CEO Lê Trí Thông: Vị Tổng giám đốc trẻ sở hữu profile siêu khủng của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ
BÀI LIÊN QUAN
CEO Chợ Tốt - Nguyễn Trọng Tấn: "Có một điểm ít ai thấy được chính là chúng tôi đi cùng vòng đời của đối tượng khách hàng khi nhìn lại hành trình Chợ Tốt"CEO Lép - Từ tay trắng đến bà chủ thương hiệu 17 chi nhánh: Một thương hiệu thời trang muốn phát triển phải cân bằng được yếu tố định vị thương hiệu và xu hướng của thị trường!CEO Đoàn Văn Hiểu Em: Kế hoạch mở 2.000 nhà thuốc An Khang vào năm 2023, nâng doanh thu trung bình lên 600 triệu/tháng/cửa hàngNgày 21/4/2018, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ đã ra quyết định thông qua Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc bổ nhiệm ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc thay cho bà Cao Thị Ngọc Dung. Việc bổ nhiệm này sẽ có hiệu lực từ 21/4/2018 với nhiệm kỳ trong vòng 5 năm.
Từ “Sếp cũ” DongA Bank trở thành Tổng giám đốc PNJ
Ông Lê Trí Thông sinh năm 1979, từng tốt nghiệp hạng ưu chương trình MBA tại Đại học Oxford và còn là kỹ sư công nghệ hóa học. Cụ thể, ông Thông là thủ khoa đầu ra Ngành Hóa học của trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2002. Sau khi ra trường, ông tiếp tục học cao học trong nước. Đến năm 2005, ông Thông được nhận học bổng của Đại học Oxford, Anh; tiếp đến là học bổng toàn phần Naomi Molson Scholar dành cho sinh viên xuất sắc. Vị doanh nhân này được các bạn cùng lớp gọi là “Baby MBA” bởi ông là sinh viên trẻ nhất trong chương trình thạc sĩ kinh doanh.
Đó là khi ông Thông mới 25 tuổi, trở thành sinh viên trẻ tuổi nhất được Đại học Oxford nhận vào học chương trình MBA và cấp học bổng toàn phần duy nhất duy nhất của chương trình – học bổng Naomi Molson Scholar dành cho sinh viên xuất sắc, có tiềm năng phát triển sự nghiệp. Sau khi hoàn thành khóa học MBA tại Anh, ông Lê Trí Thông đã có một khoảng thời gian ngắn làm việc tại tập đoàn Exxon Mobil (Anh) trước khi về nước.
Điều đáng nói, người đàn ông này được biết tới là thành viên của một gia đình “trâm anh thế phiệt”. Theo đó, cha của vị CEO này là ông Lê Văn Trí - người từng là Thành viên HĐQT trị kiêm chức Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina). Casumina là một trong những công ty con của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Ông Lê Văn Trí đảm nhiệm vị trí Phó tổng của Casumina từ khi doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hóa năm 2006. Đến ngày 11/3/2013, ông Lê Văn Trí chính thức nghỉ hưu.
Sau khi về nước, vào năm 2008 Lê Trí Thông bắt đầu gia nhập DongABank với tư cách là “người được chọn” cho vị trí CEO sau này. Tại đây, vị doanh nhân 7x đã đảm nhiệm hàng loạt các chức vụ quan trọng. Cuối năm 2012, ông trở thành Phó tổng giám đốc ngân hàng DongABank. Đồng thời, ông Lê Trí Thông còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kiều hối Đông Á, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thẻ thông minh ViNa - V.N.B.C.
Dù đã được nhắm vào vị trí Tổng giám đốc tương lai DongABank nhưng đến ngày 15/2/2014, ông bất ngờ chia tay ngân hàng này. Sau đó không lâu, ông Thông trở thành Phó tổng giám đốc chiến lược Prudential Vietnam trước khi gia nhập PNJ với vị trí Phó chủ tịch vào ngày 27/4/2017.
