5 thành phố đông dân nghiên cứu hạn chế xe máy
BÀI LIÊN QUAN
Hà Nội sẽ có 78 bãi đỗ xe công cộng ngầm Thành phố Hà Nội “siết” thu tiền thuê đấtHà Nội: Dự kiến khởi công khu 1, 2 thành phố thông minh trong tháng 6Không để xảy ra ùn tắc giao thông quá 30 phút
Ngày 5/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký ban hành Nghị quyết tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, UBND 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh cần tập trung nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy.
Các thành phố đông dân này, sẽ tiến tới hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy tại một số quận sau năm 2030. Đồng thời thực hiện nghiên cứu xây dựng các đề án thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Thực hiện các chủ trương này sẽ giúp hạn chế số lượng xe cơ giới vào địa bàn.
Đối với giao thông công cộng, Nghị quyết nêu rõ cơ quan chuyên môn của 5 thành phố tham mưu cho HĐND thành phố ban hành nghị quyết ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; phấn đấu năm 2030 đạt 30 - 35% khối lượng vận tải hành khách.
Một nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết đó là, các thành phố tập trung nguồn lực xử lý điểm thường xuyên ùn tắc; không để xảy ra các vụ ùn tắc trên 30 phút. Đối với các dự án khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại muốn được phê duyệt đầu tư thì cần đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông, có kết nối với trục đường chính trong đô thị.
UBND 5 thành phố trên được giao xây dựng kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch triển khai, dự toán ngân sách thực hiện hàng năm trình HĐND thông qua để thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông sẽ được sử dụng cho nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.
Lắp camera giám sát giao thông
Tại Nghị quyết mới được Chính phủ phê duyệt, Bộ Công an được giao lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông để xử lý các vi phạm hành chính. Xây dựng quy chuẩn về hệ thống giám sát, xử lý vi phạm giao thông để thống nhất áp dụng toàn quốc.
Cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai giai đoạn 2. Bộ Công an thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu của cảnh sát giao thông với các đơn vị trong và ngoài ngành công an để phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Đồng thời Bộ này cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quy chuẩn về hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông để thống nhất áp dụng và thực hiện trong toàn quốc.
Tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, phòng ngừa tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông gắn với phòng, chống tội phạm của lực lượng công an nhân dân. Hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm sẽ được thí điểm và từng bước lắp đặt thiết bị giám sát.
Có thể thấy với những chủ trương được nêu rõ trong Nghị quyết trên, việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân (cụ thể ở đây là xe máy) và tích cực phát triển hệ thống giao thông công cộng nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc kéo dài tại các thành phố lớn, tập trung đông dân cư.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải vào sáng 24/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đưa ra quan điểm: “Trong vòng 5 năm nữa, với tốc độ gia tăng xe cá nhân sẽ không thể nào hạn chế được ùn tắc giao thông. Các đô thị lớn càng xây dựng hạ tầng đường sá thì càng ùn tắc bởi hấp dẫn người dân đổ về (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi năm tăng 200.000 người). Do đó, không hạ tầng nào có thể đáp ứng nổi tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, dẫn đến ùn tắc và ô nhiễm môi trường.”
Tính đến năm 2020, Thành phố Hà Nội có khoảng 7,1 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, với tốc độ tăng trưởng ôtô đạt 10,2%/năm, của xe máy đạt 6,7%/năm, chưa tính khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác.
Với tốc độ gia tăng số lượng phương tiện cá nhân như vậy khiến hạ tầng giao thông hiện có của thành phố lớn “khó lòng” có thể đáp ứng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên. Tính đến năm 2021, Hà Nội vẫn còn khoảng 30 điểm đen về ùn tắc giao thông. Mỗi một lần ùn tắc giao thông sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội như: hao tốn nhiên liệu, lãng phí thời gian, ô nhiễm môi trường, gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông…Do đó, một trong những giải pháp có thể giải quyết tình trạng ùn tắc tại các thành phố lớn là hạn chế phương tiện cá nhân.
Tháng 12/2021, UBND Thành phố Hà Nội đã gửi tới HĐND cùng cấp tờ trình về Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Hà Nội dự kiến cấm xe máy tại các quận sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. Theo đó, sẽ dừng hoạt động xe máy ở các quận bên trong vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5.
Từ sau năm 2030, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện dừng hoạt động xe máy ở các quận bên trong vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng, bên trong vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, năm huyện gồm Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng lên quận thì cũng sẽ được cập nhật bổ sung vào đề án. Do đó, các quận mới này cũng thực hiện dừng hoạt động xe máy theo lộ trình.