meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Bộ trưởng Tài chính: Đã nhiều lần cảnh báo rủi ro trái phiếu doanh nghiệp

Thứ ba, 26/04/2022-18:04
Bộ trưởng Tài chính cho biết, cơ quan này đã nhận diện lỗ hổng, có nhiều cảnh báo và sẽ trình Chính phủ sửa các quy định để siết phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 25/4 có phiên họp cho ý kiến báo cáo Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, 2021 là năm ghi nhận tăng trưởng nóng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bà Phạm Thuý Chinh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, đại diện cơ quan thẩm tra, nhận xét việc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp "lách luật" phát hành trái phiếu sai quy định.

Ngoài ra, có tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận thực tế phát sinh những vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. "Chúng tôi đã nhận diện được lỗ hổng trong các quy định pháp luật và đã có nhiều cảnh báo. Những động thái xử lý vừa qua của cơ quan chức năng là cần thiết để làm trong sạch thị trường, giúp đi vào nề nếp", ông chia sẻ.

Ông Phớc nói thêm, Bộ này có ít nhất 5 thông cáo báo chí, 4 cuộc trao đổi trên truyền hình và các diễn đàn để cảnh báo những rủi ro trong phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, Bộ sẽ sớm trình Chính phủ sửa Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Việc sửa đổi nhằm siết chặt việc chào bán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.


Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 25/4. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 25/4. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Trái phiếu doanh nghiệp được xem là một kênh huy động vốn hấp dẫn và phát triển "nóng" trong năm ngoái. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2021 là 176.828 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ 2020. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ.

Còn theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605.000 tỷ đồng, tăng gần 39% so với năm 2020. Khối lượng trái phiếu phát hành ra công chúng là 31.000 tỷ đồng.

Nhận xét về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, khoảng 40% trái phiếu phát hành năm ngoái liên quan tới lĩnh vực bất động sản. Hiện số dư nợ đến hạn phải trả khá lớn.

Theo ông, trước đây khi đến hạn, doanh nghiệp có dòng tiền thì lấy ra trả hoặc tính toán đi vay để trả. Giờ do tác động của Covid-19, nhiều doanh nghiệp khó khăn dòng tiền, vay đảo nợ cũng bị siết... nên không có tiền để trả.

"Một số doanh nghiệp rao bán dự án để trả nợ, nhưng dự án chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý nên khó bán. Hoặc trường hợp dự án có đầy đủ pháp lý thì đang vướng vào các sai phạm nên cũng không có ai mua. Không trả được thì nguy cơ vỡ nợ", Chủ tịch Quốc hội lo ngại.

Ông cho rằng, đây là điểm rất khác so với các năm trước nên Chính phủ cần nêu cụ thể chi tiết và đưa thành mục riêng trong báo cáo chung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Việc nhà chức trách xử lý một số vi phạm liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị huỷ 9 lô trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng và thông điệp từ Thủ tướng Phạm Minh Chính về chấn chỉnh thị trường trái phiếu, đấu giá đất và chứng khoán cho thấy những quyết tâm "cải tổ" lại thị trường này.

Giữa tháng 4, Tân Hoàng Minh cho biết sẽ bán 2-3 dự án để trả tiền người mua nhà. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết đang khó tìm khách mua dự án để hoàn tiền trái phiếu.

Về tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công, Bộ trưởng Phớc cho biết, cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm. Luỹ kế giải ngân năm 2021 là hơn 383.000 tỷ đồng, đạt trên 83% kế hoạch.

Thẩm tra sơ bộ, Uỷ ban Tài chính- Ngân sách chỉ ra hạn chế trong lập, phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ở một số bộ, ngành, địa phương.

Tại một số dự án quan trọng quốc gia còn xảy ra tình trạng chậm trễ trong triển khai, hoạt động... gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điển hình là các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM. Chẳng hạn, dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt năm 2010, đến nay lũy kế giải ngân vốn ODA đạt 2,5%, vốn đối ứng đạt hơn 2%.

Hay dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt năm 2007, đến nay lũy kế giải ngân vốn ODA đạt hơn 48%, vốn đối ứng đạt hơn 39%.

Theo ông Lê Sỹ Bảy, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành đang thực hiện thanh tra liên quan đến việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Đây là nội dung rất nóng và thực tế được dư luận đặc biệt quan tâm.

Chính phủ đã và đang tháo gỡ khó khăn việc xử lý sau thanh tra liên quan đến 12 dự án yếu kém hay quy hoạch trong quản lý, sử dụng đất. Thanh tra Chính phủ lập 4 đoàn đi kiểm tra việc thực hiện xử lý sau thanh tra ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Tuy nhiên, theo Phó tổng Thanh tra, có nhiều khó khăn liên quan tới cơ chế chính sách. Ông nêu, khi Thanh tra Chính phủ kết luận, có rất nhiều nội dung theo quy định pháp luật hiện hành thì vi phạm, nhưng để khắc phục, tháo gỡ là vấn đề vô cùng khó khăn.

Ông dẫn chứng, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Thanh tra Chính phủ đã kết luận theo quy định, việc trình, phê duyệt vốn đầu tư là không đúng nhưng để thực hiện và xử lý được vi phạm đó "là cả vấn đề". Hay xử lý sau thanh tra tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP HCM) cũng có một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách.

"Chúng tôi đang làm việc, lấy ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Thủ tướng tháo gỡ trong việc thực hiện kết luận sau thanh tra ở dự án này", ông Lê Sỹ Bảy nói.

Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận xét, 7 lĩnh vực quan trọng của Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí nêu trong báo cáo Chính phủ cho thấy vẫn còn lãng phí, sai phạm ở các lĩnh vực theo các mức độ khác nhau.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp vào tháng 5 tới.

Theo: vnexpress.net
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Khó hiện thực hóa mục tiêu xây 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025

Chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm lô "đất vàng" 94 Lò Đúc

TP.HCM chốt tỷ lệ % tính tiền thuê đất: Doanh nghiệp "chóng mặt" với chi phí

Bộ Tài chính nghiên cứu đánh thuế sở hữu nhiều nhà đất: Tránh tạo cú sốc cho thị trường

Ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm: Đã bị chấn chỉnh nhưng vẫn khó dẹp bỏ

Cần xử lý hành vi thao túng giá đất như đối với thị trường chứng khoán

Vụ 30 tỷ đồng/m2 đất tại Sóc Sơn: Công an điều tra dấu hiệu gây rối trật tự

TP. HCM: 6 khu "đất vàng" bị bỏ hoang tại Q. 1 được đề xuất làm bãi giữ xe

Tin mới cập nhật

Hà Nội triển khai 7 dự án giải phóng mặt bằng các khu nhà gỗ tại quận trung tâm

3 giờ trước

Khó hiện thực hóa mục tiêu xây 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025

3 giờ trước

Nhà vườn rủ nhau bán hoa Tết online: Tiết kiệm, hiệu quả và chủ động đầu ra

3 giờ trước

Lượng nhà đầu tư “lướt sóng” trong năm 2024 tăng gấp 6 lần 2023

3 giờ trước

Lời đề nghị 1 tỷ USD của Apple không đủ để gỡ bỏ lệnh cấm bán iPhone 16 tại Indonesia

3 giờ trước