2 tỷ đồng khó săn tìm chung cư cũ nội đô
BÀI LIÊN QUAN
Chung cư cũ tiếp tục tăng giá bất chấp thị trường ảm đạmChung cư cũ đang ghi nhận hiện tượng tăng giá mạnhCó nên mua chung cư cũ tại thời điểm này?Ám ảnh tắc đường
Chị Lê Hải Hà (40 tuổi) cho biết, chị đã chuyển từ căn hộ 130 m2 ở Dương Nội, quận Hà Đông lên căn hộ 59 m2 ở Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy. Chị Hà chia sẻ, trước đây khi mua chung cư, chị và chồng đều đưa ra tiêu chí căn hộ phải thoáng mát, có 03 phòng ngủ để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Tuy nhiên, sau 4 năm sống xa trung tâm, chị Hà mới thấy nhiều bất tiện, nhất là tắc đường.
Sáng nào ba mẹ con chị cũng rời nhà từ 6h sáng. Đồ ăn sáng cũng mua vội lề đường rồi cho các con ăn trong ô tô. Trường của hai con ở khu vực Cầu Giấy, gần nhà ông bà ngoại. 5h chiều tan tầm, chị vòng qua nhà mẹ đón các con nhưng phải đến 7h tối mới về đến nhà. “Tầm đó thì tôi chỉ muốn ngủ, chả thiết tha ăn uống gì nữa. Mình còn mệt huống chi các con” – chị Hà thở dài.
Cuối cùng, vợ chồng chị Hà quyết định chuyển sang căn chung cư ở Cầu Giấy với diện tích chưa đầy 60m2, có 2 phòng ngủ, là nhà tái định cư. Căn hộ cách trường của con có 3km. Từ ngày về đây, sáng sáng, chị Hà có thời gian tập thể dục, cả gia đình ăn sáng ở nhà rồi mới đi học, đi làm và thích nhất là không còn cảnh kẹt xe nữa. Nếu trước đây, cứ 8h tối gia đình chị mới ăn cơm thì nay 7h tối đã xong xuôi. Chị có thời gian chăm sóc cho bản thân và tổ ấm của mình nhiều hơn. Giờ đây, với chị Hà, nhà không nhất thiết phải là không gian sống rộng rãi nữa mà chỉ cần thuận tiện cho sinh hoạt là đủ.
Anh Đỗ Văn Tùng (trú tại Hoài Đức, Hà Nội) cũng rao bán căn chung cư của mình để “lên phố” sau 5 năm ở xa trung tâm. Anh Tùng làm ở đường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trung) trong khi trường học của các con thì ngay gần nhà (huyện Hoài Đức). Anh rơi vào cảnh sáng sớm đã phải rời nhà đi làm cho đỡ tắc đường. Còn chiều chiều, các con tuy đã tan học nhưng cứ phải lang thang ở trường đến sẩm tối để chờ bố mẹ về đón.
Anh Tùng quyết định rao bán căn chung cư và chuyển vào trung tâm kiếm một căn hộ nhỏ hơn, rồi cho con học ở gần nhà hoặc gần cơ quan để tiện đường đưa đón. Bạn bè anh Tùng cũng có nhiều người quyết định rời về phố, chào những căn nhà xa trung tâm.
Tương tự, chị Dương Thị Minh (38 tuổi) cũng vừa bán căn nhà ở Ba La, Hà Đông để chuyển về mua căn chung cư cũ trên đường Nguyễn Chí Thanh với diện tích 51 m2. Săn tìm được căn chung cư cũ cũng không dễ chút nào. Tiếp đó, chị phải thuê công ty thiết kế để làm sao với ngần ấy m2 mà có thể chia được nhiều phòng, không gian sinh hoạt riêng, hợp lý, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cả gia đình. Chị Minh tốn thêm khoảng gần 200 triệu để thiết kế lại căn nhà cho phù hợp.
Giá chung cư cũ “leo thang” từng ngày
Chị Trần Thị Trang hiện đang ở trọ khu Mỹ Đình, Hà Nội nhiều năm qua vẫn đánh đu với giá nhà tại Hà Nội với ước mong mua được một căn hộ làm chốn an cư.
