Cần xây dựng hệ thống thông tin minh bạch trong thị trường bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Ngành bất động sản rục rịch tiếp cận chuyển đổi số hóaChuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản: Là xu hướng tất yếu nhưng cần cả quá trìnhKhông còn phải nhận những cuộc gọi mời chào mua bất động sản liên tục nhờ công cuộc chuyển đổi sốBất cập trong thị trường BĐS thời gian qua
Đánh giá về thị trường BĐS hiện nay, Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng còn nhiều vấn đề bất cập tồn tại ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Đầu tiên là vấn đề trong hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS còn rắc rối, chồng chéo. Điều này đã dẫn đến sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm với số lượng rất ít sản phẩm dành cho người tiêu dùng có thu nhập trung bình, thấp. Tại thị trường TP.HCM và Hà Nội rất hiếm có căn hộ chung cư dưới 25 triệu đồng/m2 thay vào đó là những dự án nhà đất với giá rất cao, có thể lên tới 200 triệu đồng/m2.
Mặt khác, thiếu kiểm soát hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS dẫn đến hạn chế trong chuyên môn, thiếu hiểu biết khi cung cấp thông tin và không đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch BĐS.
Thời gian qua công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở nhiều địa phương xuất hiện những hiện tượng tiêu cực như “cò đấu giá”, “quân xanh - quân đỏ”, “dìm giá”,... cũng khiến mặt bằng giá và hoạt động thị trường BĐS biến động.
“Chính vì thị trường BĐS còn tồn tại nhiều bất cập khiến giá nhà mới ngày càng tăng cao, vượt quá khả năng chi trả của người dân, xảy ra những cơn sốt đất bất thường”, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá.
Không chỉ dừng lại ở sự mất cân đối nguồn cung giữa các phân khúc BĐS, công tác thông tin, công khai minh bạch các quy hoạch và dự án hạ tầng, quy hoạch đô thị, đơn vị hành chính vẫn còn thiếu sót, chưa kịp thời.
Tại "Hội nghị phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững" vừa qua, Bộ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, “Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS chưa hoàn chỉnh, thiếu thông tin; việc công khai minh bạch các nội dung liên quan đến thị trường BĐS chưa được giám sát và thực hiện thường xuyên, liên tục và đầy đủ dẫn đến tình trạng lợi dụng, tung tin đồn thổi, nhiễu loạn thị trường”
Giải pháp minh bạch, lành mạnh hoá thị trường BĐS
Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính bày tỏ quan điểm, minh bạch và lành mạnh thị trường chính là giúp người dân cải thiện điều kiện nhà ở, song hành với đó là giải quyết các cơn “sốt đất ảo” gây hoang mang đối với người tiêu dùng. Minh bạch hóa thông tin liên quan đến BĐS chính là điểm mấu chốt, đặc biệt là trong kế hoạch và tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng.
“Nhờ các dự án quy hoạch hạ tầng giúp đường xá di chuyển thuận lợi hơn đã khiến đất đai ngày càng tích lũy thêm giá trị nội tại. Sau mỗi cơn sốt đất có thể nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng, nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng điều này tung ra thông tin không chính xác về quy hoạch, góp phần “thổi giá” đất đai, thu lợi nhuận khổng lồ. Chưa kể các thủ thuật chào bán đánh vào tâm lý đám đông khiến giá đất nhiều nơi bị đẩy lên mức bất thường. Các giải pháp như ngăn chặn phân lô bán nền, đánh thuế cao… mà các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương tính toán cũng đã cho thấy hiệu quả thời gian qua. Nhưng để triệt để cần minh bạch các thông tin liên quan đến BĐS và thông tin về các dự án cơ sở hạ tầng”, ông Đính nhận định.
Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh giải pháp minh bạch thị trường và đưa ra phương hướng triển khai. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng cho biết sẽ công khai, minh bạch thông tin, danh mục cũng như tiến độ các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm; dự án BĐS lớn; các hoạt động sáp nhập, thành lập, nâng cấp đô thị, đơn vị hành chính tại địa phương. Từ đó hướng đến mục tiêu ngăn chặn các hiện tượng thông tin đồn thổi nhằm đẩy giá, trục lợi bất hợp pháp trong thị trường BĐS.
Thông tin từ ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo thị trường BĐS được phát triển lành mạnh, hiệu quả, ổn định và bền vững.
Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường tập trung vào công tác quản lý nhà nước tại địa phương về quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai để từ đó có biện pháp quản lý, ngăn chặn vấn đề tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch, không được đầu tư hạ tầng hoặc chưa được cấp phép đầu tư.
Tăng cường giám sát, kiểm tra các hoạt động tại sàn giao dịch BĐS, các hoạt động môi giới BĐS để kịp thời có phương án chấn chỉnh. Thanh tra chặt chẽ, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh BĐS; xử lý những hành vi đưa tin sai sự thật, gây nhiễu loạn, phân tán dư luận, tác động tiêu cực đến các hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tín dụng BĐS.
Triển vọng xây dựng cơ sở dữ liệu trên nền tảng số
Trong thời đại Proptech lên ngôi, người tiêu dùng BĐS có thể dễ dàng kết nối tìm kiếm thông tin trên nền tảng trực tuyến. Đây có thể coi là triển vọng để các cơ quan có thẩm quyền xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu BĐS số như một giải pháp minh bạch nhưng không kém phần thuận tiện, thông minh với người mua nhà.
Theo Nghị định số 44/2022/NĐ-CP, Việt Nam sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường BĐS, bao gồm thông tin về cấp quốc gia, cấp địa phương, cấp dự án, giao dịch và thống kê thị trường trên nền tảng số.
Cơ sở dữ liệu cấp quốc gia và cấp địa phương bao gồm các văn bản pháp lý, thông tin dự án và giao dịch, dữ liệu thuế, chứng chỉ môi giới bất động sản, dư nợ, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản và phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.
Cơ sở dữ liệu cấp dự án bao gồm thông tin chung, giấy phép, loại dự án bất động sản, giao dịch, giá cả và hàng tồn kho. Cơ sở dữ liệu có thể được truy cập tại địa chỉ batdongsan.xaydung.gov.vn. Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản sẽ do Bộ Xây dựng và các sở xây dựng địa phương quản lý.