meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Xuất khẩu khí hóa lỏng của Mỹ sang phương Tây vượt xa lời hứa của ông Biden, nhưng vẫn không đủ để cứu cả châu Âu

Thứ ba, 02/08/2022-00:08
Lượng khí đốt hóa lỏng (LNG) mà Mỹ xuất khẩu sang châu Âu trong năm 2022 dự kiến sẽ đạt được lượng cao gấp 3 so với lời hứa của ông Bideo hồi tháng 3. Tuy nhiên, lượng LNG này vẫn không đủ để bù đắp cho nguồn cung đang thiếu hụt từ Nga.

Theo Reuters, hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đưa ra lời hứa sẽ giúp đỡ cho châu Âu, giúp khu vực này đảm bảo nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) thay thế cho khí đốt của Nga. Tuyên bố này của ông được đón nhận với tâm lý đầy hoài nghi. 

Trên thực tế, ngành khí hóa lỏng của Mỹ đã chạm đến giới hạn của mình. Đồng thời, thị trường khí hóa lỏng toàn cầu đa phần bị chi phối bởi các hợp đồng dài hạn, quyết định khí đốt sẽ được xuất khẩu đi đâu trong vòng 20 năm tới. Tuy nhiên, lời hứa của Tổng thống Joe Biden với châu Âu dường như đã quá khiêm tốn.


Một tàu chở khí hóa lỏng (LNG) chuẩn bị cập cảng ở Boston, Massachusetts, Mỹ - Ảnh: Getty Images
Một tàu chở khí hóa lỏng (LNG) chuẩn bị cập cảng ở Boston, Massachusetts, Mỹ - Ảnh: Getty Images

Theo phân tích của Reuters về dữ liệu xuất kho do Refinitiv tổng hợp được, nước Mỹ đang trên đà vượt qua cam kết hồi tháng 3 của ông Biden với châu Âu về việc cung cấp cho khu vực này thêm 15 tỷ mét khối (bcm) LNG trong năm nay. Thậm chí, con số thực tế đã lên gấp 3 lần so với cam kết ban đầu, nghĩa là 45 tỷ mét khối khí hóa lỏng đã được xuất khẩu từ Mỹ sang châu Âu.


Mỹ đã trở thành đầu mối xuất khẩu khí hóa lỏng LNG trong năm 2022 theo dữ liệu của EIA
Mỹ đã trở thành đầu mối xuất khẩu khí hóa lỏng LNG trong năm 2022 theo dữ liệu của EIA

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, nhà sản xuất khí đốt đứng đầu thế giới đã trở thành nhà xuất khẩu khí hóa lỏng hàng đầu trong năm 2022. Sự gia tăng này chính là một thông tin tốt đối với Tổng thống Biden, trong bối ảnh ông đang tìm cách để tăng cường mối quan hệ năng lượng với Liên minh châu Âu như một cách để chống lại ảnh hưởng của Nga.

Tuy nhiên, do nhu cầu về khí đốt quá lớn mà những đơn hàng đi sang châu Âu nhiều hơn so với các quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, khi đó họ sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng hoặc phải tìm đến Nga. 

Theo dữ liệu của Refinitiv, trong tháng 6 năm nay, Mỹ đã xuất khẩu 57 bcm LNG trong đó 29 bcm được tương đương với 68% được chuyển sang châu Âu. Trước đó, trong cả năm 2021 chỉ có khoảng 34 bcm tương đương với 35% tổng xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu. 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khí đốt mà Mỹ chuyển đến châu Âu nhiều hơn cả năm 2021. Nếu tiếp tục xuất khẩu sang châu Âu với tốc độ tương tự trong nửa cuối năm 2022 thì tổng khối lượng tăng thêm so với năm 2021 sẽ lên đến 45 bcm.

Tuy nhiên, vào tháng 6, sau vụ hỏa hoạn khiến cơ sở nén khí Freeport LNG, nơi xử lý khoảng 20% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ bị đóng cửa vì hỏa họa thì tốc độ xuất khẩu đã dần chậm lại. Theo dự kiến, cơ sở này sẽ không thể quay về công suất bình thường cho đến cuối năm nay.