Đúng chuẩn nhà lãnh đạo mà PNJ đang tìm kiếm
Có thể nói, ở ông Lê Trí Thông hội tụ đủ những phẩm chất của một nhà lãnh đạo mà PNJ vẫn luôn tìm kiếm trong giai đoạn chuyển đổi. Thứ nhất, vị doanh nhân 7x sở hữu kỹ năng và kiến thức trong ngành tài chính vô cùng vững vàng khi từng đảm nhiệm nhiều vị trí cấp cao tại ngân hàng (Ngân hàng Đông Á) và tập đoàn tài chính (Prudential). Bên cạnh đó, ông cũng là người tham gia điều hành một đơn vị tư vấn chiến lược nổi tiếng, đó chính là Boston Consulting Group (BCG VN). Ông Thông cũng là một trong những người tiên phong phát triển các dự án trong ngành tài chính ngân hàng có liên quan đến nền tảng công nghệ. Điều đáng nói, những vị CEO trên thế giới hội tụ năng lực tài chính, trí tuệ thông minh, tư duy chiến lược và thông thạo công nghệ đều đã chứng minh được khả năng điều hành, lãnh đạo vượt trội.
Thời điểm ông Lê Trí Thông đảm nhiệm chức CEO, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ đang phải đối mặt với việc chuyển đổi mô hình. Dù khi đó, doanh nghiệp đang tăng trưởng khá tốt, nhưng nếu không chuyển đổi thì trong tương lai, PNJ sẽ khó mà tạo được tăng trưởng đột phá. Nhìn ra ngoài thế giới, hàng loạt các nền kinh tế tiên tiến như châu u và Mỹ đều có thấy rõ được nhu cầu về trang sức đã đi theo hướng mới và có phần khắt khe hơn rất nhiều.
Dễ dàng thấy được, sự thay đổi về hành vi tiêu dùng của giới trẻ trong việc giảm tích lũy tài sản để được gia tăng tích lũy về trải nghiệm đã được phản ánh trực tiếp qua việc mua sắm nữ trang như một công cụ để tích lũy. Hầu hết những người trẻ thường ưa chuộng những sản phẩm thời trang với giá cả vừa phải, dễ thay đổi hơn. Chính vì thế, khả năng tích lũy tài sản vàng ở những nền kinh tế này so với châu Á đã không còn mạnh mẽ như trước. Người châu Á nói chung vẫn có nhu cầu cũng như khả năng tích lũy trang sức vàng lớn. Điều này trở thành yếu tố thuận lợi giúp cho Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận có thể tiếp tục tăng trưởng trong phân khúc khách hàng trung và cao cấp.
Do đó, PNJ luôn nỗ lực học tập, từ thành công như của Tiffany đến những trường hợp thất bại để định hình chiến lược cho riêng mình, thích nghi trong môi trường mà hành vi mua sắm của khách hàng đang dần thay đổi. Vì thế, PNJ cũng định hướng xây dựng một hệ thống nền tảng thương mại điện tử mạnh mẽ tại Việt Nam, tiến tới việc đóng góp 10 cho đến 20% doanh số trong vòng 5 năm tới. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự hậu thuẫn của Tổng giám đốc Lê Trí Thông, PNJ còn dự kiến sẽ chi mạnh đến hơn 8 triệu USD cho mảng thương mại điện tử.
Sếp tổng PNJ Lê Trí Thông cùng tiêu chí chiêu mộ nhân tài: Tôi rất thích những người luôn trong trạng thái "đói"!
