Chủ tịch Doji Group Đỗ Minh Phú: Cơ duyên đến với đá quý cùng hành trình trở thành “Ông hoàng Ruby sao” Việt Nam
BÀI LIÊN QUAN
Chủ tịch THACO Trần Bá Dương: Từ kỹ sư "vét mỡ bò" đến ông trùm ngành ô tô và bất động sảnChủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long: Ông vua ngành thép Việt "nói ít làm nhiều", xây dựng cơ ngơi khủng từ hai bàn tay trắng[Mới Nhất] Lãi suất cho vay mua nhà trả góp của ngân hàng TPBank: Chỉ từ 5,9%Nhà sáng lập DOJI Group Đỗ Minh Phú là ai?
Doanh nhân Đỗ Minh Phú sinh năm 1952 tại xã Minh Phú, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Gia đình ông Phú vốn là người gốc Hà Nội, cha mẹ ông đi tản cư lên Yên Bái vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp và tham gia kháng chiến ở đây. Tên của ông được đặt theo tên làng, tên xã mà ông được sinh ra.
Ông Phú tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội - ngành vô tuyến điện tử. Hiện tại, ông được biết đến chủ yếu với vài trò là Chủ tịch của DOJI Group - một doanh nghiệp lớn chuyên về kinh doanh vàng bạc đá quý. Ông còn là Chủ tịch của Diana Việt Nam - doanh nghiệp lớn chuyên về sản xuất băng vệ sinh, tã trẻ em. Năm 2011, Diana Việt Nam đã bán lại phần lớn cổ phần cho Unicharm của Nhật Bản. Sau đó, ông Phú mua lại 20% cổ phần của TPBank (Ngân hàng Tiên Phong).
Hiện tại, ông Đỗ Minh Phú là nhà sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong TPBank và Ủy viên Ban chấp hành Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ông từng kiêm hai chức vụ đó là Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc của Tập đoàn DOJI suốt một thời gian dài. Sau khi trở thành Chủ tịch HĐQT ngân hàng TPBank vào ngày 20/4/2018, theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng, ông quyết định thôi làm chủ tịch của DOJI cùng với 5 doanh nghiệp khác là Công ty VBĐQ SJC Hà Nội; Công ty VBĐQ SJC Đà Nẵng; Công ty CP Đầu tư và thương mại Bông Sen Đỏ; Công ty cổ phần Đá quý và Vàng Yên Bái và Công ty TNHH Đầu tư BĐS DOJILand.
Ông còn nắm giữ một số chức danh khác ở các tổ chức phi doanh nghiệp, điển hình như như Phó chủ tịch hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, Đại sứ của Hiệp hội Đá quý quốc tế tại Việt Nam và Phó Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ.
Gia đình 3 đời có truyền thống kinh doanh
Gia đình ông Đỗ Minh Phú là là một điển hình kiểu mẫu của một gia đình kinh doanh 3 thế hệ, đều là những tên tuổi nổi tiếng trong giới doanh nhân Việt Nam.
Thế hệ thứ nhất: Bố của ông là cụ Đỗ Thế Sử (SN 1923) là một trong những nhà sáng lập của Công ty tiền thân của Tập đoàn DOJI. Năm 38 tuổi, khi đang là Tổng biên tập báo Sơn Tây, cụ xin nghỉ về làm kinh doanh. Năm 73 tuổi, cụ thành lập công Công ty TNHH Phát triển Xuất nhập khẩu May mặc – GAMEXCO và vẫn tiếp tục điều hành công ty cho tới tận ngoài 90 tuổi.
Thế hệ thứ hai: Cụ Sử có 9 người con là giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân và doanh nhân. Trong đó, ông Đỗ Minh Phú là con thứ ba trong gia đình. Anh cả là Đại tá, Kỹ sư Đỗ Thái Tùng, hiện đã nghỉ hưu nhưng vẫn đang làm việc cho một công ty lớn ở Hà Nội. Anh hai là Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Tất Cường, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện 103 (Học viện Quân y), hiện là Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế 5 sao Vinmec (thuộc Tập đoàn Vingroup).