Theo các chuyên gia phân tích, một thách thức khác có thể xảy ra chính là mùa bão Đại Tây dương cao hơn mức trung bình hàng năm. 

Lợi nhuận cao hơn khi bán LNG cho châu Âu

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, sự thay đổi bất ngờ của dòng chảy khí đốt đang xảy ra do các chủ hàng sẵn sàng trả khoản tiền phạt theo hợp đồng vì không giao đủ khí đốt đến các nước như Pakistan. Thay vào đó, các lô khí hóa lỏng này sẽ được chủ hàng vân chuyển sang châu Âu, bán với giá cao hơn để bù đắp cho phí phạt hợp đồng mà vẫn đem về lợi nhuận lớn hơn. 

Các nhà phân tích từng nhận định rằng, mục tiêu của Tổng thống Biden trước đây là không thể thực hiện được. Tuy nhiên, ở thời điểm này, ngành công nghiệp khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ được thống trị bởi các công ty như Cheniere Energy và TotalEnergies đã tỏ ra mềm dẻo hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu. 

Theo Giám đốc năng lượng và khí hậu tại Eurasia Group, ông Henning Gloystein cho biết: “Ngành công nghiệp khí đốt đã trở nên linh hoạt hơn nhiều so với những gì mà hầu hết mọi người nghĩ vào 3 tháng trước đây”.


Bỉ hay Tây Ban Nha đã nhận được nhiều khí đốt hơn, trong khi đó Pakistan hay Bangladesh đang phải đối mặt với tình trạng mất điện kéo dài
Bỉ hay Tây Ban Nha đã nhận được nhiều khí đốt hơn, trong khi đó Pakistan hay Bangladesh đang phải đối mặt với tình trạng mất điện kéo dài

Tuy nhiên, trái ngược với những nước phát triển, các nước nghèo đang nhận được ít năng lượng hơn. Trong khi, mức nhập khẩu khí hóa lỏng LNG của Bỉ đã tăng 650% thì lượng khí đốt mà Pakistan nhận được từ Mỹ đã giảm đi 72% so với cùng kỳ năm trước.

Cho đến nay, trung bình giá khí đốt ở châu Âu là 34,06 USD/triệu đơn vị nhiệt của Anh (mmBtu) vào năm 2022 so với giá trung bình 29,99 USD ở châu Á và 6,12 USD tại Mỹ. 

Trong khi đó, giá trung bình năm 2021 chỉ là 16,04 USD ở châu Âu và 18 USD ở châu Á và 3,73 USD tại Mỹ.

Theo ông Ed Hirs, một nhà kinh tế năng lượng tại Đại học Houston cho biết: “Hàng hóa sẽ đi đến nơi mà thị trường yêu cầu”.

Vẫn không đủ khí đốt cho châu Âu

Chiến tranh Nga - Ukraine đã đẩy giá năng lượng tăng lên cao đến mức kỷ lục. Liên minh châu Âu đã cam kết cắt giảm ⅔ khí đốt của Nga trong năm 2022 bằng cách tăng cường nhập khẩu năng lượng của nước khác và sử dụng năng lượng tái tạo. 


Giá khí đốt Dutch TTF từ đầu năm 2021 đến hết ngày 24/7 (USD/MWh)
Giá khí đốt Dutch TTF từ đầu năm 2021 đến hết ngày 24/7 (USD/MWh)

Bất chấp nguồn cung khí hóa lỏng vượt kế hoạch ban đầu của Mỹ thì EU vẫn đang trong tình trạng bấp bênh khi bước vào mùa đông do Nga đe dọa vẫn sẽ tiếp tục cắt thêm nguồn cung khí đốt. 

Vào giữa tháng 6, Nga đã giảm 60% công suất khí đốt đi qua đường đống Nord Stream 1. Đến hôm 27/7, Gazprom dự kiến sẽ giảm công suất khí đốt qua đường ống này thêm 20% nữa với lý do tuabin bị hỏng.