Dù là trước hay sau quá trình tái cấu trúc, CEO Lê Trí Thông vẫn luôn đề cao và coi trọng tính chính trực lên hàng đầu. Theo nhà lãnh đạo này, ngành sản xuất kinh doanh của PNJ liên quan rất nhiều đến uy tín và niềm tin. Trong thời gian khoảng 2-3 năm gần đây, ông còn đề cao thêm nhiều yếu tố liên quan đến sự sáng tạo, đột phá, tính dấn thân, mạo hiểm, dám nghĩ dám làm để có thể phù hợp với sự chuyển mình của PNJ. Đó là từ sản xuất và bán hàng, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận đang dần mở rộng thêm mảng bán lẻ. Đối với việc sản xuất, ông cũng đòi hỏi phải có sự quy củ, ngăn nắp và chính xác. Việc bán lẻ liên quan rất nhiều đến việc tạo thêm trải nghiệm và xây dựng mối quan hệ với khách hàng nên chỉ những nhân sự biết sáng tạo, họ mới có thể tạo ra những quy trình mới ấn tượng và hiệu quả.
Đặc biệt với CEO Lê Trí Thông, ông chia sẻ rằng bản thân rất yêu thích những người năng động và luôn trong trạng thái “đói”. Tức là những người này luôn cảm thấy bản thân mình còn thiếu thốn và luôn khao khát học hỏi. Ông cho rằng, nếu cho rằng bản thân đã biết hết mọi thứ, họ sẽ không thể dung nạp thêm những điều mới mẻ nữa trong khi thời đại ngày nay mọi thứ thay đổi không ngừng, luôn có thêm rất nhiều điều mới mẻ để học. Đối với Tổng giám đốc PNJ, kiến thức chỉ là một phần, quan trọng hơn chính là “tiền tố của kiến thức”, đó chính là tính “đói” cùng khả năng “tiếp thu và tiêu hóa” kiến thức của người đó.
Ngoài ra, ông Thông cũng đánh giá cao kỹ năng làm việc tập thể. Ông cho rằng, doanh nghiệp muốn phát triển thì đội ngũ nhân sự phải vừa có năng lực lại vừa đồng lòng đoàn kết. Vì thế, vị CEO này luôn trực tiếp tham gia vào quá trình tuyển dụng cũng như phỏng vấn ứng viên. Điều này sẽ giúp ông chắc chắn rằng mình sẽ có được một đội ngũ gắn kết, công ty sau này sẽ không phải tốn năng lượng để giải quyết các tranh cãi không đáng có.
Tại môi trường làm việc PNJ, thay vì tạo khoảng cách cấp trên, cấp dưới hay giữa các phòng ban, ông Lê Trí Thông luôn muốn đập bỏ hết những rào cản giữa họ, từ đó tạo ra cách phối hợp mới hiệu quả hơn. Đồng thời, ông cũng muốn trao cơ hội được phát triển, được lắng nghe, được nêu lên ý kiến của mình cho các nhân viên dù là ở cấp thấp nhất. Tại PNJ, mọi người có thể thảo luận với nhau ở bất kỳ đâu thông qua những nền tảng trực tuyến. Bên cạnh đó, ai cũng có thể nhận được câu hỏi cũng như bài tập trực tiếp từ quản lý cấp cao như CEO.
Ông Thông cho rằng, dù làm ở đâu đi chăng nữa, điều quan trọng nhất là bạn có thể học hỏi và dần trưởng thành để có thể tự xây dựng sự nghiệp. Nếu như làm cho công ty lớn, bạn sẽ được học về sự bài bản, cấu trúc cho các tổ chức lớn, kèm theo xác suất có được một người sếp tốt, những bài học lớn cũng cao hơn. Khi làm cho startup, mọi người sẽ có nhiều không gian tự do hơn, được trải nghiệm nhiều vị trí, thậm chí sẽ phải tự mình giải quyết các vấn đề từ tài chính, kế toán cho đến nhân sự…
Yếu tố quyết định ở việc bạn hoạch định tương lai cho mình như thế nào. Nếu như muốn đảm nhiệm vị trí nhân sự cao cấp ở các tập đoàn lớn, kinh nghiệm làm việc với các startup chỉ đóng góp một phần, mỗi người vẫn phải học hỏi chuyện quản lý ở quy mô lớn. Ngược lại, với những người đang làm việc cho công ty lớn, nếu muốn khởi nghiệp lại phải học về sự linh hoạt của startup.