Cảnh báo: “Cò đất” đang “oanh tạc” bất động sản ăn theo quy hoạch sông Hồng
Hai bên sông Hồng ghi nhận mức độ quan tâm bất động sản tăng mạnh
Theo Dân Việt, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ có chiều dài gần 40km, điểm bắt đầu là cầu Hồng Hà đến điểm cuối là cầu Mễ Sở, chạy qua 13 quận/ huyện của thành phố Hà Nội. Tổng quy mô dự án khoảng 11.000ha, trong đó bãi sông chiếm 50% diện tích với gần 5.480ha. Các bãi sông này sẽ đi theo kế hoạch xây dựng khu đô thị mới hiện đại, khu nhà ở sinh thái chất lượng cao và các công trình công cộng phân bổ quanh đô thị để phục vụ cư dân hai bên sông và nội đô.
Khảo sát cho thấy, từ khi đồ án được phê duyệt đến nay, mức độ tìm kiếm giá đất quanh khu vực hai bên sông hồng mỗi ngày một tăng thêm. Cụ thể, mức độ quan tâm và tìm kiếm phân khúc nhà đất tại bãi Chu Phan - Tráng Việt (huyện Mê Linh) chỉ trong vòng một năm đã tăng lên 80%. Những khu vực như Thượng Cát – Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) còn tăng tới 120%; Bãi Bắc Cầu (quận Long Biên) tăng trên 60%; Bãi Kim Lan – Văn Đức (huyện Gia Lâm) tăng hơn 50%, … so với giai đoạn cuối năm ngoái.
Quy hoạch đô thị sông Hồng: Lời “hồi đáp” cho ước vọng 30 năm của người dân Thủ đô
Từ những năm 1994, ý tưởng quy hoạch và phát triển hai bên bờ sông Hồng đã được TP Hà Nội đưa ra xem xét. Sau rất nhiều những khó khăn, vướng mắc đến tháng 3/2022, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đã được UBND TP Hà Nội chính thức phê duyệt và công bố.Những bài toán cần giải của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
Ăn theo quy hoạch, giá đất ven sông Hồng lại "sốt"
Đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phê duyệt được đánh giá là đòn bẩy giúp cho thị trường bất động sản khu vực này phát triển nhưng việc đầu tư hiện nay cũng đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.Đồng thời, bắt đầu từ ngày đồ án quy hoạch sông hồng được UBND TP. Hà Nội phê duyệt đã làm các giao dịch mua bán đất trên nhiều khu vực trong vùng quy hoạch như Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm… sôi động hẳn lên. Nhiều môi giới và các nhà đầu tư từ nhiều tỉnh phía Bắc cũng đổ về đây tìm kiếm đất đai cũng khiến giá đất được đẩy cao thêm. Do đó, chỉ qua một thời gian ngắn nhưng giá đất một số nơi đã tăng đến 30 - 50%. Nhiều mảnh nằm sâu trong ngõ hẹp hiện cũng thu hút nhiều sự quan tâm.
Anh Minh Đức (trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cho biết, từ khi nơi này có đồ án quy hoạch sông Hồng thì cứ vài ngày lại có người đến hỏi giá đất, mua đất, cuối tuần thì rất tấp nập. “Gần nhà tôi có hai, ba hộ gia đình ở trong ngõ chỉ rộng 3m, cuối năm ngoái đã bán nhà được hơn 40 triệu đồng/m2. Dạo gần đây, nhà tôi cũng có nhiều người tới hỏi mua với giá 60 triệu đồng/ m2, nhưng gia đình không có nhu cầu nên chưa bán” - anh Đức chia sẻ.
Bên cạnh đó, các xã thuộc phân khu đô thị sông Hồng như Hải Bối, Võng La, Xuân Canh (huyện Đông Anh đã rao bán nhiều khu đất với giá dao động từ 35 - 50 triệu đồng/m2, so với một năm trước đã tăng lên 20 - 30%.
Giá thật hay chiêu trò của “cò đất”?
Một số khu vực thuộc xã Kim Lan, huyện Gia Lâm từ thời điểm đồ án quy hoạch ven sông Hồng thành phân khu đô thị được phê duyệt, nơi đây đã xuất hiện rất nhiều “cò đất” đi mời chào các nhà đầu tư mua đất với những lời chào bán đặc biệt hấp dẫn. Thậm chí, nhiều trường hợp được giao dịch diễn ra nhanh chóng, một số nhà đầu tư đã xuống tiền cọc ngay chỉ sau vài tiếng.
Khảo sát mới đây cho thấy, tại các khu vực Kim Lan, Văn Đức thuộc huyện Gia Lâm vừa trải qua nhiều đợt sốt đất. Ở thời điểm hiện tại, theo lời chào mời của “cò đất” thì mức giá đất nơi đây dao động khoảng 35 - 50 triệu đồng/m2 đối với các căn nhà trong ngõ rộng 2 - 3m, mức giá này đã tăng trên 25% so với cùng kỳ năm 2021.
Qua tìm hiểu thông tin thực tế từ một số người dân địa phương thì giá đất quanh khu vực này không hề có mức giá cao như “cò đất” đưa ra. Ông Đinh Hữu Vinh (người dân địa phương) cho biết: “Đúng là từ khi có thông tin quy hoạch phân khu đô thị thì đã có nhiều người tới đây tìm hiểu giá đất. Theo tôi biết là cách đây khoảng 1 năm, giá đất khu này chỉ tầm 25 - 30 triệu đồng/m2 chứ làm gì đến 35 - 50 triệu đồng/m2. Có những nhà muốn bán nhanh thì giá thậm chí còn rẻ hơn nữa”.
Có thể thấy, lợi dụng tình thế và tâm lý của những nhà đầu tư “lướt sóng”, đầu cơ nên nhiều “cò đất” đã tung ra nhiều chiêu trò, thông tin khan hàng không chính xác gây hiện tượng “sốt nóng” ảo. Ngoài ra, ăn theo thời đại công nghệ nên “cò đất” còn lập ra những fanpage bán hàng trên mạng xã hội, chạy quảng cáo tràn lan, hỏi giá và chốt đơn ảo để khiến dự án họ bán được nhiều người chú ý hơn. Ở một số dự án vừa mới mở bán chính thức được vài ngày nhưng trong bảng hàng được chủ đầu tư cung cấp thì số lượng khách đã mua dài dằng dặc, đa số là các căn đẹp trong dự án. Theo ghi nhận, đã có những dự án vừa mở bán nhưng số căn đã có chủ chiếm đến 80%.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, tình trạng thực tế là “cò đất” là nguyên nhân chính tạo ra những cơn sóng. Lợi dụng tâm lý sợ mất cơ hội để “áp” nhà đầu tư, các nhà đầu tư lại càng lo lắng nếu không mua nhanh sẽ đánh mất cơ hội giá rẻ vào tay người khác. Từ đó, người mua hình thành tâm lý sợ bị bỏ lại phía sau nên chấp nhận chốt hàng với giá mà “cò” đưa ra.
“Việc đầu tư vào bất động sản ven sông Hồng nơi có quy hoạch sẽ phục vụ nhu cầu thực và dài hạn. Vì vậy giá bán nơi đây chỉ tăng một thời gian rồi nhanh chóng hạ xuống mức cũ. Do đó, các nhà đầu tư cần thận trọng, tỉnh táo trước những thông tin tràn lan về sốt đất ảo. Bởi lẽ, đã từng có rất nhiều bài học về các nhà đầu tư bị “nhấn chìm” trong các cơn sốt ảo hay vì các thông tin ăn theo dự án” - ông Đính cảnh báo.