Cần cấp bách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch
BÀI LIÊN QUAN
Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng đồng bằng sông HồngĐề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạchPhê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đồng chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe các báo cáo về chuyên đề giám sát; trao đổi, xác định những khó khăn, tồn tại, hạn chế của việc thực thi Luật Quy hoạch từ khi có hiệu lực đến nay; xác định những tồn tại, hạn chế, rào cản, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đưa ra một số định hướng xử lý trong thời gian tới.
Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp nhận định, công tác quy hoạch có vị trí, vai trò rất quan trọng, việc thực hiện chính sách, pháp luật và công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Luật Quy hoạch có vị trí, vai trò quan trọng, với tư duy và cách tiếp cận mới, thay đổi cơ bản về quản lý quy hoạch từ cơ chế quản lý tập trung sang quản lý theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chính phủ đã xác định việc triển khai Luật Quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ đã ban hành 42 nghị định, các bộ ban hành 95 thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch; ban hành 3 nghị quyết và tổ chức 3 hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch, nhiều cuộc họp để chỉ đạo công tác này.
Chính phủ đã ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Nghị quyết số 110/NQ-CP; Danh mục các quy hoạch sản phẩm thuộc thẩm quyền của Thủ tướng theo Nghị quyết số 63/NQ-CP. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 chỉ thị, 2 quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo nhằm đây nhanh tiến độ lập quy hoạch, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc tổ chức lập các quy hoạch đã đạt được kết quả bước đầu và được đẩy nhanh trong thời gian gần đây. Hiện nay, đã có 41/110 quy hoạch được lập xong, đang xin ý kiến, thẩm định và trình phê duyệt, trong đó có 7 quy hoạch đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, các ý kiến tại cuộc họp cũng cho rằng, Luật Quy hoạch có nhiều nội dung mới, khó, phức tạp. Luật được thảo luận, thông qua qua 3 kỳ họp Quốc hội, trong quá trình thảo luận và ngay cả sau khi có thông qua cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc, nhất là thể chế, cơ chế, chính sách trong triển khai Luật Quy hoạch. Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 7 luật, 1 pháp lệnh, 2 nghị quyết về quy hoạch... Trong đó, năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.
Tuy nhiên, việc thực hiện Luật Quy hoạch vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngay sau khi bước vào nhiệm kỳ mới, ngày 27/7/2021, Quốc hội đã chọn vấn đề thực hiện Luật Quy hoạch là chuyên đề giám sát đầu tiên, ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Thời gian qua, Quốc hội đã tổ chức các đoàn giám sát làm việc với các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương. Chính phủ đã phối hợp tích cực, chặt chẽ với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động giám sát về công tác quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ vào ngày 12/4 và phiên họp Chính phủ chuyên đề ngày 19/4 về nội dung này.
Kết thúc cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cuộc họp đã cơ bản thống nhất đánh giá về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Theo Thủ tướng, chương trình giám sát của Quốc hội rất cần thiết, hiệu quả, đúng và trúng vấn đề, chỉ ra rất khách quan, thực chất những việc đã làm được, những việc chưa làm được, trong đó có việc tiến độ lập quy hoạch còn chậm so với yêu cầu; còn nhiều vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Quy hoạch với các luật khác; việc ban hành văn bản quy định chi tiết còn chậm…
Thủ tướng trân trọng cám ơn sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập khi triển khai Luật. Đây là cuộc họp đầu tiên giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội về một nội dung cụ thể, tiếp tục thể hiện sự đổi mới, phối hợp chặt chẽ và thực chất, sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực giữa hai bên để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục xác định quy hoạch là vấn đề cốt lõi, mang tầm chiến lược, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vì vậy phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.
Các ý kiến tại cuộc họp thống nhất cho rằng, trước mắt, cần xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để xử lý những điểm nghẽn, vướng mắc về thể chế trong thực thi Luật Quy hoạch; còn về lâu dài phải tiếp tục sơ kết, tổng kết, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch.
Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét tập trung vào một số nội dung: Điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch; nội hàm của quy hoạch tổng thể quốc gia; mối quan hệ giữa các quy hoạch; vấn đề tích hợp quy hoạch; lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; nguồn vốn cho công tác lập quy hoạch; rà soát, khôi phục lại một số quy hoạch sản phẩm, hàng hóa chiến lược cần thiết; cải cách hành chính trong công tác quy hoạch; kế thừa, chuyển tiếp các nhiệm vụ trong công tác quy hoạch; phân cấp, phân quyền trong lập, phê duyệt quy hoạch...
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự cố gắng của đoàn giám sát, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành có liên quan, các địa phương trong quá trình triển khai các hoạt động giám sát về công tác quy hoạch.
Theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả giám sát cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi Luật Quy hoạch còn có những khó khăn, vướng mắc. Do đó Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ có cuộc họp để thống nhất các nội dung, kiến nghị, đề xuất trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 3 sắp tới.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trên tinh thần tập trung, thẳng thắn, cởi mở, cầu thị, cuộc họp giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội đã đạt được đồng thuận cao về các giải pháp cấp bách, trước mắt và căn cơ, lâu dài.
Chủ tịch Quốc hội giao các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan để hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.