Châu Âu hiện tại đang phải đối mặt với tình huống khó khăn khi phải vật lộn để tích trữ năng lượng để chuẩn bị cho mùa đông đang đến gần khi mà nguồn cung từ Nga giảm. Từ đầu năm đến nay, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước. Giá hợp đồng khí đốt tương lai giao tháng kế tiếp được thông báo trên trung tâm giao dịch TTF có trụ sở tại Hà Lan đã tăng hơn 10% trong phiên giao dịch ngày 26/7. Mức tăng này trong một phiên được coi là cao nhất kể từ đầu tháng 7 đến nay. Giá này đang ở mức cao hơn 430% so với cùng kỳ năm 2021. 

Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các nước thành viên cắt giảm 15% lượng khí đốt cho đến tháng 3 năm sau. Tổng thống Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng công bố kế hoạch sẽ lập một tổ công tác chuyên trách với mục đích cắt giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch đến từ Nga trong đó có cả khí đốt.

Ủy ban này có mục tiêu đảm bảo việc EU có thể nhận thêm khoảng 50 bcm LNG của Mỹ cho đến ít nhất là năm 2030 và trong năm nay dự kiến Washington có thể vượt qua con số này.

Hiện nay, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng khu vực này bị Nga tiếp tục cắt giảm khí đốt. Ngày 26/7, khối này đã phê chuẩn một kế hoạch khẩn cấp nhằm hạn chế việc tiêu thụ khí đốt trong khối. Tuy nhiên, mức này giảm ít hơn so với dự kiến ban đầu vì phải nhượng bộ cho một số quốc gia thành viên. Thỏa thuận này của Liên minh châu Âu không bao gồm 3 nước Ireland, Malta và Cyprus. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, sự dịch chuyển hàng hóa Mỹ sẽ không kéo dài được quá lâu vì giá cả ở châu Á và Nam Mỹ đang tăng lên, thu hút nhiều nguồn hàng hơn. Bên cạnh đó, khách hàng đang yêu cầu tòa án khởi kiện để buộc các doanh nghiệp này phải trả LNG theo đúng hợp đồng.

“Thực tế tàn khốc và khắc nghiệt là châu Âu đang đẩy giá LNG cao hơn phần lớn các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, về lâu dài, xu hướng này sẽ không bền vững và hiện tại đã gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng ở Nam Á”, ông Gloystein nói.

 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tập đoàn của ông Donald Trump muốn "rót vốn" đầu tư khách sạn, sân golf tại Hưng Yên

16 năm mới hoàn thành một nửa, lần gia hạn thứ 7 liệu có xong trục đường phía Nam Hà Nội

Cảng hàng không Sa Pa "vắng bóng" nhà đầu tư, vì đâu nên nỗi?

Mãn nhãn với Trung Villa - Bố trí không gian không vách ngăn độc đáo

Thanh Hóa ra "tối hậu thư", yêu cầu khởi công TTTM Aeon Mall trước ngày 10/10

Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh: Hoạt động hơn 10 năm vẫn chưa được cấp phép khai thác mỏ khoáng nóng

Bình Dương giải "cơn khát" nhà ở cho người thu nhập thấp bằng 3.000 căn NOXH

Dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi: Đỏ mắt tìm chủ đất để bồi thường giải phóng mặt bằng

Tin mới cập nhật

Thanh Hóa ra "tối hậu thư", yêu cầu khởi công TTTM Aeon Mall trước ngày 10/10

14 giờ trước

Tòa nhà chọc trời cao tầng nhất TP. HCM "soán ngôi" Landmark 81: Tựa cây tre vươn dài và sở hữu một khu rừng lơ lửng trên không

14 giờ trước

Tập đoàn của ông Donald Trump muốn "rót vốn" đầu tư khách sạn, sân golf tại Hưng Yên

14 giờ trước

16 năm mới hoàn thành một nửa, lần gia hạn thứ 7 liệu có xong trục đường phía Nam Hà Nội

14 giờ trước

Ngôi nhà 3,5 tầng ở Hà Nội không có giếng trời vẫn ngập tràn ánh sáng

14 giờ trước