước ngoài đã chứng minh năng lực tầm quốc tế, triển khai đúng hạn các dự án cơ sở hạ tầng để hỗ trợ quá trình phát triển đô thị.
Tập trung bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, các tổ chức lời ăn lỗ chịu
Cũng liên quan đến thị trường bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc Fiin Group phân tích rằng, trên bình diện chung, nội lực của nhiều chủ đầu tư là các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn tốt, có cấu trúc tài chính an toàn dù vẫn có một số đơn vị có tỷ lệ đòn bẩy quá cao và khả năng trả nợ thấp.
Ông Thuân cho rằng, thời gian qua, thị trường nói nhiều đến việc ngân hàng kiểm soát dòng vốn chảy vào bất động sản hay thắt chặt hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhưng số liệu phân tích từ hơn 50 doanh nghiệp chủ đầu tư đang niêm yết cho thấy hai nguồn này chỉ chiếm hơn 30% cơ cấu nợ của họ.
Phần lớn nguồn vốn được doanh nghiệp huy động từ hợp đồng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp khác hoặc nhận tiền trả trước từ khách hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đang đặt các chủ đầu tư vào tình huống khó khăn hơn do sau hai năm dịch bệnh, tiến độ triển khai dự án bị gián đoạn khiến cho việc thu tiền trả trước của khách hàng cũng bị ảnh hưởng. Áp lực trả nợ trong 2 năm tới với các chủ đầu tư là rất lớn.
Theo ông Thuân, các biện pháp để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát dòng vốn tín dụng thời gian qua rất cần thiết nhưng bổ sung chính sách cần linh hoạt hơn để những doanh nghiệp có năng lực thật sự vẫn có thể tiếp cận nguồn vốn.
Cũng theo ông, năng lực tài chính của các doanh nghiệp bất động sản rất khác nhau, miễn sao họ có thể đảm bảo yếu tố minh bạch thông tin và tuân thủ quy định là được. Ông Thuân nhấn mạnh rằng, các chính sách chỉ nên tập trung bảo vệ nhà đầu tư cá nhân là nhóm không đủ khả năng để tiếp cận thông tin đầy đủ, đánh giá rủi ro của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức có đầy đủ công cụ, để đánh giá rủi ro, việc họ chấp nhận khả năng có thể mất vốn để thu lại lợi nhuận tương xứng là điều bình thường trong lĩnh vực tài chính.
Để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, CEO Fiin Group đề nghị cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp lý của các dự án bất động sản theo hướng mở để bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận. Hiện tại, chỉ có các ngân hàng, tổ chức mới có thể thẩm định được vấn đề pháp lý của doanh nghiệp bất động sản trong khi các cá nhân lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong dài hạn, ông Thuân mong muốn rằng các tổ chức phát hành trái phiếu sẽ phải chuẩn hóa việc công bố thông tin như cổ phiếu để tăng sự minh bạch, điểm mấu chốt giúp cho thị trường phát triển lành mạnh.
Chia sẻ về định hướng điều hành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Phó chủ tịch Phạm Hồng Sơn khẳng định rằng, cơ quan này sẽ luôn đảm bảo sự an toàn, minh bạch của thị trường vốn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư.
Theo lãnh đạo cơ quan quản lý lĩnh vực chứng khoán, với thị trường cổ phiếu, trọng tâm là nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết, tăng tính tuân thủ đối với doanh nghiệp.
Còn với trái phiếu, định hướng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là vẫn tiếp tục chủ trương phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn bền vững cho doanh nghiệp, tập trung vào thị trường thứ cấp, sớm triển khai sàn giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ, tiếp tục tăng cường giám sát việc công bố thông tin, sử dụng tiền từ việc huy động của doanh nghiệp.