Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất nộp tiền đấu giá đất trong 10 ngày, thay vì 90 ngày
BÀI LIÊN QUAN
Đấu giá đất Thủ Thiêm: Chưa rõ 2 doanh nghiệp trúng đấu giá còn lại bỏ cọc hay nộp tiềnNghịch cảnh giá bất động sản khu Đông TP.HCM hậu đấu giá đất Thủ ThiêmCận cảnh cây cầu Thủ Thiêm 2 trước thời điểm hoàn thành - Siêu dự án hơn 3.100 tỷ đẹp nức lòng trên sông Sài GònBộ trưởng Trần Hồng Hà - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất phương án người đấu giá đất phải nộp tiền trong thời hạn 10 ngày, thay vì 90 ngày như quy định hiện hành. Theo ông Hà, quy định 90 ngày như hiện tại khiến các doanh nghiệp trúng đấu giá đất có thời gian "thổi giá" các khu đất liền kề hoặc bỏ cọc tiền trúng đấu giá sau khi đã lũng loạn thị trường. Tiêu biểu như vụ việc 4 doanh nghiệp trúng đấu giá tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì có tới 2 doanh nghiệp bỏ cọc, 2 doanh nghiệp còn lại vẫn chưa nộp tiền theo quy định.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tiền đặt cọc và đặt trước cũng được xem xét tăng lên so với mức 5-10% như hiện tại. Bên cạnh đó, đơn vị trúng đấu giá phải chứng minh được khả năng tài chính của mình, được cơ quan có trách nhiệm thẩm định thông qua.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, một vấn đề quan trọng là phải hoàn thiện phương pháp định giá và đấu giá đất. Thời điểm hiện tại, những vấn đề về đất đai đang được quy định bởi 4-5 luật và phải được quy định đồng bộ trong luật.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, vụ bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm cần phải điều tra, nếu có hành vi rõ ràng mới có thể xử lý hình sự. Ông cũng thừa nhận, nhiều trường hợp chính sách đưa ra để thị trường vận hành hiệu quả thì công cụ hành chính và hình sự vẫn chưa hợp lý. Sắp tới, nhiệm vụ quan trọng là không để xảy ra tình trạng đấu giá đúng thủ tục nhưng kết quả lại bị sai. Đối với vấn đề này, phải xử lý bằng công nghệ, quy trình, bổ sung các chế tài xử phạt, đánh mạnh vào kinh tế và tài chính...
Cũng liên quan đến vấn đề đấu giá đất, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, việc đấu giá tài sản là câu chuyện giao dịch, mua bán rất bình thường trong nền kinh tế thị trường. Chỉ Việt Nam với Trung Quốc có luật về đấu giá tài sản, còn các nước khác theo luật dân sự.
Về tiền đặt trước khi tham gia đấu giá, sau này sẽ được chuyển thành tiền đặt cọc thì trung bình các nước sẽ yêu cầu 5-25% giá khởi điểm. Chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá thành cũng không có quy định cụ thể.
Hiện tại, đấu giá ở Việt Nam được quy định bởi nhiều luật và liên quan đến nhiều cơ quan, liên quan tới tài sản nào thì sẽ là luật của chuyên ngành đó. Nếu vi phạm về đấu giá, cần có các chế tài như xử lý dân sự, hành chính và hình sự. Đối với trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm, nếu phân tích theo cơ chế thị trường mà phát hiện được những điều bất bình thường và chứng minh được sẽ cần phải xử lý. Do đó, cần rà soát về vấn đề trình tự và thủ tục đấu giá, các khung liên quan đến phí, tiền đặt cọc… một cách kỹ càng.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, cần siết lại các quy định về đấu giá đất để đảm bảo đấu giá chặt chẽ hơn. Đặc biệt, thời gian nộp tiền đặt cọc cần ngắn hơn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, các văn bản hướng dẫn luật; đặc biệt chú trọng đến các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng các phiên đấu giá để trục lợi.
“Phải có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các trường hợp trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết. Cần tăng cường thanh kiểm tra kiểm tra xử nghiêm vi phạm, không hình sự hóa các quan hệ dân sự và quan hệ hành chính”, ông Huệ nhấn mạnh