Vốn hóa Masan, Hòa Phát lao dốc mạnh vì cổ phiếu thủng đáy dài hạn
Theo Nhịp sống thị trường, phiên giảm điểm mạnh đã diễn ra trên thị trường chứng khoán 6/10 với chỉ số VN-Index giảm 29,74 điểm (- 2,69%), xuống mức 1.074 điểm sau phiên hồi 26 điểm trước đó. Toàn bộ các sàn chìm trong sắc đỏ, với 773 mã giảm và chỉ có 189 mã đi lên.
Theo đó, khi thị trường bắt đầu lao dốc từ hôm 23/9 đến hiện tại, chỉ số VN-Index đã giảm 140 điểm, ngang với mức giảm 11,5%.
Từ tháng 4 đến nay, thị trường chứng khoán bắt đầu giảm mạnh và cán mốc điểm quan trọng đã bị xuyên thủng dưới áp lực bán mạnh ở đa số các nhóm cổ phiếu, từ midcap, bluechip đến penny đều lao dốc so với hồi đỉnh, và thậm chí còn thủng đáy.
Cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group) kết thúc phiên 6/10 giảm giảm 4.700 đồng/cp, tương ứng giảm 5,1%, lao về mức 86.700 đồng/cp, thủng đáy hồi tháng 5 là 89.000 đồng/cp (sau chỉnh).
CTCP Tập đoàn Hoà Phát chứng kiến cổ phiếu HPG giảm 1.200 đồng/cp, ứng với giảm 6,2% về mức 18.000 đồng/cp. Giống như MSN, cổ phiếu HPG đã thủng mức đáy khoảng 20.500 đồng/cp.
Giá cổ phiếu HPG đã giảm 59% từ mức đỉnh tháng 10 năm ngoái đến nay. Theo đó, vốn hóa cũng giảm khoảng 150 nghìn tỷ đồng và vốn hóa HPG hiện còn khoảng 105 nghìn tỷ đồng. HPG thậm chí còn không giữ được vị trí nằm trong top 10 vốn hóa trên sàn giao dịch chứng khoán. Trong khi đó, vốn hóa MSN giảm 78 nghìn tỷ đồng, khi cổ phiếu MSN cũng giảm tới 39%.
Sự sụt giảm của cổ phiếu HPG xảy ra trong bối cảnh nhiều yếu tố không thuận lợi tác động đáng kể đến kết quả kinh doanh, nhất là giá thép. Cụ thể, một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong 2 năm qua của ngành thép và Hòa Phát là quý 2/2022. Trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào cao nhưng giá thép giảm đã khiến lợi nhuận ròng của doanh nghiệp ngành thép giảm 59% so với cùng kỳ, lao xuống mức còn khoảng 4.000 tỷ đồng.
Tuy giá thép xây dựng của Hòa Phát trong nước hiện đã tăng nhưng mức tăng lại khá nhỏ giọt khi chỉ từ 100 – 200 đồng/kg mỗi lần. Bên cạnh đó, yếu tố bất lợi khác là mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng, khiến cơ cấu tài chính của Hòa Phát chứng kiến nợ vay chiếm tỷ trọng lớn.
Ngoài ra, Hòa Phát còn đối mặt với nỗi lo tỷ giá tăng mạnh. Đồng USD riêng trong quý 2 đã liên tục tăng khiến doanh nghiệp chịu lỗ tỷ giá 1.100 tỷ đồng.
Trong khi đó, Masan lãi ròng trong 2 quý đầu năm khi trở lại mức 1.000 tỷ đồng. Doanh thu thuần của tập đoàn trong nửa đầu năm đạt 36.023 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ vì ảnh hưởng từ việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, Masan vẫn đạt 3.110 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm, tăng mạnh 123% so với cùng kỳ. Masan Consumer Holdings, Masan High-Tech Materials, Phúc Long Heritage đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng trên 2 con số.