Em trai và em gái của ông Đỗ Minh Phú đều nắm giữ những chức vụ trọng trách ở các cơ quan, doanh nghiệp lớn. Trong đó, ông Đỗ Quốc Bình (Em trai) là Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội; ông Đỗ Anh Tuấn (Em trai) là Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Lò hơi và các thiết bị nhiệt; ông Đỗ Anh Tú (Em trai) là Tổng Giám đốc Công ty Diana, thành viên HĐQT TienphongBank; ông Đỗ Khôi Nguyên (Em trai) là Tiến sĩ Luật, luật sư thuộc ngành sở hữu trí tuệ ở Mỹ; bà Đỗ Xuân Mai (Em gái) hiện đang điều hành công ty Green Global; bà Đỗ Kim Dung (Em gái) là Giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các Công ty sữa...
Thế hệ thứ ba: Cụ Sửu có tổng cộng 34 cháu, tất cả đều tốt nghiệp đại học, hầu hết đều học ở nước ngoài. Ông Đỗ Minh Phú có 2 người con một trai một gái là Đỗ Vũ Phương Anh và Đỗ Minh Đức.
Đỗ Vũ Phương Anh (sinh năm 1980), tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Hawaii, Hoa Kỳ với học vị Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh cao cấp. Đỗ Vũ Phương Anh có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và quản trị nguồn nhân lực, từng trải qua các cương vị là Phó tổng giám đốc Nguồn nhân lực và cải cách hệ thống của Công ty CP Diana, Phó tổng giám đốc Nguồn nhân lực – vận hành của Tập đoàn DOJI và hiện là Phó chủ tịch Tập đoàn.
Ngoài công tác tại DOJI, Tiến sĩ Đỗ Vũ Phương Anh còn là giảng viên của Trường Đại học Kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đỗ Minh Đức (sinh năm 1983), từng tốt nghiệp cử nhân Kinh tế tại Anh, sau đó trở thành Thạc sĩ Marketing tại Đại học Westminster (Anh). Hiện tại, anh là Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn DOJI, đồng thời là người kế nghiệp sáng giá của ông Đỗ Minh Phú tại Tập đoàn DOJI.
Cơ duyên đến với đá quý
Ngày trước, ông Phú được cử đi học ở Liên Xô, tuy nhiên do nhầm lẫn, giấy gọi nhập học lại thiếu tên của ông. Để bù đắp sai sót này, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu đã viết giấy cho phép ông chọn bất cứ khoa nào tại trường Đại học Bách Khoa. Thời điểm đó, ông Phú đã chọn ngành cao điểm nhất của trường, đó chính là ngành vô tuyến điện tử. Tuy nhiên, đến khi đi làm, ông lại chọn theo đuổi ngành khoa học máy tính. Vốn giỏi tiếng Anh, ông được Viện nghiên cứu cử làm giám đốc của một công ty nước ngoài về đá quý, sau đó là một công ty liên doanh cùng lĩnh vực.
Năm 1994, ông bỏ chức Giám đốc của công ty liên doanh với mức lương 300 đô để thành lập doanh nghiệp chuyên về đá quý của riêng mình. Khởi nghiệp từ số vốn vô cùng ít ỏi được ông tích cóp từ những năm làm việc ở Viện khoa học Việt Nam và những lần công tác nước ngoài. Doanh nghiệp chính thức đầu tiên của ông ra đời năm 1994 với 200 triệu đồng như thế.
Khi đó, cơ sở của ông là một ngôi nhà nhỏ, trong ngõ nhỏ tít tắp ở phố Đặng Văn Ngữ, diện tích mặt bằng chỉ khoảng 60 đến 70m2 với vài chục công nhân. Đây chính là tiền thân của Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD và sau này là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI lừng lẫy.
Năm 2007, ông Đỗ Minh Phú xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý mang tên DOJI Plaza tại Hà Nội. Trong cuộc đời kinh doanh của mình, ông đã thực hiện nhiều vụ thâu tóm, sáp nhập ở những thời điểm đặc biệt. Trong 2 năm 2007-2008 khi Việt Nam đang xảy ra khủng hoảng kinh tế, ông Phú quyết định thâu tóm một số công ty trong ngành, bao gồm SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Đá quý và vàng Yên Bái để tái cấu trúc các công ty riêng, đổi tên thành Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI và phân chia thành 6 công ty thành viên.
Trước thương vụ này, doanh thu của DOJI là 60 tỷ đồng (năm 2006), đến năm 2011 là 30.000 tỷ đồng; trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong 3 năm liên tiếp (2012, 2013, 2014). Đến năm 2019, doanh thu của DOJI là 90.000 tỷ đồng, nằm trong TOP 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Năm 2020, bất chấp dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, “ông trùm đá quý” thực hiện thêm một vụ thâu tóm đình đám khác với Công ty Thế giới Kim cương, tiếp tục mở rộng đế chế kinh doanh của riêng mình.
