Amazon kiện quản trị viên của hơn 10.000 nhóm Facebook
BÀI LIÊN QUAN
Amazon ra mắt tính năng "thử giày ảo" cực lạAlibaba bại trận trước Amazon trong cuộc chiến điện toán đám mâyChân dung Shopify - Thế lực khiến gã khổng lồ Amazon phải dè chừngTheo thông tin từ tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ), Amazon vừa đệ đơn kiện các quản trị viên (admin) của hơn 10.000 nhóm Facebook với cáo buộc những người này đã lợi dụng nền tảng mạng xã hội để tiến hành các đánh giá giả mạo về sản phẩm. Đại diện của doanh nghiệp này cho biết, động cơ để nhóm admin này thực hiện các hành vi sai trái nêu trên là để được đổi sản phẩm miễn phí hoặc hoàn tiền.
Theo Amazon, điều này trái với quy tắc thông thường và đang diễn ra trên phạm vi rộng kéo dài trên các cửa hàng ở nhiều quốc gia như Mỹ, Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Nhật Bản. Những bài đánh giá giả mạo này thường được sử dụng để tăng xếp hạng sản phẩm và thúc đẩy khách hàng mua hàng.
“Vụ kiện là một hành động pháp lý chủ động nhắm vào những kẻ xấu”, phó Chủ tịch Amazon, Dharmesh Mehta cho biết trong tuyên bố.
Tờ WSJ cho biết thêm, trong nhiều năm qua, Amazon đã bị ảnh hưởng nhiều bởi những đánh giá giả mạo, không xác thực. Trong thời kỳ đại dịch, người tiêu dùng đổ xô vào các nền tảng thương mại điện tử và kéo theo đó là sự thao túng đánh giá và nỗi thất vọng ngày một nhiều của các khách hàng. Vào năm 2021, Cơ quan quản lý chống độc quyền tại Anh thậm chí còn mở một cuộc điều tra về việc liệu Google có đang nỗ lực loại bỏ các đánh giá giả mạo khong.
Một trong những nhóm Facebook nằm trong danh sách kiện của Amazon có tên gọi “Đánh giá các sản phẩm Amazon”, sở hữu hơn 43.000 thành viên. Admin của nhóm này chủ đích “lách luật” bằng cách thay đổi một số cụm từ trong bài viết để tắt tính năng cảnh báo của Facebook. Nhóm này sau đó đã bị gỡ bỏ. Danh tính các quản trị viên cũng được giữ kín.
“Các nhóm lôi kéo hoặc khuyến khích các bài đánh giá giả đã vi phạm chính sách của chúng tôi”, đại diện phát ngôn của Meta cho biết.
Trước đó, năm 2019, Cơ quan quản lý Mỹ đã đặt câu hỏi về nỗ lực của Amazon đối với việc giải quyết các đánh giá giả mạo trong một bức thư gửi tới cựu Giám đốc điều hành Jeff Bezos. Cùng năm đó, Ủy ban Thương mại Liên bang đã phạt một trang web bán lẻ trả tiền cho bên thứ ba để đăng tải đánh giá giả lên Amazon nhằm che mắt người tiêu dùng.
Đến năm 2021, Amazon bất ngờ đình chỉ 50.000 tài khoản bán hàng của người Trung Quốc, bị cho là chuyên bỏ tiền, hoặc tặng quà cho khách hàng để đổi lấy các đánh giá sản phẩm giả mạo. Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Xuyên biên giới Thâm Quyến, điều này khiến doanh thu dự kiến hơn 15 tỷ USD khi đó của Amazon “không cánh mà bay”.
Amazon sau đó đã cam kết đền bù trực tiếp cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi các sản phẩm lỗi mua từ các nhà bán hàng độc lập. Chính sách chăm sóc khách hàng mới, kể từ ngày 1/9 năm ngoái, cũng cho phép khách hàng được thanh toán chi phí điều trị thương tật hoặc tài sản bị hư hỏng do mua phải các sản phẩm lỗi trên trang Amazon.com. Số tiền bồi thường tối đa là 1.000 USD/trường hợp, thậm chí là cao hơn nếu phía người bán không phản hồi hoặc từ chối lời khiếu nại mà Amazon cho là hợp lệ.
Trước đó, Amazon được cho là đã không mạnh tay đối với các chương trình ưu đãi đổi quà hoặc tiền lấy đánh giá tích cực của người dùng, bởi muốn thu hút thêm nhiều người bán hàng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình này đã thay đổi trong bối cảnh Amazon phải đối mặt với sức ép lớn của dư luận - những người phản đối gay gắt với những bài đánh giá sản phẩm giả mạo tràn lan trên nền tảng.