Chứng khoán Mỹ "đứt mạch" thăng hoa, đảo chiều giảm điểm sau 2 phiên tăng mạnh
BÀI LIÊN QUAN
Dow Jones bật tăng 765 điểm trong phiên đầu tháng 10, sắc xanh bao trùm chứng khoán MỹChứng khoán Mỹ bị bán tháo trở lại: Dow Jones rớt 458 điểm, S&P 500 về gần mức trước đại dịchChứng khoán Mỹ hồi phục mạnh, Dow Jones bật tăng gần 550 điểm sau 6 phiên giảm liên tụcTheo Doanh nghiệp và Kinh doanh, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã mất 42 điểm, tương đương 0,14%, qua đó đóng cửa ở mức gần 30.274 điểm. Chỉ số gồm 30 cổ phiếu Bluechips này có thời điểm rơi 430 điểm rồi hồi phục về cuối phiên, thậm chí có lúc còn ghi nhận sắc xanh.
Tương tự, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng đóng cửa mất lần lượt 0,2% và 0,25%.
CNBC dẫn lời ông Yung-Yu Ma, Giám đốc Chiến lược đầu tư tại BMO Wealth Management cho rằng, thị trường đang tạm nghỉ để nhìn nhận lại đợt phục hồi 2 phiên vừa qua bền vững đến đâu. Đồng thời, các nhà đầu tư đang đánh giá Fed sẽ không dễ gì đảo chiều chính sách. Số liệu việc làm đang cần tuyển dụng là dấu hiệu đáng mừng, nhưng đó mới chỉ là phẩn nổi rất nhỏ của tảng băng mà Fed cần nhìn thấy để giảm nhiệt chính sách.
Theo đó, báo cáo của Cục Thống kê Lao động (BLS) ngày 4/10 cho thấy số công việc đang cần tuyển dụng giảm từ mức 11,2 triệu trong tháng 7 xuống còn 10,1 triệu trong tháng 8.
Một số nhà đầu tư nhận định rằng những tín hiệu về sự suy yếu của thị trường lao động sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm nhịp độ thắt chặt tiền tệ, thậm chí là sớm nới lỏng trở lại.
Khảo sát của công ty phân tích thị trường ADP cho thấy, số việc làm phi nông nghiệp trong tháng 9 đã tăng 208.000 so với tháng trước đó, cao hơn mwucs 185.000 việc làm mới tạo ra trong tháng 8 cũng như vượt qua con số 200.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.
Bên cạnh đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) công bố vào sáng ngày 5/10 cho thấy hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ. Khi các số liệu kinh tế việc làm tích cực, Fed sẽ có thêm lý do để thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, điều này khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Thị trường chứng khoán Mỹ đi lên mạnh mẽ trong 2 phiên đầu tuần giúp Dow Jones có thêm tổng cộng gần 1.600 điểm, S&P 500 ghi nhận chuỗi 2 phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, lợi suất trái phiếu giảm từ đỉnh hơn 10 năm.
Hôm 5/10 vừa qua, lợi suất đã tăng trở lại và gây áp lực lên giá cổ phiếu, nhất là với nhóm công nghệ. Lãi suất kỳ hạn 10 năm vượt mốc 3,7% dù có lúc tụt xuống dưới 3,6% trong phiên trước đó.
Ngày 5/10, ông Raphael Bostic, Chủ tịch Chi nhánh Atlanta của Fed tỏ thái độ cứng rắn với lạm phát: “Chúng ta phải duy trì cảnh giác vì nếu tôi dự đoán đúng về các đồng nghiệp của tôi trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thì cuộc chiến chống lạm phát vẫn đang ở trong những ngày đầu”.
Ngoài ra, ông Bostic nói thêm rằng lạm phát "cần thêm thời gian" để quay về ngưỡng mục tiêu dài hạn của Fed và chúng ta vẫn đang trong vũng lầy lạm phát chưa thoát ra được.
Theo ước tính của Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, lãi suất quỹ liên bang sẽ tăng lên mức 4 – 4,5% trong năm nay sau khi được duy trì ở mức 0 – 0,25% vào hồi đầu năm và 3 – 3,25% hiện nay. Đồng thời ông cũng khuyên mọi người không nên kỳ vọng vào việc Fed sẽ giảm lãi suất vào năm sau.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu cũng đóng cửa phiên 5/10 trong sắc đỏ khi chỉ số DAX mất 1,21%, FTSE của Anh giảm 0,48%. Chỉ số STOXX 600 đại diện châu Âu giảm hơn 1%.
OPEC+ cắt giảm 2 triệu thùng/ngày, giá dầu lập tức tăng mạnh
Trong một diễn biến khác, bất chấp lời kêu gọi từ Mỹ trong việc bơm thêm dầu để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu, OPEC+ vừa qua đã quyết định cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày để hỗ trợ giá dầu. Theo đó, cổ phiếu ngành năng lượng đã đi lên theo giá dầu.
Cụ thể, ExxonMobil tăng hơn 4%, Chevron thêm 0,6%, Occidental đi lên 2,4%. Giá dầu thô WTI tại Mỹ cũng vượt 88 USD/thùng, dầu Brent tiêu chuẩn quốc tế tăng lên gần 94 USD/thùng.
Quyết định này của OPEC+ được đưa ra trong cuộc họp trực tiếp đầu tiên của nhóm kể từ năm 2020. Động thái này đã đánh dấu sự đảo ngược lớn trong chính sách khai thác dầu của liên minh, vốn đã cắt giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng/ngày hồi năm 2020 khi nhu cầu cụt giảm do Covid-19. Sau đó, sản lượng một phần đã được hồi phục mặc dù một số quốc gia thuộc OPEC+ đang vật lộn để hoàn thành hạn ngạch.
Đồng thời, quyết định này cũng cho thấy những áp lực từ Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm giảm giá nhiên liệu trước cuộc bầu cử giữa kỳ trong tháng tới đã không được đáp ứng.
Cuộc họp tiếp theo của tổ chức này sẽ diễn ra vào ngày 4/12. Các nhà phân tích năng lượng nhận định OPEC+ sẽ khó thay đổi chính sách trong 1 hoặc 2 tháng tới khi thị trường năng lượng đang phải đối mặt với sự không chắc chắn xung quanh các lệnh trừng phạt của châu Âu với Nga cũng như những vấn đề liên quan đến chi phí với bảo hiểm vận tải, giới hạn giá cùng việc nhập khẩu xăng dầu giảm ở nhiều nền kinh tế.
Ông Brennock cho rằng, việc siết chặt hơn nữa nguồn cung vốn đã eo hẹp sẽ là một "cái tát" vào người tiêu dùng. Động thái này chỉ nhằm mục tiêu mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất. "Nói tóm lại, OPEC+ đang ưu tiên giá hơn là sự ổn định của thị trường", ông Brennock nói.
Theo Rohan Reddy, giám đốc nghiên cứu của Global X ETFs, việc cắt giảm sản lượng này có thể đẩy giá dầu về mốc 100 USD/thùng nếu đại dịch Covid-19 không xảy ra và các lệnh phong tỏa trên quy mô lớn và Fed không trở nên "diều hâu" một cách bất ngờ.
Bên cạnh kịch bản giá dầu trở lại mốc 100 USD, một khả năng khác có thể xảy ra nhiều hơn đó là giá dầu được duy trì trong khoảng 90-100 USD khi thị trường tiêu hóa các dữ liệu kinh tế.