Chuyển đổi số - Những bước đi đầu tiên của ngành bất động sản Việt Nam
BÀI LIÊN QUAN
Tư duy lãnh đạo – Chìa khóa thúc đẩy chuyển đổi số trong bất động sảnNhiều doanh nghiệp gỗ chưa thể thực hiện chuyển đổi sốCông cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp bất động sản: Biến áp lực thành động lực phát triểnNhững bước đi đầu tiên
Cách đây khoảng 10 năm về trước, Tập đoàn Đất Xanh là doanh nghiệp đã “nổ phát súng” đầu tiên trong việc chuyển đổi số của ngành bất động sản Việt Nam với mô hình “Văn phòng không giấy”. Theo đó, doanh nghiệp này đã thay thế toàn bộ văn bản được in bằng giấy trong nhiều năm thành những tập dữ liệu được lưu trữ trên máy tính, đồng thời sử dụng thêm các công cụ giao tiếp và phần mềm giao dịch qua internet.
Sự thay đổi này đã giúp Tập đoàn Đất Xanh trở thành một trong những doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đi tiên phong trong thời đại kỷ nguyên số. Ở thời điểm lúc bấy giờ, mô hình văn phòng điện tử đã giúp một tập đoàn quy mô lớn như Đất Xanh tiết kiệm được thời gian quản lý, chi phí và tối ưu hóa được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh phát triển mô hình “Căn phòng không giấy”, Đất Xanh còn tích cực áp dụng nhiều thành tựu công nghệ cao như: AI, Blockchain, IoT,... vào hoạt động quản trị và kinh doanh bất động sản. Đây đều là những nền tảng công nghệ vững chắc để doanh nghiệp này tiến xa hơn trong việc chuyển đổi số.
Chia sẻ với báo chí về định hướng chuyển đổi số, ông Lương Trí Thìn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh cho biết, tập đoàn đang đặt mục tiêu trở thành một doanh nghiệp bất động sản tỷ USD và xa hơn là trăm tỷ USD. Và để đạt được những con số này, họ bắt buộc phải đi trước thời đại, áp dụng công nghệ để xây dựng một nền tảng vũng chắc cho doanh nghiệp.
Sau khi đặt ra mục tiêu lớn, đầu năm 2022, Tập đoàn Đất Xanh đã lựa chọn hợp tác với những “gã công nghệ khổng lồ” ở trong và ngoài nước. Cụ thể, tập đoàn này đã chọn đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ số một thế giới là SAP. Sau đó, họ tiếp tục lựa chọn Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam FPT làm đơn vị triển khai các dự án chuyển đổi số toàn diện. Cụ thể là việc ứng dụng phần mềm quản trị tổng thể S/4HANA của SAP, đồng thời tích hợp những quy trình kinh doanh đặc thù của bất động sản.
Đại diện truyền thông của Tập đoàn Đất Xanh cho biết, các phần mềm công nghệ không chỉ giúp việc quản trị hiệu quả, mà còn hỗ trợ đắc lực trong việc xử lý công việc của các phòng ban. Đối với việc quản trị, công nghệ sẽ giúp việc quản lý và lưu trữ thông tin, dự liệu trở nên nhanh chóng, giảm chi phí vận hành. Còn đối với các phòng ban, công nghệ sẽ giúp quản lý đội ngũ nhân sự, tối ưu hóa hiệu quả công việc, nâng cao khả năng kết nối với khách hàng,...
Câu chuyện chuyển đổi số trong hơn 10 năm của Tập đoàn Đất Xanh là một ví dụ điển hình về việc một doanh nghiệp bất động sản truyền thống đã thay đổi, sử dụng nguồn lực nội tại ra sao để giải quyết bài toán chuyển đổi số. Đây cũng chính là lực lượng nòng cốt sẽ dẫn dắt quá trình chuyển đổi số của ngành bất động Việt Nam trong thời gian tới.
Tốc độ chuyển đổi số chậm
Xu hướng chuyển đổi số trong ngành bất động sản Việt Nam đã manh nha xuất hiện từ nhiều năm về trước. Tuy nhiên, với một ngành kinh tế có nhiều đặc thù, vốn đã quen với những cách quản trị, kinh doanh truyền thống, quá trình chuyển đổi số trong ngành bất động diễn ra còn chậm, chưa thật sự nổi bật.
Là một doanh nghiệp công nghệ đang phát triển những phần mềm công nghệ cho ngành bất động sản, ông Mai Lâm Tới, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ bất động sản uFly Technology cho rằng, hiện nay, tốc độ chuyển đổi số trong ngành bất động sản tương đối chậm hơn so với những lĩnh vực khác như tiêu dùng, thương mại điện tử. Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp bất động sản nào ở Việt Nam đã chuyển đổi số hoàn toàn.
Vị giám đốc này cho biết, nguyên nhân của vấn đề này là đội ngũ nhân sự trong các doanh nghiệp bất động vẫn quen với cách quản lý dữ liệu và kinh doanh bán hàng truyền thống. Khi ứng dụng công nghệ, họ phải tập làm quen với việc tương tác khách hàng thường xuyên qua công cụ hoặc ứng dụng quản lý. Việc phải tương tác với khách hàng trên nền tảng số khó khăn hơn những cách làm truyền thống nên họ rất ngại thay đổi.
Chia sẻ với báo chí, ông Vũ Cao Giang – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Chu Lai Hội An cũng nhận định rằng, vấn đề chuyển đổi số bất động sản ở Việt Nam có ít bước đột phá hơn những lĩnh vực khác. Thay vì ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp địa ốc hiện nay vẫn sử dụng sức người là chủ yếu.
Chính việc sử dụng sức người đã khiến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản không cao. Đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát, cả nước phải giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã gặp khó khăn lớn trong việc tiếp cận khách hàng.
Ông Giang nhận định, việc áp dụng công nghệ trong việc quản lý mô hình hoạt động và bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản là rất cần thiết. Nhận diện được xu thế này, nhiều doanh nghiệp đang thay đổi và triển khai dần dần quá trình chuyển đổi số.
Chia sẻ quan điểm về quá trình chuyển đổi số trong ngành bất động sản ở Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, nhu cầu số hóa ngành bất động sản ở Việt Nam là rất lớn. Các doanh nghiệp địa ốc đang cần có những giải pháp công nghệ phục vụ cho việc phát triển các công trình xanh, thông minh, sử dụng công nghệ để phân tích hiệu quả đầu tư, bán hàng hay định giá bất động sản tự động.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản còn có mối quan hệ mật thiết với thị trường tài chính. Cho nên, bất động sản là một lĩnh vực cần ứng dụng nhiều sản phẩm công nghệ trong thời gian tới.
Để đẩy nhanh quá trình số hóa trong ngành bất động sản ở Việt Nam, ông Hà cho rằng, các doanh nghiệp địa ốc cần bắt tay với những doanh nghiệp công nghệ để phát triển các sản phẩm công nghệ phục vụ cho nhu cầu quản trị và kinh doanh bất động sản. Đồng thời, Nhà nước cần cần tạo điều kiện, có thêm những chính sách ưu đãi, khuyến khích các sản phẩm công nghệ bất động sản.