Bình Dương chính thức có thành phố Tân Uyên
BÀI LIÊN QUAN
Bình Dương quy hoạch quỹ đất dọc tuyến vành đai 3, 4 để phát triển nhà ở xã hội Nhiều khu vực tại Bình Dương được phép phân lô, bán nền trong các dự án kinh doanh nhà ở Năm 2023, Bình Dương đặt mục tiêu phát triển thêm 18.000 căn nhà ở xã hội“Đầu tàu” công nghiệp của tỉnh
Theo Báo Đầu tư, sáng ngày 12/4, Tân Uyên tổ chức lễ công bố thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương. Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Tân Uyên, thuộc tỉnh Bình Dương. Nghị quyết thành lập thành phố Tân Uyên có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.
Với việc có thêm thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương sẽ có 4 thành phố, 1 thị xã, 4 huyện và 91 đơn vị hành chính cấp xã. Đưa tỉnh Bình Dương vào nhóm có nhiều thành phố nhất cả nước, tương đương với tỉnh Quảng Ninh.
Thành phố Tân Uyên nằm pử phía đông nam tỉnh Bình Dương, trên cơ sở của thị xã Tân Uyên với diện tích tự nhiên 191,76 km2, quy mô dân số 466.053 người, 10 phường, 2 xã. Tân Uyên giáp với ba thành phố gồm Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, huyện Bắc Tân Uyên và tỉnh Đồng Nai. Đây là địa bàn có cơ cấu kinh tế, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90%; thu ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng/năm.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Tân Uyên là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa của Bình Dương. Tân Uyên là địa bàn đi đầu trong phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Dương, có 2 khu công nghiệp và 3 cụm công nghiệp với 1.866 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký hơn 32.560 tỷ đồng; 637 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký gần 5,3 tỷ USD. Cơ cấu kinh tế công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng lần lượt là 64,17% - dịch vụ 34,6% - nông nghiệp 1,23%. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng năm 2022 ước đạt 32.996 tỷ đồng, tăng 12,08% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Tân Uyên hiện có hai dự án khu công nghiệp VSIP lớn nhất Bình Dương và cả nước gồm: Khu công nghiệp VSIP II có quy mô 2.045ha và Khu công nghiệp VSIP III quy mô hơn 1.000ha, có tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến là 6.407 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết đề án nâng Tân Uyên lên thành phố đã được tỉnh chuẩn bị nhiều năm. Từ hơn 10 năm qua, nơi đây phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13%/năm. Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90% cơ cấu nền kinh tế, thu ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng. Năm 2022, Tân Uyên chào đón thêm 287 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 989 tỷ đồng, 10 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 54,43 triệu USD.
Ông Lợi kỳ vọng việc Tân Uyên được nâng lên thành thành phố sẽ tạo điều kiện phát triển cho người dân, đóng góp chung cho tỉnh và vùng. “Tỉnh đang xây mới, nâng cấp nhiều dự án quan trọng, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn, phấn đấu đến 2030 đưa Bình Dương trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp công nghệ cao và thành đô thị thông minh, văn minh, đáng sống”, ông Lợi nói.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị lãnh đạo thành phố Tân Uyên tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị, đặt mục tiêu đưa thành phố trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, đầu mối giao thông của vùng.
Ông Mẫn nhấn mạnh, Tân Uyên có tỷ lệ người lao động nhập cư lớn nên địa phương cần quan tâm bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, dịch vụ công cộng… nhằm giải quyết vấn đề an sinh cho người lao động. Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương.
“Tôi tin từ dấu mốc phát triển mới hôm nay, cùng sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Trung ương, lãnh đạo tỉnh Bình Dương, thành phố Tân Uyên sẽ phát triển mạnh mẽ, trở thành thành phố hiện đại, đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc văn hóa”, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.
Tân Uyên cửa ngõ liên kết vùng
Thành phố Tân Uyên có hệ thống giao thông thủy, bộ, hệ thống bến cảng, nhà ga, kho bãi đồng bộ, liên kết tới các khu vực trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó là các dự án đường kết nối vùng như vành đai 3, đường vành đai 4, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua địa bàn Tân Uyên mở ra cơ hội tăng cường kết nối kinh tế, giao thương cho đô thị Tân Uyên trong tương lai.
Tân Uyên xác định trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ khai thác lợi thế và tiềm năng mới, huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật - xã hội theo hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị - nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, tạo nền tảng để thành phố Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị vào sau năm 2025.
Thành phố Tân Uyên đặt mục tiêu trở thành trung tâm lớn của phía nam tỉnh Bình Dương về công nghiệp, tài chính, dịch vụ thương mại, văn hóa - du lịch; đô thị mới hiện đại; thu hút người dân từ TP Hồ Chí Minh đến sinh sống và làm việc.
Không gian liên kết giữa đô thị Tân Uyên và đô thị Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và TP Biên Hòa sẽ được kết nối thành một đại đô thị phía nam và là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỉnh Bình Dương là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước trong năm 2021, với 7,12 triệu người/tháng, gấp 1,8 lần mức bình quân chung cả nước. Tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 10% trên năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người hơn 15.700 USD.