Chứng khoán Mỹ khép lại tháng 1/2023 tăng trưởng mạnh mẽ, Nasdaq Composite vượt trội
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong lúc nhà đầu tư chờ báo cáo lạm phátChứng khoán Mỹ giằng co, Nasdaq Composite tăng phiên thứ hai liên tiếp khi nhà đầu tư bắt đáy cổ phiếu công nghệChứng khoán Mỹ giảm mạnh sau khi số liệu việc làm cao hơn dự kiếnTheo Doanh nghiệp và Kinh doanh, thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1 đi lên rõ rệt khi các nhà đầu tư đón nhận kết quả kinh doanh khả quan cùng với số liệu lạm phát tích cực.
Theo đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đi lên 369 điểm, tương đương 1,09%, và kết phiên ở 34.086 điểm. S&P 500 tăng 1,46% lên gần 4.077 điểm. Vượt trội với mức tăng 1,67%, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite kết phiên ở gần 11.585 điểm.
CNBC cho biết, các nhà đầu tư hiện đang đánh giá kết quả kinh doanh của các tập đoàn lớn trong bối cảnh lạm phát tăng cao cùng những lo ngại về chi tiêu của người dân. Cổ phiếu General Motors đã ghi nhận tăng 8,4% sau khi nhà sản xuất xe hơi này công bố lợi nhuận quý IV/2022 khả quan.
Tương tự, PulteGroup cũng tăng vọt lên 9,4% sau khi doanh nghiệp xây dựng này cho biết lợi nhuận cao hơn kỳ vọng. Hay như cổ phiếu dầu khí Exxon Mobil cũng tăng 2,2% sau khi thông báo kết quả kinh doanh.
Trong phiên ngày 31/1, các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan sau thông tin tích cực từ mặt trận lạm phát ngay trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chỉ số chi phí thuê lao động, một trong những thước đo về tiền lương quan trọng mà Fed theo dõi đã cho thấy mức tăng 1,1% trong quý IV. Kết quả này thấp hơn 1 con số 1,1% mà các nhà kinh tế Dow Jones dự báo. Nếu so với cùng kỳ năm trước, chỉ số chi phí thuê lao động quý IV/2022 đã tăng 5,1%.
Hầu hết các nhà đầu tư đều kỳ vọng rằng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps) trong cuộc họp thường kỳ diễn ra vào 2 ngày 31/1 và 1/2. Fed đã từng tăng lãi suất thêm 50 bps trong cuộc họp hồi tháng 12 và thêm 75 bps trong 4 cuộc họp liên tiếp trước đó.
Giới quan sát nhận định việc lạm phát hạ nhiệt sẽ thúc đẩy Fed giảm nhịp độ thắt chặt tiền tệ cũng như dừng tăng lãi suất trong tương lai gần.
Trong phiên 31/1, tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đi lên. Trong đó, vật liệu và tiêu dùng không thiết yếu là những nhóm có mức tăng mạnh nhất. Cổ phiếu năng lượng và tiện ích tăng ít hơn trung bình thị trường.
Tính chung trong cả tháng vừa qua, chỉ số S&P 500 đã tăng 6,2%, qua đó ghi nhận tháng 1 tích cực nhất kể từ năm 2019. Dow Jones cũng đi lên 2,8%. Đặc biệt, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite nhảy vọt 10,7%, đánh dấu tháng khả quan nhất kể từ tháng 7/2022.
Một số chuyên gia cho rằng thị trường đã lạc quan quá mức trong tháng 1 với hy vọng rằng Fed sẽ giảm tốc và tiến tới việc dừng hẳn chiến dịch tăng lãi suất.
Ông Lauren Goodwin, chuyên gia kinh tế và chiến lược danh mục tại New York Life Investments nhận định rằng đà tăng của thị trường sẽ ông thể kéo dài. Vị chuyên gia cho rằng, khi Fed tạm nghỉ, nhiều khả năng là do nền kinh tế đã suy yếu đi rõ rệt. Điều đó đồng nghĩa những đợt tăng điểm trên thị trường chứng khoán sẽ sớm kết thúc.
Ở diễn biến khác, thị trường chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba với chỉ số Stoxx 600 mất 0,26%. Tuy nhiên, thị trường này đã tăng 6,41% kể từ đầu năm. Kết phiên, chỉ số MSCI All Country World Index giảm 0,95%, nhưng tăng 4,5% trong tháng 1.
Bên cạnh cuộc họp của Fed, trong tuần này, giới đầu tư toàn cầu còn quan tâm đến các tuyên bố lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), dự kiến đưa ra vào thứ Năm. Cả hai ngân hàng trung ương trên đều được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong lần họp này.
Ngoài ra, thị trường tuần này còn đón nhận nhiều số liệu quan trọng của kinh tế Mỹ, bao gồm báo cáo việc làm tháng 1 dự kiến được công bố vào ngày thứ Sáu. Bất kỳ tín hiệu nào của thị trường lao động hiện tại đều được các nhà đầu tư coi là một nhân tố chủ chốt để kéo lạm phát xuống.
Giá dầu cùng tăng nhờ tín hiệu tốt về lạm phát
Giá dầu thô Brent giao tháng 3 tại thị trường London đã tăng 0,96 USD/thùng, tương đương với mức tăng 1%, chốt ở 85,46 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,97 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 78,87 USD/thùng.
Giá dầu trong phiên này được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu và dữ liệu cho thấy nhu cầu của Mỹ với dầu thô cũng như các sản phẩm dầu tăng trong tháng 11. Dù vậy, giá dầu trong phiên có thời điểm đã tụt xuống mức thấp nhất trong gần 3 tuần do áp lực từ kỳ vọng lãi suất còn tăng cùng triển vọng nguồn cung dầu thô Nga dồi dào.
Theo báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu dầu thô và các sản phẩm dầu trong tháng 11 của nước này đã tăng thêm 178.000 thùng/ngày, đạt 20,59 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 8.
Theo giới phân tích dự báo, trong cuộc họp ngày 1/2, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, sẽ giữ nguyên hạn ngạch sản lượng.
Hãng tin Reuters đã thực hiện một cuộc khảo sát với sự tham gia của 49 nhà kinh tế học và phân tích cho thấy, giá dầu Brent được dự báo bình quân hơn 90 USD/thùng trong năm nay. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 10, dự báo giá dầu bình quân năm 2023 trong cuộc khảo sát hàng tháng này được điều chỉnh tăng và cơ sở cho việc tăng này là sự khởi sắc về nhu cầu của Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới.