Bộ Công an đề xuất người dân được giữ lại biển số xe ô tô trúng đấu giá suốt đời
BÀI LIÊN QUAN
Tổng cục Thuế siết quản lý giao dịch qua PaypalHàng nghìn hồ sơ giao dịch bất động sản bị trả lại do nghi ngờ trốn thuếBộ Công an đề nghị các tỉnh 'phanh' giao dịch tài sản của vợ chồng ông Trịnh Văn QuyếtMỗi năm thu hơn 3.600 tỷ lệ phí cấp biển số xe
Theo tuoitre.vn, Bộ Công an đã lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô.
Liên quan tới dự thảo này, Bộ Công an đã đưa ra nhiều thông tin về công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thời gian qua. Theo đó, từ ngày 01/01/2009 đến 01/8/2021, toàn quốc đăng ký 5 triệu xe ô tô và 74 triệu xe mô tô (mỗi năm số lượng phương tiện đăng ký mới tăng trung bình trên 25% với nhiều chủng loại phương tiện đa dạng khác nhau), đã đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, hành khách, giao lưu văn hóa của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước, củng cố quốc phòng, an ninh.
Công tác đăng ký xe đã có những bước chuyển đổi tích cực: thường xuyên thay đổi tư duy quản lý từ đăng ký thủ công (viết bằng tay) sang ứng dụng công nghệ thông tin (hệ thống đăng ký, quản lý phương tiện lần đầu tiên được quản lý thống nhất, tập trung trên hệ thống mạng máy tính từ Cục đến Công an cấp huyện), bắt buộc phải nhập đầy đủ dữ liệu mới in được giấy chứng nhận đăng ký xe, bảo đảm công khai, minh bạch, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực; hoàn thiện thể chế đăng ký, quản lý cho phù hợp với thực tế và yêu cầu công tác; tăng cường cải cách hành chính (nhất là cải cách thủ tục hành chính) để nâng cao hiệu quả công tác; phối hợp với các Bộ, ngành sử dụng dịch vụ công quốc gia để đăng ký xe, rút ngắn được thời gian đăng ký.
Bộ Công an nhận xét, hiện nay quy định của pháp luật và Bộ Công an về công tác đăng ký xe đã mang tính phù hợp với thời điểm hiện tại và từng giai đoạn phát triển; tạo được hành lang pháp lý với quy trình thủ tục chặt chẽ, tinh gọn, giảm bớt các thủ tục rườm rà, rút ngắn được thời gian làm thủ tục, giảm thiểu được chi phí đi lại cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi đến làm các thủ tục liên quan đến đăng ký xe, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác cải cách thủ tục hành chính.
Việc triển khai áp dụng phần mềm đăng ký xe bấm số ngẫu nhiên trên hệ thống đăng ký là một bước cải cách hành chính trong lĩnh vực cấp biển số và quản lý phương tiện góp phần đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch.
Việc kết nối dữ liệu đăng ký, quản lý phương tiện trên toàn quốc giúp cho công tác tra cứu, xác minh thông tin, sang tên di chuyển của xe được rút ngắn thời gian, kịp thời phục vụ cho nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, Bộ Công an cũng chỉ ra một số khó khăn vướng mắc trong công tác này. Cụ thể, Bộ chỉ ra nhiều trường hợp khi mua bán, điều chuyển, cho tặng xe nhưng không làm thủ tục sang tên chuyển quyền sở hữu theo quy định, người mua xe vẫn sử dụng biển số cũ; hầu hết chủ phương tiện khi thay đổi tên (Công ty), địa chỉ không làm thủ tục đổi giấy chứng nhận đăng ký xe, gây khó khăn cho công tác quản lý phương tiện, nhất là việc quy định trách nhiệm của chủ xe trong trường hợp thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật nhưng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm của chủ phương tiện (tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Chính phủ trình Quốc hội đã quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đứng tên trong giấy đăng ký xe).
Bộ Công an cho rằng, chưa có sự kết nối, trao đổi thông tin giữa giữa cơ quan quản lý xe với chủ xe nên xe hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông, tỷ lệ bị thu hồi rất ít hoặc nhiều xe không còn tồn tại nhưng vẫn còn tên trong hệ thống đăng ký xe, dẫn đến số liệu phương tiện không phản ánh đúng thực tế, làm ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội.
Về cơ chế chính sách, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành giải quyết các thủ tục nhập khẩu, trước bạ, đăng ký, kiểm định chưa đồng bộ; điển hình là việc Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quy định về an toàn giao thông và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông, quản lý kiểu dáng xe ô tô sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, hoán cải phương tiện nhưng Bộ Công an là đơn vị quản lý đăng ký, xử phạt phương tiện tham gia giao thông (không được tham gia xét duyệt kiểu dáng sản phẩm mẫu các xe sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, hoán cải phương tiện); việc cho phép nhập khẩu tràn lan các xe siêu trường, siêu trọng, các phương tiện có tải trọng lớn không phù hợp với hạ tầng kỹ thuật giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, ùn tắc giao thông.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, chia sẻ dữ liệu về đăng ký xe với các Bộ, ngành và các đơn vị chức năng phục vụ quản lý nhà nước vẫn còn hạn chế.
Đáng chú ý, Bộ Công an cho biết, số tiền thu được từ lệ phí cấp biển số xe rất lớn (mỗi năm khoảng 3.600 tỷ đồng) nhưng chưa được trích lại cho lực lượng Cảnh sát giao thông để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác trong tình hình mới.
