Bà Bùi Hải Huyền xin từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc FLC
BÀI LIÊN QUAN
Tương lai của 710 triệu cổ phiếu FLC và 80.000 cổ đông sẽ ra sao?FLC sẽ lọt top 10 mã có lượng cổ phiếu lớn nhất trên sàn nếu thành công lên UPCoMGần 710 triệu cổ phiếu FLC sẽ chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký về UPCOM từ ngày 22/2Theo VnExpress, ngày hôm nay (27/2), bà Bùi Hải Huyền đã xin từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT cũng như Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Trong thư gửi nhân viên, bà Bùi Hải Huyền nhấn mạnh FLC sau tất cả những biến cố vừa qua đang rất cần một luồng gió mới. Vị này nhấn mạnh: “Nói lời chia tay là vô cùng khó khăn, nhưng việc tôi rời cương vị CEO trong thời điểm này là điều cần thiết để quá trình tái cấu trúc mà FLC đang hướng tới có thể thành công tốt đẹp”.
Được biết, bà Bùi Hải Huyền sinh năm 1976, hiện đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị, điều hành, tư vấn cũng như triển khai dự án tại nhiều doanh nghiệp lớn. Tại FLC, bà Bùi Hải Huyền là một trong số những lãnh đạo kỳ cựu khi đã gắn bó tại đây hơn 12 năm.
Từ năm 2015, bà Huyền giữ chức Phó tổng giám đốc FLC, sau đó đến tháng 3/2020 được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc. Đến tháng 7/2022, bà được bổ nhiệm vào vị trí Phó chủ tịch thường trực HĐQT FLC trong phiên họp bất thường sau sự cố của các lãnh đạo cấp cao thuộc tập đoàn này.
Dân Trí thông tin, Trước khi giữ vị trí Tổng giám đốc FLC, bà Bùi Hải Huyền còn từng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông dược H.A.I. Bên cạnh đó, nữ doanh nhân 7x còn trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh ở nhiều đơn vị thành viên của Tập đoàn FLC, bao gồm: Công ty TNHH MTV Quản lý Khách sạn và khu nghỉ dưỡng FLC; Công ty TNHH FLC Quảng Bình Beach & Golf Resort; Công ty TNHH Kinh doanh Dịch vụ Nghỉ dưỡng FLC; Công ty cổ phần FLC Quy Nhơn Golf & Resort; Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu nông sản FAM; Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort và Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển vườn thú Faros.
Đến ngày 28/4/2020, bà Bùi Hải Huyền đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes, thay thế cho bà Hương Trần Kiều Dung.
Đáng chú ý, bên cạnh bà Bùi Hải Huyền còn có 2 Phó tổng giám đốc khác của FLC cũng xin từ nhiệm, đó là bà Đàm Ngọc Bích và bà Lê Thị Trúc Quỳnh. Trong đó, bà Đàm Ngọc Bích sinh năm 1977, từng tốt nghiệp thạc sỹ tài chính kế toán. Bà Bích từng có thời gian đảm nhiệm vị trí Kế toán trưởng Tập đoàn T&T giai đoạn 2005 - 2009, đến giai đoạn tháng 5/2007 – 5/2012 là Thành viên Ban Kiểm soát Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Thành viên HĐQT Ngân hàng SHB trong khoảng tháng 5/2012 – 6/2014. Từ tháng 4/2009 - 6/2014, bà Bích trở thành Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ thường trực Tập đoàn T&T.
Đến tháng 6/2014, bà Bích gia nhập Tập đoàn FLC, đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Kiểm soát nội bộ. Từ tháng 6/2015 cho đến nay, bà là Phó Tổng Giám đốc thường trực của FLC.
Ngoài ra, bà Lê Thị Trúc Quỳnh từng có khoảng thời gian làm việc tại nhiều tổ chức tài chính trong nước, bao gồm Ngân hàng Hàng Hải (MSB), Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Việt Á và Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank)… Giai đoạn từ năm 2015 - 2018, bà Trúc Quỳnh từng đảm nhiệm chức Phó Trưởng Ban Tài chính của Tập đoàn FLC. Từ ngày 19/8/2020, bà Quỳnh giữ vị trí Phó tổng giám đốc FLC cho đến khi từ nhiệm ngày 27/2/2023.
Như vậy, với việc Tổng giám đốc Bùi Hải Huyền cùng với 2 Phó tổng giám đốc rời đi, Ban Điều hành cũ của tập đoàn đã có 6 lãnh đạo cấp cao từ nhiệm giai đoạn từ năm 2022 đến nay. Dự kiến cuối tuần này, phiên họp bất thường lần 2 của FLC dự kiến sẽ diễn ra. Trong phiên họp này, đại hội đồng cổ đông của FLC sẽ phải bầu bổ sung thêm thành viên nhằm thay thế bà Bùi Hải Huyền cùng với ông Đặng Tất Thắng. Trước đó, phiên họp lần 1 đầu tháng 2 vừa qua đã không thể diễn ra do tỷ lệ tham dự dưới 50% so với số cổ phần có quyền biểu quyết.
Theo Vietnamnet, cụ thể vào ngày 5/2 trước đó, Đại hội cổ đông bất thường của FLC đã không đủ điều kiện để tiến hành. Sau đó, Ban lãnh đạo doanh nghiệp đã thông báo Đại hội bất thường lần 2 dự kiến sẽ được tổ chức sớm nhất vào ngày 5/3.
Cổ phiếu được lên sàn UPCoM, ngay lập tức vào diện đình chỉ giao dịch
Ngày 14/2 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đã công bố quyết định hủy niêm yết đối với 710 triệu cổ phiếu FLC của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC kể từ ngày 20/2 bởi doanh nghiệp này đã “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin”.
Từng là một doanh nghiệp nổi tiếng trên thị trường chứng khoán, số lượng cổ đông của FLC thời điểm hiện tại là gần 65.000 người. Khoảng thời gian gần đây, công ty này thường xuyên vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, sau đó bị đình chỉ giao dịch. Đầu năm 2023, FLC rơi vào tình huống hi hữu bởi không còn người kiểm toán nội bộ sau khi có đến 2 thành viên liên tiếp xin từ chức.
Đến ngày 24/2, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận cho cổ phiếu FLC được giao dịch trên sàn Upcom kể từ ngày 3/3; thế nhưng ngay sau đó HNX đã tiếp tục có quyết định đưa cổ phiếu này vào diện đình chỉ giao dịch luôn trong ngày 3/3.
Theo HNX, cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch bởi thuộc diện công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, hoặc công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc bởi Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy bỏ niêm yết để có thể đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư theo quy định.