Bất động sản đón nhận nhiều tin vui đầu năm 2023
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023Bất động sản siêu đắt vẫn là đích đến của nhiều doanh nghiệp bất động sảnDoanh nghiệp bất động sản tìm cách vượt khó, phải tự cứu lấy mìnhThị trường có năm nhiều thăng trầm
Theo baodautu.vn, trong năm 2022, thị trường bất động sản đã đối mặt với nhiều nghịch lý khi lực cầu của thị trường rất mạnh nhưng có ít giao dịch. Sự suy thoái của thị trường bất động sản đã kéo theo 40 ngành nghề liên đới như sắt thép xây dựng, cát đá, máy móc hàng hóa tiêu dùng phục vụ nhà ở, logistics…
Những khó khăn về vấn đề pháp lý, với sự chồng chéo của các luật và việc thắt chặt vấn đề pháp lý dự án đã khiến khoảng 70% doanh nghiệp hiện nay bị vướng vào các vấn đề về pháp lý, dẫn đến nguồn cung sụt giảm mạnh, nhiều dự án đình trệ.
Trong năm qua, các doanh nghiệp bất động sản thiếu hụt dòng tiền để phát triển. Bởi những chính sách siết tín dụng, các kênh tạo vốn cho doanh nghiệp như trái phiếu cũng đang gặp khó khăn, khiến doanh nghiệp đói vốn, người dân có nhu cầu mua nhà để ở thì không tiếp cận được các gói tài chính.
Sự mất cân đối của các sản phẩm khi nguồn hàng cao cấp áp đảo trên thị trường, trong khi nguồn nhà giá rẻ, nhà ở xã hội gần như biến mất, đặc biệt là tại các thành phố lớn.
Tiếp theo là thị trường chưa minh bạch, xuất hiện giá ảo do hệ thống thông tin trên thị trường chưa đa dạng, thích hợp. Khách hàng mua nhà ở và các nhà đầu tư không có niềm tin vào thị trường khiến thanh khoản thị trường yếu.
Theo các chuyên gia trong ngành bất động sản, điểm nghẽn về nguồn vốn là vấn đề khó khăn, thách thức nhất của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, trong năm mới 2023, nút thắt này sẽ dần được gỡ, do mới đây Chính phủ đã thành lập Tổ công tác nhằm rà soát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, địa phương có các dự án bị vướng mắc (theo Quyết định 1435/QĐ-TTg).
Cùng với đó là Công điện 1164/CĐ-TTg của Chính phủ về việc đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện theo Quyết định 1435/CĐ-TTg, đề cập việc các doanh nghiệp bất động sản phải tự nghiên cứu, xem xét hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nhiều công điện cũng đã được gửi đến các bộ, ngành đề yêu cầu xem xét các vấn đề đang tạo điểm nghẽn cho thị trường, cho doanh nghiệp như tín dụng, phát hành trái phiếu.
Động thái của Ngân hàng Nhà nước khi quyết định nới room tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm 1,5 - 2%, thay vì mức tăng không quá 14% cho cả năm 2022 như kế hoạch trước đó.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, về cơ bản, vẫn nằm trong tổng lượng trần tín dụng 14% theo mục tiêu của năm nay, chứ không tăng thêm lượng tiền. Thời điểm Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng xuất phát từ các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tỷ giá đã tích cực hơn.
Hiện nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng đã được cải thiện hơn, tức là người dân bắt đầu quay lại hệ thống ngân hàng để gửi tiền nhiều hơn so với giai đoạn trước đó. Vào dịp cuối năm, nhu cầu vốn của thị trường, gồm cả người dân (tiêu dùng) và doanh nghiệp (nhà sản xuất) là rất lớn, do đó việc cấp thêm tín dụng sẽ đáp ứng được nhu cầu này, giúp duy trì và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trong mùa cao điểm.
Đến nay, đã có 20 ngân hàng cam kết giảm lãi vay giúp thị trường bất động sản khởi sắc trở lại và phát triển ổn định hơn.
Triển vọng thị trường 2023
Thông tin về việc nới room tín dụng và sự vào cuộc của Chính phủ nhằm giải cứu thị trường bất động sản khiến các thành viên thị trường phấn khởi và kỳ vọng vào giai đoạn khởi sắc sắp tới của thị trường.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% sẽ mang lại tâm lý tích cực cho thị trường bất động sản. Bởi đang có nhiều dự án triển khai dang dở vì thiếu vốn. Người mua nhà gặp khó do không tiếp cận được tín dụng để mua nhà. Dòng vốn được khơi thông sẽ khiến các chủ đầu tư dự án tiếp tục triển khai được dự án và người mua nhà có cơ hội thực hiện giấc mơ an cư lạc nghiệp.
TS. Trần Kim Chung, Chủ tịch CT Group chỉ ra những dấu tích cực về nguồn vốn của thị trường bất động sản. Theo đó, tín dụng năm 2023 sẽ dồi dào hơn năm 2022, nhờ quyết định nới thêm room tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo đà cho doanh nghiệp vận hành năm 2023.
Nguồn tiền từ thị trường chứng khoán cũng đang có xu hướng tăng trở lại. Trong trường hợp chứng khoán tăng lên mức 1.300 - 1.400 điểm thì sẽ có một lượng tiền lớn đưa vào nền kinh tế và bất động sản.
Thị trường trái phiếu cũng đang dần phục hồi. Đây là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế và thị trường bất động sản. Những dấu hiệu tích cực này, TS. Trần Kim Chung bày tỏ sự lạc quan về một bức tranh sáng của thị trường trong năm 2023.
TS.Cấn Văn Lực cho rằng thị trường bất động sản năm 2023 sẽ có nhiều tín hiệu tích cực dựa trên những triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm tới. Kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng, các động lực tăng trưởng phục hồi mạnh hơn, trong đó phải kể đến sự phục hồi của du lịch nội địa, lạm phát cơ bản đã được kiểm soát, tỷ giá lãi suất tăng nhưng trong tầm kiểm soát.
Đầu tư công, kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn sẽ được đẩy mạnh, cộng với việc cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế. Những khó khăn pháp lý cũng đang được Chính phủ tháo gỡ khó khăn. “Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đang rà soát hàng ngàn dự án gặp khó khăn về pháp lý. Với việc đáo hạn trái phiếu, Chính phủ cũng đang vào cuộc để tháo gỡ khó khăn”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.