Bức tranh lạm phát đang không đồng nhất trên toàn cầu
BÀI LIÊN QUAN
Những kẻ âm thầm “mỉm cười” khi Mỹ khốn khó vì lạm phát tăng caoGã khổng lồ ngành bán lẻ nào đứng trước nguy cơ phá sản khi đối mặt cơn bão lạm phát?Lạm phát “chèn ép” Mỹ và phương Tây nhưng có chút khác biệt tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giớiTheo Vietnambiz, sau khi Mỹ ghi nhận thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,6% trong tháng 5 - mức tăng lớn nhất kể từ năm 1981, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/6 phát biểu rằng: "Mọi quốc gia trên thế giới đang phải gánh chịu một phần lớn của lạm phát này".
Tờ The Economist chỉ ra chi phí nhiên liệu, phân bón, ngũ cốc và các mặt hàng khác đúng là đã tăng ở khắp mọi nơi sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2, nhưng không phải ở đâu cũng có lạm phát cao như hiện nay.
Theo chỉ số của tờ The Economist, trong số 42 nền kinh tế lớn được The Economist thống kê, 8 nền kinh tế vẫn đang có lạm phát dưới 4%; 6 trong số 8 khu vực đó ở Đông Á hoặc Đông Nam Á. Khu vực này cũng bao gồm một số nước có giá cả tương đối ổn định, chẳng hạn như Việt Nam (có CPI tháng 5/2022 tăng 2,86% so với cùng kỳ năm 2021) và Macau (CPI tháng 4/2022 tăng 1,1%).
Nguyên nhân giải thích cho sự ngoại lệ của phương Đông này là gì? Theo một số ước tính cho thấy, một đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi từ năm 2018 đến năm 2021 đã tàn phá đàn lợn ở Trung Quốc, nơi có tới 200 triệu con lợn bị tiêu hủy. Điều này đã khiến cho giá thị lợn tăng lên đáng kể, một loại thực phẩm chính ở Đông Á.
Giá thịt lợn sau đó đã giảm mạnh trở lại. Ví dụ, tại Trung Quốc Đại lục, giá thịt lợn đã giảm hơn 21% trong tháng 5. Điều này đã giúp bù đắp áp lực lạm phát của nền kinh tế.
Ngoài ra, khu vực Đông Á, không giống như các khu vực khác trên thế giới, tiêu thụ nhiều gạo hơn lúa mì. Giá gạo tăng 8% kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, trong khi giá lúa mì tăng tới 17%.
Một lý do khác là do dịch Covid-19. Nhiều nơi ở châu Á chuyển sang sống chung với dịch bệnh chậm hơn so với phương Tây. Ví dụ, Indonesia không hoàn toàn bỏ kiểm dịch đối với du khách quốc tế cho đến ngày 22/3.
Tại Malaysia, việc đi lại và di chuyển mới chỉ trở lại bình thường từ đầu tháng 5. Đài Loan (Trung Quốc) vẫn giữ lập trường thận trọng cho đến giai đoạn hiện tại.
Đối với Trung Quốc, nước này tiếp tục áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển và tụ tập của người dân ở bất cứ nơi nào xuất hiện các ca nhiễm Covid-19.
Các giai đoạn đóng cửa gần đây ở Thượng Hải và các thành phố khác đã hạn chế khả năng cung cấp hàng hóa của nền kinh tế và mức độ sẵn sàng mua hàng hóa của người tiêu dùng.
Sự gián đoạn kép này đối với cung và cầu về lý thuyết có thể làm di chuyển giá cả theo một cách nào đó. Nhưng thiệt hại đối với chi tiêu của người tiêu dùng dường như nghiêm trọng và dai dẳng hơn. Vào tháng 5, tháng thứ hai Thượng Hải bị đóng cửa, doanh số bán lẻ đã giảm gần 10% so với một năm trước đó, ngay cả khi sản xuất công nghiệp tăng 0,7%.
Hạn chế đối với du lịch xuyên biên giới đã và đang tàn phá nền kinh tế của Hong Kong (Trung Quốc) và đặc biệt là Macau (Trung Quốc), nơi phụ thuộc vào du khách từ Đại lục đến các sòng bạc của mình.
GDP của Macau trong ba tháng đầu năm 2022 chưa bằng một nửa con số đạt được trong cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh đó, lạm phát 1% có vẻ không quá thần kỳ, mà thậm chí giá cả đang tăng lên còn gây ra ngạc nhiên cho giới quan sát.
Tại các nước phương Tây, lạm phát tăng cao đã buộc nhiều nhà hoạch định chính sách kinh tế chuyển sang xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ. Chẳng hạn, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cảm thấy buộc phải tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào ngày 15/6, nhanh hơn kế hoạch đề ra. Sự vội vàng của Fed trong nỗ lực chống lạm phát đang làm phức tạp thêm tình hình ở Đông Á.
Lãi suất cao hơn ở Mỹ thu hút dòng vốn toàn cầu, gây áp lực đi xuống đối với các đồng tiền châu Á. Hong Kong (đã cố định đồng HKD với đồng USD) và Macau (đã có định đồng MOP với đồng HKD) đã tăng lãi suất chỉ trong một ngày sau khi Fed tăng lãi suất. Malaysia và Đài Loan cũng đã tăng lãi suất trong năm nay và Indonesia - nơi có lãi suất ở mức 3,5%, dự báo sẽ tăng vào tháng tới, theo phân tích của ngân hàng JPMorgan Chase.
Malaysia và Indonesia cũng đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu khi giá cả tăng lên. Cụ thể, Indonesia cấm bán dầu cọ ra nước ngoài trong một thời gian ngắn và cho đến nay, Malaysia vẫn giữ lệnh cấm xuất khẩu gà sống.
Mục đích của các biện pháp này là dự trữ tất cả nguồn cung của đất nước cho người dân của mình. Nhưng các chính sách này có thể phản tác dụng nếu giá giảm khiến cho nông dân địa phương cắt giảm sản lượng. Những lệnh cấm như vậy cũng làm trầm trọng thêm lạm phát ở những nơi khác trong khu vực. Đặc biệt khi Singapore là nước phụ thuộc vào nhập khẩu gia cầm từ Malaysia.
Ngoại lệ của xu hướng thắt chặt tiền tệ này là Nhật Bản. Tại cuộc họp ngày 17/6, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã nhắc lại cam kết mua nhiều trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm nếu cần, để giữ lãi suất không quá 0,25%.
Nước này quyết tâm bám sát mức trần này, ngay cả khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn tương đương ở Mỹ đã tăng mạnh lên hơn 3,2%. Chênh lệch lợi suất trái phiếu này đã góp phần khiến cho đồng Yên lao dốc, đồng tiền này đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 1998.
Đồng Yên yếu sẽ đẩy giá nhập khẩu tăng cao, góp phần gây ra lạm phát ở Nhật Bản. Nếu lạm phát cao hơn kéo dài thì người lao động sẽ đòi hỏi mức lương thưởng hậu hĩnh hơn. Sau đó, mức lương cao hơn sẽ đẩy giá tiêu dùng tăng lên, gây ra một vòng xoáy giá - lương. Ở nhiều nơi tại châu Á, một vòng xoáy giá - lương như vậy là điều đáng lo ngại.
Nhưng ở Nhật Bản, đây lại là điều mà các nhà hoạch định chính sách đã tìm kiếm từ lâu. Sau nhiều năm nhu cầu yếu và giá cả giảm, kỳ vọng lạm phát đã trở nên thấp một cách nguy hiểm, khiến cho BoJ khó có thể vực dậy nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái và cản trở giảm lạm phát.