Chuyên gia kinh tế: Đấu giá thành công 1ha đất Thủ Thiêm có thể thu về 1 tỷ USD!
BÀI LIÊN QUAN
Nghịch cảnh giá bất động sản khu Đông TP.HCM hậu đấu giá đất Thủ ThiêmHai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp tiền sẽ bị xử lý như thế nào?TP.HCM thông tin về thời điểm đấu giá lại 2 lô đất Thủ Thiêm mới bị bỏ cọcĐến thời điểm hiện tại, những thông tin liên quan đến vụ trúng thầu 4 lô đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn là thông tin được nhiều người quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, TS Vũ Đình Ánh đã nêu ra nhiều quan điểm tại Hội thảo khoa học quốc gia.
Theo TS Ánh, sau trường hợp đấu giá đất Thủ Thiêm, việc đấu giá đất cần phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh. Ngoài ra, việc đấu giá phải đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho cả 3 bên, đó là Nhà nước (người bán), doanh nghiệp/người dân (người mua) và thị trường/xã hội trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế đấu giá đất, cả căn cứ pháp lý, cơ chế chính sách lẫn quy trình, thủ tục cũng như bộ máy tổ chức và nhân sự có liên quan.
Cũng trong hội thảo này, TS Ánh nhấn mạnh: “Chỉ một hecta đất Thủ Thiêm đấu giá thành công có thể được 1 tỷ USD, nếu làm được thì chắc chắn TP.HCM không cần xin trung ương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách lên mức 18-23% tổng thu. Điều quan trọng nhất là không bị mất cán bộ, đây là cái được lớn nhất”.
Để đấu giá đất có thể diễn ra minh bạch, hiệu quả, theo TS Ánh Luật đấu giá 2016 phải được sửa đổi cho phù hợp. Hiện tại, luật này vẫn quy định 4 hình thức đấu giá đất, gồm đấu giá trực tiếp, trả giá trực tiếp tại phiên đấu giá bằng miệng, bỏ phiếu đấu giá gián tiếp và đấu giá trực tuyến.
Trong 4 hình thức này, việc đấu giá gián tiếp có thể bỏ ngay, hình thức bỏ phiếu đấu giá trực tiếp cũng nên cân nhắc vì dễ bị can thiệp. Ngoài ra cũng cần phải quy định rõ loại đất nào phải đấu giá, loại đất nào không. Chỉ như thế, việc đấu giá đất mới có thể diễn ra rõ ràng và minh bạch.
Đáng chú ý, vị chuyên gia này cũng kiến nghị về việc sửa đổi các quy định về tiền đặt cọc và tiền đặt trước. Trong đó, không chuyển tiền đặt trước thành đặt cọc. Để người đấu giá không bỏ cọc, tiền cọc có thể quy định ở mức từ 30-50% giá trúng đấu giá đất, nhà tham gia đấu giá phải chuẩn bị tài chính từ trước khi đấu giá.
Vào ngày 10/12/2021, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TP.HCM đã tổ chức bán đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bốn doanh nghiệp trúng đấu giá gồm: Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất 3-12 có diện tích 10.059,7 m2 với giá 24.500 tỷ đồng, cao gấp 8,3 lần so với giá khởi điểm.
Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9, phải đóng 5.026 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ. Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất 3-8 với diện tích 8.500 m2, phải đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Cuối cùng là Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất 3-5 có diện tích 6.446 m2, phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng lệ phí trước bạ.
Tuy nhiên sau đó, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt và Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh đã xin bỏ cọc, riêng hai doanh nghiệp còn lại vẫn chưa nộp tiền theo quy định. Đến hiện tại, thời điểm tổ chức đấu giá lại 2 lô đất bị bỏ cọc tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa được xác định. TPHCM vẫn đang xử lý những vấn đề liên quan đến 2 doanh nghiệp bỏ cọc cũng như 2 doanh nghiệp trúng đấu giá nhưng vẫn chưa nộp tiền theo quy định.