Bất động sản “chững” lại kéo theo làn sóng chuyển nghề của dân môi giới
BÀI LIÊN QUAN
Khơi thông chính sách phát triển bất động sản chăm sóc sức khỏeNhiều doanh nghiệp “hụt hơi” vào những tháng cuối nămĐất nghỉ dưỡng ven đô thoái trào, nhà đầu tư chuyển hướng dòng tiềnMôi giới “vỡ mộng” trước bối cảnh thị trường bất động sản suy giảm
Loại những cú “sút” mạnh vào thị trường bất động sản như vướng mắc về pháp lý, kiểm soát tín dụng, suy giảm của thị trường trái phiếu khiến doanh nghiệp khó huy động vốn làm thiếu vắng các dự án bất động sản kéo theo nguồn cung bất động sản khan hiếm. Thị trường bất động sản năm 2022 được các chuyên gia miêu tả với gam màu tối không chỉ khó khăn đối với các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn cả với những người làm môi giới bất động sản.
Theo các chuyên gia, đối tượng chịu tác động rõ nét nhất từ sự sụt giảm của thị trường bất động sản là các doanh nghiệp môi giới bất động sản. Tuy nhiên, khó khăn của nghề môi giới đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2020 do tác động của dịch Covid – 19 đã làm lượng cung dự án tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh ngày càng khan hiếm do gặp trục trặc về pháp lý, thủ tục hành chính phức tạp, vướng đất công,…
Trong vài tháng trở lại đây, số lượng môi giới bất động sản rơi vào cảnh không có giao dịch tăng cao, trong khi các chi phí cho khách hàng, quảng cáo vẫn phải duy trì mà hàng thì không bán được, số lượng chốt hàng cũng không đáng kể. Thực tế, lương cứng của các môi giới bất động sản tại các sàn giao dịch thường rất thấp, nhiều nơi quy định phải đạt KPI mới có thể nhận được lương, thế nhưng với tình hình thị trường đang lao dốc như hiện nay, các môi giới bất động sản rất khó để trang trải chi phí sinh hoạt thường ngày.
Chị Phương Anh (25 tuổi), nhân viên của một công ty bất động sản cho biết, suốt từ đầu năm đến nay số lượng chốt hợp đồng của chị vẻn vẹn có 2 hợp đồng đợt đầu năm, còn đến tận giờ vẫn không ra được thêm hợp đồng nào. Thậm chí tháng 5 vừa rồi, chị quyết định chuyển về Hải Phòng để bán các dự án tại tỉnh, thế nhưng vẫn không mấy khả thi.
“Nguồn hàng bán tại Hải Phòng cũng không mấy dồi dào, thanh khoản thị trường yếu kém. Nhiều lúc đến cả chục môi giới chung nhau ôm một hàng mà cũng còn chưa bán được. Cung cầu cả hai đều suy giảm, kể ra hồi dịch Covid-19 mới là cái đợt mà chúng tôi kiếm nhiều nhất, chứ còn bây giờ thì chả thấy thị trường đang hồi phục gì cả. Cũng do một phần ngân hàng siết chặt, thị trường chứng khoán thì thua lỗ nên giờ khách hàng cũng khó có thể mua bất động sản dễ dàng như trước”, chị Phương Anh chia sẻ.
Tương tự chị Phương Anh, anh Trần Bình (29 tuổi), nhân viên của công ty môi giới sản phẩm căn hộ cho biết: “Trước thì bỏ nghề chính sang làm môi giới, bây giờ thì lại phải bỏ làm môi giới để tìm về các công ty kinh doanh lĩnh vực khác với mức lương 10 – 13 triệu đồng/tháng. Nhiều tháng không có giao dịch đồng nghĩa tôi không có lương, không đủ tiền trang trải cho gia đình 4 người như thế nào buộc tôi phải chuyển hướng sang ngành khác, chứ đợi thị trường tăng lên thì biết bao giờ”.
Anh Bình cho biết thêm, thực tế là đối với những nhân viên kỳ cựu, làm tốt và luôn đứng top đầu của công ty, có lượng khách quen tin tưởng thì vẫn tiếp tục cầm chừng làm tiếp. Chứ số còn lại hầu hết toàn những người tay ngang sang, chưa có nhiều kinh nghiệm nên bỏ đi làm việc khác hết rồi. Người thì bán hàng online, người thì về quê làm, người thì đi làm nhân viên văn phòng,… chứ tầm này ít môi giới nào còn “trụ” lại được lắm.
Theo ông Phạm Anh Khôi, trưởng phòng kinh doanh của đơn vị chuyên chuyển nhượng và cho thuê bất động sản Hà Nội, thị trường bất động sản tại lao dốc là kéo theo nhiều văn phòng bất động sản buộc phải đóng cửa do không còn đủ sức duy trì nữa. Tại văn phòng của anh Khôi, số lượng nhân viên môi giới của văn phòng trước đây lúc nào cũng trong khoảng 20 – 25 người nhưng trong 5 tháng đổ lại thì chỉ còn duy trì được 8 người.
