Chờ đợi một cơ chế nhằm hiện đại hóa việc cấp chứng chỉ môi giới BĐS
BÀI LIÊN QUAN
Môi giới bất động sản và nhu cầu được số hoáNgành bất động sản rục rịch tiếp cận chuyển đổi số hóaSố hóa bất động sản: Nơi nhà đầu tư dễ dàng hái quả ngọt“Thước đo” để tạo dựng đội ngũ môi giới BĐS chuyên nghiệp
Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), mỗi năm có đến hơn 100.000 giao dịch BĐS được thực hiện ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp tại nước ta. Đặt trong bối cảnh nóng lên của thị trường BĐS, trên cả nước hiện có khoảng 300.000 người làm nghề môi giới nhà đất.
Nhưng đáng chú ý, con số môi giới có chứng chỉ hành nghề chỉ trong khoảng 30.000 người với số chứng chỉ được cấp lại theo quy định mới chỉ vào khoảng 10.000 trường hợp. Nhìn nhận về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết, "Hiện nay, chỉ khoảng 10% số môi giới BĐS có chứng chỉ hành nghề. Ngay cả môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định cũng chỉ đạt trình độ, năng lực đủ để tổ chức bán hàng".
Nhận thấy thị trường BĐS phát triển mạnh, nhiều người không ngần ngại “tìm đến” với nghề môi giới. Bên cạnh những môi giới chỉn chu, chuyên nghiệp thì cũng có những môi giới là người tay ngang, “nhảy” vào nghề theo trào lưu, lôi kéo khách hàng bằng đủ thứ chiêu trò. Điều này đã kéo theo nhiều trường hợp nhà đầu tư, khách hàng sập bẫy những chiêu trò của chủ đầu tư, dân môi giới. Hậu quả là "tiền mất, tật mang", thị trường nhà đất cũng vì thế bị nhiễu loạn, sốt ảo, thao túng giá nhà đất.
Có thể thấy việc bắt buộc thực hiện quy định có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS giống như một “thước đo” để chấn chỉnh thực trạng trên, tạo dựng đội ngũ môi giới BĐS chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên môn, tâm huyết với nghề, tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS Việt Nam ngày càng khởi sắc. Từ đó, giúp nghề môi giới BĐS trở nên có thiện cảm hơn trong mắt xã hội, người dân cũng vì thế tin tưởng uỷ thác tài sản của họ cho môi giới, tạo nên một môi trường giao dịch nhà đất minh bạch, lành mạnh.
Những tháng vừa qua đã chứng kiến số người đăng ký học và thi chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS tăng gấp 10 lần so với thời điểm cuối năm ngoái. Nhiều môi giới địa ốc tham gia các lớp đào tạo chuyên môn nhằm cập nhật kiến thức và đi thi lấy chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS khi có các quy định mới siết lại việc quản lý lao động ngành này. Các nhóm đối tượng tham gia học thường là môi giới tại các doanh nghiệp địa ốc, người muốn ra mở công ty kinh doanh riêng,...
Vừa qua, tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) do Bộ Xây dựng tổ chức, quy định về chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Trong đó, vấn đề mà đa phần đại biểu quan tâm chính là định hướng giải pháp hiện đại hóa việc cấp chứng chỉ môi giới. Việc này được nhiều người kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, quản lý và cấp chứng chỉ môi giới BĐS đạt hiệu quả, minh bạch.
Giải pháp “số hóa” trong đào tạo, tổ chức thi chứng chỉ môi giới
Trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT DVL Ventures, đơn vị đã được uỷ quyền của Sở Xây dựng thành phố Hà Nội tổ chức kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS đợt 1/2022 theo Quyết định số 269/QĐ-SXD ban hành ngày 4/4/2019 với số lượng 1.000 thí sinh đủ điều kiện tham dự.
Dưới góc độ chuyên gia, ông cho rằng trong điều kiện thuận lợi phát triển về công nghệ cũng như chuyển đổi số, bên cạnh đào tạo qua hình thức offline (trực tiếp) như lâu nay, hình thức đào tạo khác như e - learning (trực tuyến) đang trở thành xu thế được ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực. Nhận định về thuận lợi, ông Chung cũng cho biết, giải pháp đào tạo trên nền tảng số đem lại hiệu quả tiết kiệm thời gian khi người học có thể tham gia các khóa học bất cứ lúc nào, bất cứ mọi nơi thông qua các chuyên đề “số hoá” đã được xây dựng bài bản, hiện đại.
“Sau giai đoạn giãn cách xã hội bởi Covid - 19, việc ứng dụng đào tạo hình thức e - learning đã trở nên rất phổ biến, đặc biệt là ứng dụng các giải pháp đào tạo về kỹ năng, kiến thức trong hoạt động hành nghề BĐS nói chung và giảng dạy chuyên môn hành nghề môi giới nói riêng. Điều này là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn trong xu thế phát triển của công nghệ BĐS”, ông Chung chia sẻ.
Đó là câu chuyện trong đào tạo, về giải pháp thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, Chủ tịch HĐQT DVL Ventures cũng đánh giá cao tính khả thi của công nghệ, “Lâu nay chúng ta vẫn quen với hình thức thi trực tiếp “giấy trắng mực đen” song các giải pháp về công nghệ thi online đang ngày càng được tối ưu hoá để vừa có thể giám sát được người thi tránh sử dụng tài liệu, không bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài,... vừa giúp việc tổ chức kỳ thi trở nên gọn nhẹ, không cần phải huy động quá nhiều nhân lực như cách thi truyền thống”.
Chia sẻ thêm ông Chung cho biết, không chỉ dừng lại ở đào tạo và thi cấp chứng chỉ, thông qua các ứng dụng chuyển đổi số, các bên chủ quản mở lớp học sẽ quản lý được cả học liệu học viên, các hoạt động,... tạo nên một kho dữ liệu phong phú, hệ thống thông tin được quản lý bài bản, chuyên nghiệp và thuận tiện tra cứu mọi lúc, mọi nơi.
Chờ đợi một cơ chế
Nhận diện khó khăn, ông Hồng Chung đặt ra vấn đề rào cản về cơ chế pháp lý trong thực thi giải pháp cấp chứng chỉ môi giới BĐS trên nền tảng số, “Hiện nay, tại DVL EDU, một trong những đơn vị nhiều năm liên tiếp được sự tín nhiệm ủy quyền của Sở Xây dựng, Thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ tổ chức các kỳ thi sát hạch chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, chúng tôi đã định hướng đến các giải pháp thi cấp chứng chỉ online. Tuy nhiên đây sẽ là vấn đề cần thời gian, căn cứ vào các quy định của Sở Xây dựng liên quan đến việc tổ chức đào tạo, tổ chức thi chứng chỉ hành nghề môi giới”.
Theo ông Chung nhấn mạnh “Điều quan trọng nhất là phải có các sửa đổi về quy định để rào cản pháp lý không còn là trở ngại với hiện thực hoá đào tạo và thi chứng chỉ trên nền tảng số. Bởi thực tế hiện nay những ứng dụng trong các lĩnh vực khác cũng đã có cơ chế chính sách phù hợp, đạt được hiệu quả nhất định. Trong thời gian tới sẽ cần có sự điều chỉnh về cơ sở pháp lý để các giải pháp này được thực thi!”.
Căn cứ theo Điều 59, Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
Kinh doanh môi giới BĐS độc lập không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng; Tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS làm sai lệch nội dung chứng chỉ;
Cho mượn cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới BĐS.
Phạt tiền từ 120-160 triệu đồng đối với 1 trong các hành vi: Kinh doanh dịch vụ BĐS mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định; hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định; chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng...