Vụ hàng trăm căn hộ chung cư Phú Thạnh bị “siết": Chủ đầu tư cam kết trả nợ trong 3 năm
BÀI LIÊN QUAN
Chưa hết áp lực đáo hạn, trái phiếu bất động sản lại đối mặt với rủi ro lãi suấtBất ngờ khi nhìn vào bảng lợi nhuận quý II của doanh nghiệp bất động sảnHạ tầng phát triển thu hút giao dịch bất động sảnCông ty CP Xây dựng công trình 585 vừa phát đi thông cáo báo chí liên quan đến việc 214 hộ dân tại Chung cư Phú Thạnh (quận Tân Phú, TP.HCM) bị Ngân hàng TMCP Việt Á chi nhánh TP.HCM gửi thông báo “siết nợ”. Theo đó, công ty đã có buổi làm việc với lãnh đạo, công an phường Phú Thạnh, ngân hàng Việt Á và Ban quản trị chung cư để đưa ra phương án giải quyết những tồn tại của dự án.
Cam kết của chủ đầu tư
Được biết, chung cư Phú Thạnh có số lượng căn hộ là 833, trong đó công ty thế chấp sổ đỏ bằng hình thức tài sản hình thành trong tương lai 219 căn vào năm 2010. Trong quá trình hoạt động, có thời điểm thị trường bất động sản rơi vào trạng thái đóng băng, lãi suất ngân hàng lên tới 22-23%/năm khiến công ty gặp khó khăn trong việc thu xếp các khoản nợ với ngân hàng.
Đến tháng 11/2022, trước những khó khăn của doanh nghiệp, ngân hàng Việt Á đã đồng ý để chủ đầu tư thanh toán khoản nợ theo từng mã căn hộ và ngân hàng sẽ thực hiện giải chấp từ căn. Đến nay, công ty 585 đã xử lý được 6 căn trong đó có 1 căn mới được giải chấp hồi đầu tháng 6/2024.
Công ty 585 đề xuất ngân hàng Việt Á tiếp tục hỗ trợ công ty trong vòng 3 năm tới để công ty có thêm thời gian chuẩn bị bán các tài sản tương đương nhằm xử lý giải chấp 213 căn hộ còn lại (đến năm 2027). Do công ty 585 còn có nguồn tiền phải thu của cư dân 5% cuối cùng, tương đương khoảng 41 tỉ đồng.
Đồng thời khẳng định, cư dân không có trách nhiệm đối với ngân hàng, trách nhiệm thuộc công ty 585. Việc thế chấp 219 căn hộ này các dân cũng đều được biết.
Tại buổi làm việc, đại diện Ngân hàng Việt Á cho biết, Công ty 585 đã thể hiện thiện chí, phối hợp cùng ngân hàng để giải quyết. Đại diện ngân hàng Việt Á cho biết sẽ báo cáo ban lãnh đạo và gửi văn bản thống nhất đến các bên liên quan nhằm ổn định tình hình cư dân.
Về phía cơ quan chức năng, ông Võ Sơn Lâm – Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thạnh cũng đã đề nghị chủ đầu tư và ngân hàng phối hợp chặt chẽ để có hướng giải quyết xử lý 213 căn hộ còn lại, thường xuyên báo cáo tình hình các sự việc liên quan để chính quyền nắm được thông tin và có phương án giải thích với cư dân.
Ngân hàng và chủ đầu tư nên hòa giải
Trước đó, trao đổi với Đô Thị Mới, luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc bán nhà đã thế chấp, cơ quan chức năng cần đảm bảo được quyền và lợi ích cho người mua nhà, bởi họ là bên thứ 3 “ngay tình”. Các giao dịch của họ với chủ đầu tư là hợp pháp, được pháp luật bảo vệ.
Do đó, cần đảm bảo người dân vẫn được sử sở hữu nhà ở và nghĩa vụ trả nợ hợp đồng vay tài sản của chủ đầu tư cho ngân hàng vẫn được thực hiện. Để giải quyết triệt để tranh chấp này, cần sự thỏa thuận hợp lý giữa chủ đầu tư và ngân hàng, cần thương lượng, hòa giải để tìm hướng giải quyết.
“Theo tôi phía ngân hàng cần gia hạn thời hạn vay và giảm lãi suất cho chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư có tài sản khác cần đưa vào thực hiện nghĩa vụ đảm bảo để không ảnh hưởng tới nhà ở đã bán cho người dân”, luật sư Nguyễn Văn Đồng góp ý.
Từ thực trạng các chủ đầu tư vi phạm quy định về việc bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với dự án đã thế chấp, Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho rằng, các cơ quan chức năng như Sở Tài nguyên Môi Trường, Sở Xây dựng, UBND quận/huyện nơi có dự án cần tăng cường quản lý, giám sát để ngăn chặn sớm việc.
Đối với người dân khi đi mua nhà ở tại các dự án cần tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư, hồ sơ pháp lý của dự án, kiểm tra và biết rõ về dự án nhà ở mà mình đang tham gia giao dịch, nhà ở tại dự án có đủ điều kiện để giao dịch mua bán chuyển nhượng hay không trước khi giao dịch mua nhà với chủ đầu tư.