CFO Thế Giới Di Động: Doanh nghiệp đã tất toán sạch khoản vay trái phiếu, không có khó khăn về tài chính
BÀI LIÊN QUAN
Quý 3/2022, Thế Giới Di Động (MWG) đang chịu lỗ tài chính 86 tỷ đồng dù đã tái cấu trúc nợThế giới di động (MWG) và Hòa Phát (HPG) sẽ làm gì để ứng phó với lãi suất tăng khi cùng "gánh" khoản dư nợ lớn?MWG có đà tăng gấp 4 lần VN-Index trong một tuần, chủ yếu nhờ tiền nộiKhông gặp khó khăn gì về dòng tiền trong thời gian tới
Mới đây, trong buổi gặp gỡ với các nhà đầu tư và giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư xoay quanh sức khỏe tài chính cũng như dòng tiền của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), theo Giám đốc Tài chính (CFO) của doanh nghiệp, trong những tháng gần đây, nền kinh tế đang có nhiều bất ổn. Chính vì thế, MWG đã thực hiện chiến lược thận trọng, phòng thủ cả hiện tại và trong thời gian sắp tới.
Đặc biệt, với việc tái cấu trúc chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, ban lãnh đạo MWG cũng đã tập trung vào việc kiểm soát hàng tồn kho một cách kỹ càng hơn, đồng thời tiến hành kiểm soát chi phí một cách thận trọng.
Theo vị Giám đốc Tài chính của Thế Giới Di Động, công ty có mối quan hệ rất tốt với các ngân hàng và hiện đang làm việc với hầu hết các ngân hàng Việt Nam và thế giới. Trong số đó, có những ngân hàng thận trọng nhất là Nhật Bản nhưng công ty vẫn có quan hệ tín dụng rất tốt đối với 3 ngân hàng lớn nhất của nước này. Đối với các ngân hàng trong nước, MWG đều có mối quan hệ thân thiết với các "ông lớn" như Vietcombank, BIDV, Vietinbank,… Với mối quan hệ này, CFO của MWG khẳng định, doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ không gặp bất kỳ khó khăn gì về dòng tiền.
Tính đến cuối quý 3 năm nay, tổng nợ vay của MWG là khoảng 22.825 tỷ đồng, trong đó có đến 5.968 tỷ đồng là vay dài hạn. Được biết, khoản vay của công ty chủ yếu đến từ ngân hàng, chỉ có 1.135 tỷ đồng là dư nợ trái phiếu tính tại ngày 30/9/2022. Cũng theo tiết lộ của CFO, trong tuần qua Thế Giới Di Động đã tiến hành tất toán khoản vay trái phiếu là 1.135 tỷ đồng kể từ năm 5 trước.
Mới nhận thêm khoản đầu tư 250 triệu USD
Khi chia sẻ thông tin về dòng tín dụng của công ty, CFO của MWG cho biết, doanh nghiệp mới nhận được khoản đầu tư 250 triệu USD đến từ những tổ chức tài chính và ngân hàng thế giới với chi phí vay hợp lý. Thực tế, các ngân hàng sẵn sàng cung cấp khoản vay lên đến 350 triệu USD, nhưng MWG chỉ cần 250 triệu USD là đủ. Vì thế, CFO khẳng định, Thế Giới Di Động không gặp bất kỳ khó khăn nào về tài chính hay dòng tiền.
Vị CFO này cũng tiết lộ rằng, MWG đã thực hiện thành công khoản vay hợp vốn 120 triệu USD vào ngày 21/11 vừa qua. Khoản vay này đã được HSBC thu xếp vào 2 năm trước. Khi chia sẻ về khoản vay nước ngoài, vị này thông tin, Thế Giới Di Động chỉ có khoản vay 250 triệu USD là vay bằng USD và mới nhận hồi cuối tháng 9 vừa qua khi tỷ giá vẫn còn cao. Trong bối cảnh thị trường bất ổn, khoản vay này không hề có bảo hiểm rủi ro, tuy nhiên 3 năm sau khoản vay này mới phải trả. Do đó, MWG sẽ lựa chọn thời điểm ổn định để bổ sung các bảo hiểm rủi ro.