“Bản thân tôi cũng đang khá là đau đầu khi số lượng các bạn môi giới liên tục xin nghỉ, có một số bạn xin nghỉ tạm thời đợi thị trường bất đống sản sôi động thì quay trở lại, còn lại thì xác định nghỉ hẳn luôn. Điều này khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó khăn, đã nhiều tháng đăng tin tuyển nhân sự mà quả thật rất khó khăn”, vị trưởng phòng này nhấn mạnh.
Ông Khôi cho biết thêm, nghề môi giới bất động sản là một nghề không đơn giản như chúng ta nghĩ là không cần biết gì cũng có thể làm. Công việc này đòi hỏi người làm môi giới phải có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn cũng như nỗ lực trong suốt quá trình làm nghề. Đã là thị trường thì rất khó tránh những biến động lúc lên lúc xuống, do đó nhiều người vào nghề gặp thị trường lúc khó nếu không kiên trì được sẽ dễ chán nản và bỏ việc. Bản thân những người làm ngành này như chúng tôi đang rất kỳ vọng vào thị trường vào dịp cuối năm và đầu năm tới
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, chứng kiến thời kỳ thị trường sôi nổi, những cơn sốt đất, sốt nóng đã làm bùng nổ nhân sự của ngành nghề này, bởi sức hút từ mức hoa hồng khủng sau mỗi giao dịch. Trước việc kiếm tiền có phần dễ dàng đã làm cho nhân sự của các ngành nghề khác bỏ việc sang làm môi giới.
Ông Đính nhận định, thị trường trầm lắng và khó khăn cho nên dễ hiểu việc có sự biến động lớn về nhân sự của ngành bất động sản. Tuy nhiên, đây chính là cơ hội để thanh lọc nhân sự nghề môi giới bất động sản, vì vậy các đơn vị tuyển dụng của ngành này nên chuẩn bị kế hoạch dài hơi, bài bản hơn trong công tác tuyển dụng vào đào tạo để phát triển chuyên nghiệp, minh bạch.
Ứng dụng công nghệ bất động sản tạo “sức bật” cho ngành môi giới
Thực tế, thời gian qua sự “bùng nổ” của các môi giới bất động sản đã diễn ra một cách ồ ạt, dễ dãi tại một số đơn vị. Hầu hết các môi giới “tay ngang” chỉ được đào tạo trong thời gian ngắn, thiếu tính chuyên nghiệp mà chủ yếu dựa vào việc học hỏi từ những người đi trước, đặc biệt là những môi giới hoạt động tự do.
Những nhóm môi giới này năng lực yếu kém, chưa có chuẩn bị tích trữ tài chính cho nên khi thị trường bất động sản đang trầm lắng đã khiến một số “rụng rời” bởi không biết phải xoay sở cuộc sống như thế nào, buộc phải chuyển hướng sang ngành nghề khác.
Theo ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, chính do nguồn cung trên thị trường thiếu vắng, không có hàng bán cho nên nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản mới phải rời xa thị trường. Còn đối với các doanh nghiệp uy tín, đủ nhân sự và nhiều kinh nghiệm mới có thể có khả năng “trụ” lại trên thị trường.
Theo các chuyên gia, những doanh nghiệp bất động sản mà phát triển được trong giai đoạn này là những doanh nghiệp biết áp dụng công nghệ cao, đón bắt được xu thế mới. Họ biết cách sử dụng công nghệ số giúp nhân viên môi giới của họ kết nối được nguồn hàng cũng như lượng khách hàng thì mới giúp được nhân viên duy trì được mức thu nhập ổn định, giúp doanh nghiệp duy trì được.
Công nghệ chuyển đổi số trong doanh nghiệp bất động sản là điều cần thiết nhất là khi mà thị trường đang trong giai đoạn bất ổn, cần các công cụ công nghệ hỗ trợ trong các giao dịch mua bán, kiểm tra quy hoạch một cách dễ dàng, giúp người môi giới dễ dàng bán hàng và tạo cơ hội làm việc cho những người làm môi giới bất động sản.
Bên cạnh đó, việc nâng cao kỹ năng và chuyên môn cho các môi giới bất động sản là điều hết sức quan trọng. Bản thân mỗi người làm môi giới bất động sản phải không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm chuyên môm để có thể tư vấn bán những sản phẩm có giá trị lớn cho khách hàng, tránh để bản thân chán nản, tụt dốc.
Thị trường bất động sản cuối năm được các chuyên gia dự báo là sẽ có nhiều “khởi sắc” đến từ lượng cung của những nhà đầu tư ôm “lướt” ở khoảng thời gian trước, đây cũng là dịp nhu cầu và sức mua của các nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi lớn tăng lên.