Trong những năm qua, Bộ Công an đã khách quan hóa công tác cấp biển số xe nhưng xe là tài sản lớn,nhiều người có nhu cầu được đăng ký những biển số xe theo sở thích, thường gọi là “biển số đẹp” nhưng việc lựa chọn quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá chưa thực hiện được do vướng về cơ sở pháp lý.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành, biển số xe chưa được coi là tài sản, chỉ được coi là tài liệu của cơ quan nhà nước nên không thể cấp theo hình thức đấu giá được; sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2018) thì biển số xe mới được coi là tài sản, là cơ sở pháp lý quan trọng làm tiền đề cho việc nghiên cứu, thực hiện công tác cấp biển số xe thông qua đấu giá.
Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá
Cho biết từ thực tế xã hội có nhiều cá nhân, tổ chức mong muốn sở hữu biển số xe theo ý thích, gọi là “biển số đẹp”, trong vòng 29 năm qua, Chính phủ đã hai lần giao Bộ Công an tổ chức đấu giá và thu lệ phí cấp biển số tự chọn diễn ra vào năm 1993 và năm 2008. Tuy nhiên, cả hai lần đó đều bị dừng lại do dư luận xã hội còn có nhiều ý kiến trái chiều trong vấn đề này. Do đó, Bộ Công an đã nghiên cứu kỹ lưỡng để trình Quốc hội đề án lần này.
Theo kinh nghiệm được tham khảo tại một số quốc gia như: Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ…, cho thấy cũng còn tồn tại những sự khác biệt nhất định tại các quốc gia khác nhau. Ví dụ như một số nước có thực hiện cấp biển số bằng hình thức cho người dân tự chọn trong danh sách các biển số theo sở thích đã được liệt kê và phải trả một khoản phí cao hơn lệ phí đã quy hoạch tổ chức đấu giá, việc quy định quản lý biển số sau đấu giá cũng không giống nhau (Singapore, Thái Lan cho phép biển số đấu giá được chuyển nhượng cho người khác hoặc đổi sang xe khác; Malaysia quy định biển số trúng đấu giá không được bán cho người khác nhưng được phép đổi sang xe khác. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cấp biển số là cơ quan tổ chức thực hiện đấu giá biển số thông qua hệ thống phần mềm quản lý biển số và bán đấu giá trên mạng internet...
Dự thảo cũng nêu rõ, về biển số được tham gia đấu giá, đó là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký mà Cơ quan đăng ký dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm. Các xe được mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước, xe quân đội làm kinh tế, xe của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan ngoại giao của nước ngoài và người làm việc trong các tổ chức đó trên lãnh thổ Việt Nam sẽ không được đưa vào đấu giá.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được tham gia đấu giá biển số. Đối với doanh nghiệp tham gia đấu giá biển số của địa phương nơi doanh nghiệp, tổ chức đóng trụ sở và đăng ký thường trú đối với cá nhân.
Cơ quan công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đấu giá biển số theo phân cấp đăng ký quản lý phương tiện. Bộ Công an giao Công an cấp tỉnh ký hợp đồng thuê Tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức đấu giá trực tuyến. Về giá khởi điểm, Bộ Công an quy định Vùng 1 (gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh): G¬kđ = Glp x 2 . Vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): G¬kđ = Glpx 10 (G¬kđ: Giá khởi điểm của 01 biển số đưa ra đấu giá, đơn vị tính là Việt Nam đồng; Glp: Mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương).
Một quy định rất đáng chú ý trong dự thảo này, đó là khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá biển số được quyền giữ lại biển số đã trúng đấu giá để tiếp tục đăng ký cho phương tiện khác thuộc sở hữu của mình. Nghĩa là biển số trúng đấu giá sẽ đi theo tổ chức, cá nhân suốt đời. Nếu tổ chức, cá nhân đó có sự thay đổi về nơi đóng trụ sở hoặc nơi thường trú thì cũng không phải nộp lại biển số đã trúng đấu giá. Như vậy, tổ chức, cá nhân sẽ được ký hợp đồng và qua đó xác lập quyền đối với biển số mình trúng đấu giá.
Với công tác quản lý biển số trúng đấu giá, Bộ Công an quy định, biển số trúng đấu giá chỉ được cấp cho người đã đăng ký tham gia đấu giá và trúng đấu giá.
Biển số trúng đấu giá được Cơ quan đăng ký quản lý và chỉ cấp khi người trúng đấu giá làm thủ tục đăng ký theo quy định về đăng ký xe (khi chưa làm thủ tục đăng ký người trúng đấu giá chỉ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng biển số trúng đấu giá).
Cơ quan đăng ký xe có quyền thu hồi biển số trúng đấu giá khi biển số được sử dụng không đúng quy định của pháp luật (xe gắn biển số trúng đấu giá vi phạm pháp luật bị tịch thu theo quy định).
Về việc sử dụng kinh phí thu được từ việc đấu giá biển số, cơ quan dự thảo đề xuất phân bổ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% còn lại sẽ đưa vào ngân sách địa phương sau khi đã trừ đi các khoản chi phí để tổ chức đấu giá theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng xin ý kiến một số nội dung. Theo đó, để đảm bảo việc triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết về Đề án và đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm Đề án cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, trong đó quy định cụ thể các vấn đề còn đang vướng mắc sau: Quy định về giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá, Quy định về bán cho người duy nhất, Quy định quyền của người trúng đấu giá, Quy định về quản lý biển số trúng đấu giá, Quy định về sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số.
Để đảm bảo việc thực hiện Đề án không trái quy định của pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và nhu cầu của người dân trong sử dụng biển số, trong khi chờ sửa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án.