Các loại trách nhiệm pháp lý cần biết
BÀI LIÊN QUAN
Giá trị pháp lý của vi bằng chuyển nhượng quyền sử dụng đất Trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đaiTrách nhiệm của chính quyền khi cấp đất sai luậtTrách nhiệm pháp lý là gì?
Trách nhiệm pháp lý là một loạt trách nhiệm, nghĩa vụ mà người tham gia cần phải thực hiện theo quy định. Nghĩa là dù muốn hay không muốn thì cá nhân hay tổ chức đó vẫn phải thực hiện, nếu không thực hiện cơ quan có thẩm quyền sẽ thi hành các biện pháp cưỡng chế.
Điều này khác biệt với các trách nhiệm mang tính tự nguyện không bắt buộc chẳng hạn như trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm công việc hay trách nhiệm tôn giáo, …
Thuật ngữ “trách nhiệm pháp lý” có thể được xem xét theo nhiều nghĩa và dưới nhiều góc độ.
Trong phạm vi môn học Lý luận chung về nhà nước và pháp luật thì trách nhiệm pháp lý chủ yếu được xem xét ở dưới góc độ là trách nhiệm của chủ thể vi phạm pháp luật và gắn liền với vi phạm pháp luật.
Dưới góc độ này, trách nhiệm pháp lý là sự bắt buộc chủ thể vi phạm pháp luật cần phải gánh chịu các hậu quả pháp lý bất lợi thể hiện qua việc chủ thể này phải gánh chịu các biện pháp cưỡng chế nhà nước đã được quy định trong phần chế tài của các quy phạm pháp luật do sự vi phạm pháp luật của họ.
Có thể hiểu, trách nhiệm pháp lý là một loại quan hệ đặc biệt giữa nhà nước (qua các cơ quan có thẩm quyền) và chủ thể vi phạm, trong đó nhà nước có quyền áp dụng những biện pháp cưỡng chế có tính chất trừng phạt được quy định ở chế tài quy phạm pháp luật đối với chủ thể vi phạm pháp luật và chủ thể đó bắt buộc phải gánh chịu hậu quả bất lợi về vật chất, tinh thần bởi hành vi do mình gây ra.
Ví dụ: Sinh viên B sử dụng tài liệu làm bài thi khi Quy chế thi không cho phép nên bị Giám thị X lập biên bản vi phạm và ra Quyết định đình chỉ thi, như thế có nghĩa là sinh viên B đã phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý.
Đặc điểm của trách nhiệm pháp lý
Nối tiếp phần khái niệm trách nhiệm pháp lý là gì, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các đặc điểm chính của nó nhé!
Trách nhiệm pháp lý là một loại trách nhiệm được luật pháp quy định. Đây chính là khác biệt lớn nhất giữa loại trách nhiệm đặc biệt này với những loại trách nhiệm xã hội khác như: trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm chính trị hay trách nhiệm tôn giáo…
Trách nhiệm pháp lý luôn gắn liền với những biện pháp cưỡng chế đã được Nhà nước Việt Nam quy định trong phần chế tài của các quy phạm pháp luật. Đây cũng được coi là điểm khác biệt lớn giữa trách nhiệm pháp lý và các biện pháp cưỡng chế khác của Nhà nước như: bắt buộc chữa bệnh hay giải phóng mặt bằng…
Trách nhiệm pháp lý luôn là hậu quả pháp lý bất lợi đối với chủ thể, nó được thể hiện rõ qua việc chủ thể phải chịu các thiệt hại nhất định về tài sản hay về tự do… theo đúng như quy định Nhà nước khi họ vi phạm pháp luật.
Trách nhiệm pháp lý chỉ phát sinh khi có chủ thể vi phạm pháp luật hoặc có thiệt hại xảy ra do các nguyên nhân khác.
Ý nghĩa của trách nhiệm pháp lý
Trách nhiệm pháp lý giúp ngăn ngừa, giáo dục và cải tạo các hành vi vi phạm pháp luật. Chủ thể phải chịu hậu quả về trách nhiệm hình sự, dân sự, hành chính hoặc kỷ luật trước pháp luật.