Đáng chú ý, "ông lớn" Thế Giới Di Động vẫn duy trì khoản vay của ngân hàng Mizuho của Nhật đã được vay kể từ tháng 3 năm ngoái, đến tháng 3 năm sau mới phải trả bằng USD. Trong khi đó, những khoản vay USD khác của công ty này đều đã được tất toán hết. Chia sẻ về những khoản vay bằng VND, vị CFO này cho biết: "Lãi suất của những khoản vay này hầu như không có chi phí tài chính, năm nay nếu như có cũng chỉ ở mức độ thấp mà thôi".
Với quy mô lớn như hiện tại, Thế Giới Di Động sẽ luôn phải duy trì khoản vay từ 10.000 đến 12.000 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính năm nay cũng ước tính khoảng 150 tỷ đồng. Điều đáng nói, MWG không phát sinh chi phí tài chính trong 9 tháng đầu năm nay khi các khoản doanh thu tài chính ở mức ngang ngửa với chi phí lãi vay là 1.001 tỷ đồng trong bối cảnh lãi suất vay VND đang leo thang còn "đồng bạc xanh" liên tục mạnh lên. Doanh nghiệp trong những quý trước liên tục ghi nhận lãi từ hoạt động tài chính.
Không gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn từ khoản đầu tư trái phiếu
Theo CFO của MWG, công ty không mua trái phiếu sơ cấp từ tổ chức phát hành. Những trái phiếu mà tập đoàn đầu tư đều là những trái phiếu mà ngân hàng hoặc công ty chứng khoán lớn nắm giữ, có tài sản đảm bảo. MWG huy động đầu tư bằng tiền vay và tiền nhàn rỗi ngắn hạn nên công ty không có đầu tư dài hạn, những khoản đầu tư trái phiếu của MWG chỉ có kỳ hạn từ 3 đến 6 tháng.
Ngay tại thời điểm đầu tư, công ty đã có hợp đồng bán lại cho những tổ chức bán. Doanh nghiệp này đã thu hồi được một số tiền khá lớn trong một tuần qua. Vị CFO này khẳng định, MWG không có bất kỳ khó khăn gì về việc thu hồi tiền đối với các khoản đầu tư trái phiếu. Trong thời gian tới, Thế Giới Di Động sẽ tiếp tục duy trì những chiến lược đầu tư thận trọng.
Trước đó, MWG cũng đã phải lên tiếng về những tin đồn xoay quanh các khoản đầu tư trái phiếu của mình. Cụ thể, vào ngày 30/9, MWG có một khoản mục là “Đầu tư Tài chính ngắn hạn” với giá trị 8.846 tỷ đồng, trong đó có đến 7.235 tỷ đồng là những khoản tiền gửi tại các ngân hàng, thời hạn còn từ 1 đến 6 tháng; ngoài ra còn 1.611 tỷ đồng là những khoản đầu tư vào trái phiếu ngắn hạn.
Đáng chú ý, trong số 1.611 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn, 100% trái phiếu doanh nghiệp đầu tư đã đến hạn thanh toán từ 1 đến 3 tháng tới. Đây đều là những trái phiếu đã có tài sản đảm bảo, cam kết mua lại từ những đơn vị bảo lãnh đúng theo hợp đồng cùng danh mục đầu tư đa dạng đến từ hơn 10 tổ chức phát hành và 80% không hề liên quan đến ngành bất động sản.
Cũng theo thông tin từ Thế Giới Di Động, 100% trái phiếu không liên quan đến những doanh nghiệp hay tập đoàn, hoặc các ngân hàng và công ty chứng khoán đang bị tiến hành điều tra hoặc được nhắc đến gần đây trong các phương tiện thông tin đại chúng vì có quan hệ với những sai phạm trong phát hành trái phiếu. “Công ty sẽ xử lý những hành vi tung tin đồn thất thiệt, xuyên tạc và bịa đặt gây thiệt hại cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”, phía MWG bổ sung.
Đáng chú ý, trước đó SSI Research dự báo rằng, MWG trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với lạm phát trong bối cảnh chi phí tăng lên nhưng sức mua của người tiêu dùng lại sụt giảm. Chính vì thế, công ty khó có thể chuyển đổi phần tăng lên của chi phí sang giá bán cho khách hàng. Cũng theo SSI Research, lợi nhuận sau thuế trong quý 4 năm nay của Thế Giới Di Động có thể đạt 1.670 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 7%; trong khi lợi nhuận ròng cả năm rơi vào khoảng 5.160 tỷ đồng, đến năm 2023 sẽ là 5.860 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng lần lượt 5%, 14% so với cùng kỳ.