Chuyên gia chứng khoán: Nhà đầu tư nên chờ nhịp điều chỉnh tốt để tham gia một số nhóm cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng tốt
BÀI LIÊN QUAN
Cuối năm sẽ có lượng tiền lớn chảy vào bất động sản, chứng khoánChứng khoán VCBS tiết lộ nhóm cổ phiếu có thể “nổi sóng” vào quý 4/2023Chuyên gia chỉ ra 3 yếu tố hỗ trợ chứng khoán Việt Nam bước vào một chu kỳ tăng trưởng mớiNhững động lực và thách thức đối với sự tăng trưởng của Việt Nam trong nửa cuối năm
Theo Nhịp sống thị trường, trong chia sẻ mới đây, ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng MBS cho rằng, bối cảnh vĩ mô nửa cuối năm sẽ đan xen những cơ hội và thách thức.
Về động lực tăng trưởng, vị chuyên gia cho rằng xu hướng hạ lãi suất sẽ dần thẩm thấu vào nền kinh tế thực trong nửa cuối năm. Những doanh nghiệp vững mạnh sẽ cảnh thiện được kết quả kinh doanh và thị trường chứng khoán sẽ đón đầu xu hướng của nền kinh tế.
Đồng thời, việc đẩy mạnh đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ trở thành lực kéo cho nền kinh tế trong nửa cuối năm. Trong năm 2023, Chính phủ đề ra mục tiêu là giải ngân đầu tư công đạt 95%, như vậy, ước tính sẽ có khoảng 550 nghìn tỷ đồng được giải ngân trong 7 tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, những chính sách tài khóa, giảm thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm dịch vụ nhằm kích thích tiêu dùng nội địa cũng là một trong những động lực giúp chứng khoán trong nước tăng trưởng tốt hơn trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh những động lực, chuyên gia MBS cho rằng vẫn còn một số thách thức khi xuất khẩu suy giảm do nhu cầu thế giới phục hồi yếu. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế toàn cầu tại các quốc gia là đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU đang đối diện với rủi ro suy thoái cũng như Trung Quốc đang phục hồi không như kỳ vọng khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam suy giảm.
Ngoài ra, lạm phát và lãi suất thế giới ở mức cao cũng tác động gián tiếp đến Việt Nam. Mặc dù đã xuất hiện xu hướng tạo đỉnh, song lạm phát và lãi suất vẫn neo ở mức cao ở châu Mỹ và châu u khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong năm 2023. Với nền kinh tế mở như Việt Nam, để đạt được mức GDP như kỳ vọng là rất thách thức.
Một yếu tố bất lợi khác là khó khăn trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục kéo dài. Việc thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục trầm lắng có thể tạo nên điểm nghẽn với sự luân chuyển các dòng vốn của nền kinh tế, khiến đầu tư co hẹp từ đó làm chậm quá trình phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhận định về thị trường chứng khoán, kinh tế trưởng MBS cho biết, chỉ số VN-Index đã phục hồi xấp xỉ 28% kể từ đáy tháng 11/2022. Theo đó, vùng giá 1.040 - 1.050 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ quan trọng cho thị trường trong thời gian tới. Ông Hoàng Công Tuấn nhấn mạnh lại quan điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đã tạo đáy ngắn hạn vào cuối năm ngoái. Mặc dù nhà đầu tư không nên quá lạc quan khi thị trường còn những lực cản nhất định, nhưng nếu quá bi quan thì sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Trong nửa cuối năm, chuyên gia MBS cho rằng thị trường sẽ phục hồi chậm và đan xen những nhịp điều chỉnh. Chỉ số có thể hướng đến vùng 1.160 +/- 15 điểm trong nửa cuối năm, tương ứng với vùng đáy tháng 8/2022.
Sau đó, sang đến năm 2024, khi mặt bằng lãi suất hạ thêm cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp hồi phục mạnh mẽ, chuyên gia cho rằng thị trường sẽ tiến đến những vùng đỉnh mới. Trong 2 năm tới, xu hướng của thị trường vẫn là đi lên, tuy nhiên quá trình này khá gập ghềnh.
Nhóm cổ phiếu nào có câu chuyện tăng trưởng tốt
Về câu chuyện đầu tư từ những ngành phục hồi theo chu kỳ 6 tháng - 1 năm tới, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên chờ nhịp điều chỉnh tốt để tham gia vào những cổ phiếu đầu ngành ở một số nhóm cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng tốt như:
Nhóm ngân hàng, chuyên gia cho rằng động thái giảm lãi suất điều hành sẽ tạo ra dư địa cho việc hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn, từ đó cải thiện nhu cầu tín dụng. Đồng thời, việc giảm lãi suất điều hành cũng khiến biên lợi nhuận thuần của các ngân hàng được cải thiện trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, ngành ngân hàng có thể sẽ phân hóa khi các ngân hàng có bộ lọc dự phòng tốt, chất lượng tài sản tốt sẽ có được lợi thế vững chắc trước những khó khăn của nền kinh tế trong năm nay.
Nhóm chứng khoán, ông Hoàng Công Tuấn kỳ vọng lãi suất giảm sẽ dần thẩm thấu vào nền kinh tế thực trong nửa cuối năm, từ đó gián tiếp tác động tích cực đến thanh khoản của thị trường chứng khoán. Những doanh nghiệp hồi phục lợi nhuận, lãi suất thấp có thể khiến kênh đầu tư chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn.
Nhóm thép đang cho thấy sự hồi phục khi đơn hàng thép xuất khẩu đã cải thiện rõ rệt, nhu cầu nội địa cũng đang có dấu hiệu tan băng nhờ một số công trình bất động sản dân cư được nối lại. Bên cạnh đó, đầu tư công vẫn là một điểm tựa cho nhu cầu tiêu thụ thép khi các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cũng như các công trình cao tốc ở khu vực phía Nam liên tục được khởi công.
Nhóm bán lẻ được kỳ vọng với sự phục hồi của một số ngành xuất khẩu chủ lực, chuyên gia MBS nhận định thu nhập của nhóm lao động phổ thông sẽ được cải thuận, qua đó tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng của các sản phẩm không thiết yếu. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất hạ cùng với nhu cầu vay tín dụng có thể phục hồi, giúp các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết cải thiện doanh thu cũng như lợi nhuận trong nửa cuối năm.
Ngành thủy sản, với xu hướng lạm phát hạ nhiệt, nhu cầu tiêu thụ của các sản phẩm thủy sản trong nửa cuối năm 2023 ở Mỹ được kỳ vọng tăng từ 40-50% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng kỳ vọng sẽ phục hồi nhẹ từ cuối quý 2 năm nay.
Ngành xây lắp hạ tầng, chuyên gia MBS cho rằng, để đạt mục tiêu hoàn thành 95% kế hoạch giải ngân, cần có khoảng 550 nghìn tỷ đồng được giải ngân vào nửa cuối năm nay, tập trung ở một số dự án thành phần cao tốc Bắc Nam. Ngoài ra, nhiều tín hiệu cho thấy sân bay Long Thành sẽ được đẩy mạnh.