Chị chia sẻ, thu nhập của hai vợ chồng khoảng 40 triệu đồng/tháng, trừ chi phí chi tiêu thì tiết kiệm được không đáng kể. Sau khi tìm hiểu, vợ chồng chị quyết định tìm mua một căn chung cư cũ ở nội đô vì hiện tại, các dự án mới ven đô chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp với mức giá 3,5 - 6 tỷ đồng/căn, quá khả năng chi trả của gia đình. Còn chung cư bình dân thì lại ở quá xa trung tâm thành phố, khoảng 30 km. Thế nhưng, với mức tài chính khoảng 2 tỷ đồng, chị Trang cũng "tìm đỏ mắt" để có một căn hộ chung cư cũ ở nội đô.
Theo anh Nguyễn Trung Thành, môi giới bất động sản lâu năm ở Hà Nội, trong thời gian khoảng 1-2 năm trở lại đây, lượng người tìm mua chung cư cũ đang tăng mạnh. Điều này khiến hầu hết chung cư cũ ở Hà Nội đã lập mặt bằng giá mới. Giá không chỉ tăng ở những dự án mới bàn giao 1-3 năm mà nhiều chung cư đã vào ở đến cả chục năm thì giá vẫn tăng chóng mặt.
Cụ thể, tại quận Cầu Giấy, hiện tại, giá chung cư đã đi vào sử dụng hiện đang giao động ở mức 50 – 65 triệu đồng/m2 trong khi năm ngoái giá chỉ giao động ở mức 45 – 55 triệu đồng/m2.
Còn khu vực quận Thanh Xuân, một số căn hộ tập thể cũ khoảng 50 m2 ở khu Thành Công hiện mức 2,2-2,5 tỷ đồng trong khi năm ngoái được rao bán khoảng 1,8-2,2 tỷ đồng/căn.
Theo anh Nguyễn Trung Thành, chung cư cũ tăng giá là do hiện tại đang thiếu nguồn cung căn hộ chung cư, nếu có thì lại là phân khúc cao cấp, khiến người có thu nhập thấp, thu nhập bình dân không thể với tới phân khúc cao cấp.
Còn ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng nhu cầu tìm mua căn hộ chung cư cũ đang nở rộ ở các thành phố lớn, không chỉ riêng Hà Nội, một phần do nhu cầu, một phần do kinh tế có xu hướng hồi phục hồi sau Covid-19.
Tiếp đó, nguyên nhân còn là do giá căn hộ cũ bị đẩy lên theo làn sóng tăng giá của thị trường chung cư thời gian qua. Việc hạn chế nguồn cung trong khi nhu cầu không ngừng gia tăng đã khiến giá của chung cư không ngừng tăng.
Theo một báo cáo của Savills Việt Nam, giá nhà ở Hà Nội thời gian qua vẫn tiếp đà tăng. Cụ thể, sự chênh lệch giữa giá bán sơ cấp và thứ cấp đã tăng từ 14% vào năm 2018 lên 44% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Căn hộ chung cư cũ ở nội đô có ưu điểm là ở gần trung tâm hơn, hạ tầng cơ bản cũng đã được ổn định nên nhiều bạn trẻ có nhu cầu an cư ở nội đôi thay vì di dời ra ngoại thành với cùng mức giá đó để có nhà mới hơn. Tuy nhiên, điều kiện tiện ích, không gian, cây xanh... thì không thể đáp ứng bằng những chung cư mới, hiện đại, chưa kể hạ tầng đã cũ, có thể đã và đang xuống cấp.
Khi mua chung cư cũ, ông Thanh lưu ý khách hàng nên tìm hiểu thật kỹ về vấn đề pháp lý, giấy tờ của chung cư cũng như hạ tầng để tránh xuống tiền “hớ”. Ngoài ra, người tiêu dùng cần tìm hiểu rõ thị trường vì không phải cứ là chung cư cũ thì giá thành sẽ phải chăng.
Theo giới chuyên gia, để thị trường bất động sản lành mạnh hơn, giá chung cư nói chung và giá chung cư cũ nói riêng “hạ nhiệt” thì cần có giải pháp tăng nguồn cung, trong đó đẩy mạnh phân khúc nhà bình dân, giá từ 30 – 50 triệu đồng/m2.