Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023
BÀI LIÊN QUAN
Kinh tế trưởng VinaCapital: Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không làm giảm dòng vốn FDI vào Việt NamNghề làm "kinh tế xanh" lương nghìn USD, chưa ra trường đã có việcQuy hoạch tỉnh Bình Định: Xác định 5 trụ cột tăng trưởng kinh tếTheo Báo Đầu tư, không nằm ngoài dự đoán, sau khi các số liệu thống kê về tình hình kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm 2023 được công bố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Kịch bản này được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023, diễn ra ngày 4/7/2023.
Theo đó, căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội giao, trên cơ sở kết quả quý II và 6 tháng đầu năm, dự báo bối cảnh, tình hình các tháng cuối năm, kịch bản tăng trưởng quý III và cả năm 2023 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật như sau.
Kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt 6%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%, quý IV đạt 9%, cao hơn lần lượt 0,3 điểm phần trăm và 1,9 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tính chung 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 8,0%.
Kịch bản 2, để tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3%, cao hơn lần lượt 0,9 điểm phần trăm và 3,2 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.
Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thậm chí chỉ là 6%, thì trong hai quý còn lại của năm, tốc độ tăng trưởng phải đạt ở mức rất cao, không phải chỉ là 7-7,5% như kịch bản đã được cập nhật hồi đầu tháng 4/2023, mà phải lên tới 8-9%.
Đây là một thách thức không nhỏ. Bởi lẽ, quý III năm ngoái, tốc độ tăng trưởng GDP lên tới 13,71%; còn quý IV là 5,92%.
Hơn nữa, bối cảnh hiện nay cho thấy, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, khi mà kinh tế toàn cầu cũng còn nhiều yếu tố bất định, chưa thể sớm phục hồi.
Chính Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khi công bố hai kịch bản kinh tế được cập nhật cũng khẳng định, dự báo bối cảnh, tình hình thời gian tới khó có thể chuyển biến nhanh theo xu hướng tích cực, còn nhiều khó khăn, thách thức.
“Theo đó, cần ý thức được nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề và thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, phát huy hiệu quả mọi chính sách, nguồn lực, tận dụng tối đa các cơ hội, phấn đấu tối đa để kết quả cao nhất theo mục tiêu đã đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Quyết định cuối cùng sẽ được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra. Tuy nhiên, với khẳng định này của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhiều khả năng, Chính phủ chưa tính đến chuyện điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, mà sẽ phấn đấu để đạt được mức cao nhất có thể.
Nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế cũng cho thấy, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có xu hướng tích cực hơn trong nửa cuối năm.
“Tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay”, Ngân hàng Standard Chartered trong một báo cáo được đưa ra hồi cuối tháng 6/2023 đã nhận định như vậy.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, mặc dù vừa qua, một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam, như IMF giảm từ 6,5% xuống 4,7%, WB giảm từ 6,3% xuống 6%, nhưng cơ bản vẫn ở mức tích cực, phù hợp với diễn biến tình hình.
Chưa kể, theo Bộ trưởng, nền kinh tế Việt Nam cũng xuất hiện một số yếu tố thuận lợi hơn trong nửa cuối năm. Đó là, doanh nghiệp, nền kinh tế đã chủ động thích ứng với tình hình mới của thế giới và trong nước; các chính sách, giải pháp tiền tệ, tài khóa... đã được triển khai và sẽ bắt đầu được triển khai trong thời gian tới; nhiều dự án quy mô lớn, quan trọng quốc gia được khởi công, tăng tốc thực hiện, giải ngân... Những yếu tố này sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm và cả năm 2023.