Bán BĐS cắt lỗ vẫn phải chịu thuế TNCN: Quy định đã lạc hậu?
BÀI LIÊN QUAN
Đề xuất tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệpChủ tịch HoREA: Quy định "bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai" hầu như chỉ "làm lợi" cho ngân hàng thương mạiThấy gì từ việc các ông lớn bất động sản nợ thuế khủng?Lỗ 40%-50% vẫn phải đóng thuế TTCN
Câu chuyện về đóng thuế thu nhập cá nhân đã nhiều năm nay trở thành nỗi bức xúc của các nhà đầu tư bất động sản, chứng khoán. Nhiều người cho rằng, từ khi áp dụng Luật Thuế TNCN (sửa đổi năm 2012) đến nay dường như đã lạc hậu.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, thu thuế TNCN năm 2021 đạt khoảng 123.000 tỷ đồng (vượt dự toán và tăng 6,6% so với năm 2020). Thu từ thuế TNCN chiếm 10% tổng số thu ngân sách Nhà nước năm 2021, đứng thứ ba sau thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Cong trong năm 2022, tính đến hết tháng 11, số thu thuế TNCN đã ước đạt trên 152.000 tỷ đồng (bằng gần 129% dự toán, hơn 130% so với cùng kỳ).
Những năm trước, chứng khoán, bất động sản tăng trưởng mạnh, các nhà đầu tư không ngai ngần khi đóng thuế thu nhập cá nhân đối với các giao dịch. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, ảnh hưởng với dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, nhiều người lâm vào tình cảnh thua lỗ khi đầu tư bất động sản, chứng khoán. Tuy nhiên, khi giao dịch với mục đích cắt lỗ, họ vẫn phải mất 2% thuế thu nhập cá nhân.
Anh Nguyễn Trung Thìn (quê Quốc Oai, Hà Nội) vừa phải bán cắt lỗ mảnh đất tại xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất, Hà Nội) để lấy tiền trả nợ. Đầu năm 2022, anh mua mảnh đất 70m2 ở xã Cần Kiệm với giá 1,4 tỷ đồng. Tiền anh có hơn 800 triệu đồng, còn vay mượn họ hàng 600 triệu đồng, hẹn Tết trả lại.
“Lúc tôi xuống tiền cứ ngỡ là bất động sản chạm đáy sau thời điểm dịch bệnh. Ai ngờ, giá đất giảm xuống rồi sau đó đi ngang. Tuần trước, do phải trả nợ họ hàng nên tôi bán cắt lỗ 300 triệu đồng. Thế nhưng, dù đã lỗ, còn phải chịu phí sang tên sổ đỏ nhưng tôi vẫn phải đóng 2% thuế thu nhập cá nhân. Như vậy là lỗ chồng lỗ rồi”, anh Thìn chia sẻ.
Theo anh Thìn, nếu bán đất lãi vài trăm triệu đồng như trước đây, anh vui vẻ đóng thuế thu nhập cá nhân. Nhưng vô lý là bán cắt lỗ rất sâu rồi cũng phải đóng thuế. Điều này khiến người dân chịu thiệt. Anh Thìn kiến nghị: “Nhà nước nên xem lại khoản thuế này. Hiện nay những nhà đầu tư, người dân đều gặp khó khăn khi giá cả tăng cao, đồng lương thì giảm. Trong khi đó, thuế thu nhập cá nhân vẫn giữ kể cả trường hợp kinh doanh thua lỗ”.
Anh Thìn nói thêm, những năm qua, các cơ quan nhà nước rất mạnh tay trong việc chống thất thu thuế khi giao dịch bất động sản. Điều đó là nên làm nhưng nói đi cũng phải nói lại. Việc áp thuế thu nhập cá nhân đối với bất động sản cắt lỗ đã hợp lý chưa?
Giống như anh Thìn, chị Nguyễn Thị Diệu Hương (Đông Anh, Hà Nội) cũng tỏ ra khá bức xúc khi áp thuế thu nhập cá nhân 0,1%. “Dù thắng hay thua ở mỗi lần giao dịch, chỉ cần khớp lệnh là bị áp thuế thu nhập cá nhân. Thực tế cho thấy, nhiều khi thắng 9 lệnh nhưng chỉ cần thua 1 lệnh là sẽ mất sạch tiền lãi, thậm chí âm vào vốn. Nếu chúng tôi giao dịch lãi thì vui vẻ đóng thuế. Tuy nhiên, nhiều khi lỗ lớn cũng bị trừ thuế. Hôm trước tôi vừa cắt lỗ hơn 1 tỷ tiền chứng khoán nhưng vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Đây là điều khiến cho các nhà đầu tư chứng khoán rất bức xúc”, chị Diệu Hương than thở.
Người nộp thiệt đơn, thiệt kép
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo quy định hiện nay mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản là 2%. Tiền thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản hai bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng chuyển nhượng bên có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Chứng từ nộp thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản là một điều kiện để cơ quan có thẩm quyền xem xét và tiến hành làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên mua.
“Theo quan điểm của tôi, thuế thu nhập cá nhân là một loại thuế quan trọng đối với nền kinh tế – xã hội và hệ thống thuế. Việc đóng thuế thu nhập cá nhân góp phần vào sự phát triển của ngân sách nhà nước và phúc lợi xã hội. Đối với các hoạt động như giao dịch bất động sản, việc đóng thuế suất ở mức 2% là hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề cần xem xét lại là khi lãi hoặc lỗ thì người chuyển nhượng có phải đóng thuế như nhau không”, Luật sư Huy An nói.
Luật sư này nói thêm, hai năm qua, thị trường bất động sản dường như bị đóng băng. Rất nhiều nhà đầu tư lao đao, khổ sở vì sử dụng đòn bẩy tài chính để mua sản phẩm. Đến nay, họ phải bán cắt lỗ để có tiền trả nợ. Nếu khi bán cắt lỗ vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân thì chẳng khác nào “thiệt đơn, thiệt kép”.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế cho rằng, hiện nay thực tế cho thấy, đối với những người kinh doanh bất động sản, dù lãi hay lỗ vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp thị trường biến động tăng cao, có thể nộp thuế theo mức thuế suất 2% là có lợi cho người chuyển nhượng. Nhưng ngược lại, địa ốc đóng băng, giảm nhanh thì người chuyển nhượng bất động sản bị thua lỗ vẫn phải kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân là điểm bất cập.
Bà Cúc nói thêm, các nhà đầu tư bất động sản hầu hết phải vay từ ngân hàng. Tuy nhiên, tiền vay lãi không được trừ trước khi tính thuế. Có nghĩa là, họ vừa phải chịu lãi ngân hàng, vừa chịu lỗ, vừa phải đóng thuế. Vì thế, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế đề xuất cơ quan quản lý nhà nước xem xét, nghiên cứu thay đổi quy định về nộp thuế. Nghĩa là, đối với các giao dịch bất động sản có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, chứng minh được bị lỗ sẽ không phải nộp thuế trên doanh thu chuyển nhượng 2%.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, quy định nhà đầu tư chứng khoán lỗ hay lãi vẫn phải nộp thuế 0,1% trên doanh thu; bất động sản là 2% giá trị chuyển nhượng đang gây ra nhiều điểm bất lợi cho người dân nhưng dễ dàng cho việc quản lý của cơ quan chức năng. Và việc này đã quá lạc hậu bởi bản chất của thuế là tính trên phần lãi. Trong khi đó, nhiều người chơi, đầu tư cổ phiếu hoặc nhà đất khi bán bị lỗ. Đây là vấn đề cần phải xem xét lại.