Trách nhiệm này sẽ giáo dục mọi người có ý thức tôn trọng và chấp hành đúng theo quy định pháp luật. Từ các quy định của pháp luật, mọi người dân có lòng tin và tin tưởng pháp luật.
Các loại trách nhiệm pháp lý
Trách nhiệm hình sự
Trách nhiệm hình sự là loại trách nhiệm nghiêm khắc nhất mà tòa án áp dụng đối với người, tổ chức phạm tội.
Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm mà người phạm tội phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu bị kết tội và chịu các biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự, chịu mang án tích. Trách nhiệm hình sự nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền và lợi ích của người phạm tội. Trách nhiệm này sẽ được do Tòa án áp dụng với những người có hành vi phạm tội theo quy định của Bộ Luật hình sự.
Trách nhiệm hình sự bao gồm:
+ Phạt cảnh cáo, phạt tiền
+ Phạt cải tạo không giam giữ
+ Phạt tù có thời hạn, phạt tù chung thân
+ Tử hình
Ngoài ra còn có các hình thức phạt bổ sung khác như cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước danh hiệu; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản hay phạt tiền khi không áp dụng là phạt hành chính.
Ví dụ về trách nhiệm pháp lý hình sự: C vận chuyển ma túy và bị cơ quan công an bắt quả tang. Do đó, C sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý hình sự.
Trách nhiệm dân sự
Trách nhiệm pháp lý dân sự là trách nhiệm pháp lý do tòa án áp dụng với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật dân sự. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật dân sự sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của Bộ Luật dân sự. Trách nhiệm dân sự sẽ bao gồm:
+ Xin lỗi, cải chính công khai
+ Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự
+ Buộc bồi thường thiệt hại hoặc phạt vi phạm
Ví dụ về trách nhiệm pháp lý dân sự: B lái xe máy, do không để ý đã đâm đổ bờ tường của ủy ban nhân dân xã. Do đó, B phải chịu trách nhiệm dân sự như xin lỗi và phải bồi thường khắc phục lại bờ tường bị đổ do mình gây ra.
Trách nhiệm hành chính
Trách nhiệm hành chính là trách nhiệm pháp lý được cơ quan nhà nước áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật hành chính. Trách nhiệm pháp lý hành chính gồm: khiển trách, cảnh cáo, phạt tiền, cách chức hay buộc thôi việc…
Ví dụ về trách nhiệm hành chính: X điều khiển xe máy và bị cơ quan công an yêu cầu dừng lại để kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của X vượt quá mức quy định nên đã bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm kỷ luật
Trách nhiệm kỷ luật là trách nhiệm pháp lý do thủ trưởng cơ quan hoặc tổ chức áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức hay công nhân của cơ quan, tổ chức khi họ có hành vi vi phạm kỷ luật công ty. Chủ thể áp dụng trách nhiệm kỷ luật là thủ trưởng của cơ quan, đơn vị, xí nghiệp.
Ví dụ về trách nhiệm kỷ luật: B làm việc tại công ty cổ phần X. Trong thời gian làm việc, B thường xuyên đi làm muộn và không hoàn thành đúng thời hạn các công việc được giao. Do đó, ban giám đốc đã tiến hành kỷ luật B trước toàn thể cán bộ nhân viên tại đơn vị, đồng thời giảm trừ lương của B trong tháng đó.
Đối với mỗi loại hành vi vi phạm khác nhau, tùy vào tính chất của hành vi đó là gì, hậu quả mang lại như thế nào sẽ là căn cứ để xác định người thực hiện hành vi phải chịu trách trách nhiệm pháp lý nào? Là trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự hay trách nhiệm hành chính hoặc là xử lý kỷ luật theo quy định.
Trách nhiệm pháp lý sẽ do các chủ thể có thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân và tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật để nhằm mục đích giáo dục, trừng trị những người có hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật đó. Đồng thời, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, kỷ luật đối với các cá nhân, tổ chức khác, từ đó sẽ hạn chế được những hành vi vi phạm pháp luật và kỷ luật.
Trên đây chúng tôi đã đưa ra các loại trách nhiệm pháp lý hiện nay và ví dụ về trách nhiệm pháp lý. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong công việc và cuộc sống!