Thương vụ Unicharm-Diana đình đám cùng quyết định "rẽ lối" vào TPBank
Không chỉ là nhà sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, ông Phú cùng em trai của mình là ông Đỗ Anh Tú còn tạo dựng nên một thương hiệu Diana vô cùng thành công.
Cụ thể, cuối năm 1996, ông Đỗ Anh Tú khi đó đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Tiệp Khắc và có ý định đầu tư kinh doanh vào Việt Nam. Qua quá trình tìm hiểu, ông phát hiện mặt hàng băng vệ sinh có nhiều triển vọng; bởi khi đó ở Việt Nam chỉ có duy nhất công ty Softina của Xí nghiệp Dược phẩm Hà Nội, liên doanh với công ty TN Trade của Thái Lan.
Chỉ một năm sau đó, hai anh em ông Phú thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển kỹ thuật Việt Ý chuyên sản xuất các sản phẩm khăn tã giấy, băng vệ sinh, giấy Tissue với tổng số tiền đầu tư là 600.000 USD thời điểm đó. Sau đó, công ty được đổi tên là Công ty Cổ phần Diana. Chỉ trong năm đầu thành lập, Diana đã có doanh thu khoảng 5 tỷ đồng, năm 2008 tăng lên khoảng 3 lần đến năm 2010 doanh thu đạt 1.020 tỷ đồng.
Đến năm 2011, Tập đoàn hàng gia dụng Nhật Bản Unicharm công bố mua lại 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Diana. Dù không được công bố nhưng theo nhiều nguồn tin, thương vụ này có giá trị khoảng 130-200 triệu USD.
Chia sẻ về kinh nghiệm M&A trong khủng hoảng, ông Phú nhấn mạnh: “Khi làm kinh doanh, hãy chuẩn bị tâm thế bởi lúc nào cơ hội cũng có thể đến. Khi cơ hội tới phải biết nắm bắt nhưng không phải cơ hội nào cũng là của mình. Nó phải phù hợp với những gì mình đang có”.
Khi giải thích nguyên nhân bán lại Diana khi đang ở “đỉnh cao danh vọng”, ông Phú cho biết: “Diana đã trải qua quá trình hình thành và phát triển đỉnh cao của mình. Ở Việt Nam hiện nay, nhãn hiệu băng vệ sinh Diana và tã giấy trẻ em Bobby, tã cho người già Caryn… đều là những nhãn hiệu mạnh chiếm giữ vị trí số 1 hoặc số 2 trên thị trường về thị phần tính theo số lượng sản phẩm tiêu thụ.
Tuy nhiên, đối với các sản phẩm hàng tiêu dùng một khi đã đến giai đoạn phát triển đỉnh cao, thị trường bị bão hòa thì cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp mang tính chất đột phá ra thị trường khu vực và thế giới. Diana cũng không là trường hợp ngoại lệ. Unicharm là một tập đoàn đa quốc gia hoạt động rộng khắp thế giới lại cùng lĩnh vực kinh doanh mà Diana đang hoạt động kinh doanh nên sự hợp tác này sẽ như một “cánh tay nối dài” giúp Diana có thêm sức mạnh để phát triển sản phẩm”.
Sau thương vụ M&A đình đám, anh em ông Phú và Tập đoàn DOJI quyết định đầu tư vào Tienphongbank (nay là TPBank) bằng “tiền tươi thóc thật”. Giai đoạn 2011 - 2015, TPBank từng là một trong số 9 ngân hàng TMCP phải tái cơ cấu. Hiện tại, TPBank trở thành ngân hàng có lợi nhuận lớn với mức định giá gần 20.000 tỷ đồng. Hiện tại, ông Đỗ Minh Phú đang giữ vị trí Chủ tịch của TPBank.
Có thể nói, sinh ra trong gia đình kinh doanh 3 thế hệ nhưng không phải nghề gia truyền nhưng sự nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý lại như cơ duyên mang tới thành công cho doanh nhân Đỗ Minh Phú. Là một trong những công ty gia đình lẫy lừng nhất Việt Nam, Tập đoàn Doji của đại gia Đỗ Minh Phú hiện đang sở hữu một “hệ sinh thái” vô cùng đồ sộ, hoạt động đa lĩnh vực, từ vàng bạc đá quý, bất động sản đến tài chính ngân hàng và dịch vụ nhà hàng.