Vì sao phân khúc bất động sản dành cho người trẻ tiềm năng nhưng bị "lãng quên"?
BÀI LIÊN QUAN
Sau cơn sốt, bất động sản Quảng Trị vẫn nhiều tiềm năngHết thời sốt đất, thị trường bất động sản Bắc Giang diễn biến thế nào?Tin dữ với ngành bất động sản sau khi hàng loạt ngân hàng Mỹ sụp đổNắm tiền tỷ cũng khó mua nhà
Vợ chồng anh Nguyễn Danh Huy (27 tuổi, làm việc tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) mới “góp gạo thổi cơm chung” được 2 năm. Tích cóp được chút tiền từ hồi mới ra trường đi làm, cộng với của hồi môn hai bên nội ngoại cho, vợ chồng anh Huy cũng dự định mua một căn hộ nho nhỏ có giá trên dưới 1 tỷ đồng để ở. Vợ chồng anh có 500 triệu đồng, còn dự định vay một nửa. Tuy nhiên, việc tìm nhà đã diễn ra từ đầu năm 2022 đến nay, họ vẫn chưa thể tìm được căn hộ nào vừa túi tiền lại có công năng sử dụng hợp lý.
“Số tiền trên dưới 1 tỷ đồng là rất lớn đối với vợ chồng tôi, những người trẻ. Tuy nhiên, ở Hà Nội, chừng ấy tiền thì chưa thể “sờ” được vào bất cứ căn hộ nào. Cũng rất muốn sở hữu căn hộ diện tích rộng hơn nhưng căn đo đong đếm lương của hai vợ chồng, tiền lãi, tiền sinh hoạt và sau này cả tiền nuôi con nữa thì không thể cố hơn. Vay 500 triệu đồng với lãi suất như hiện nay đã khiến chúng tôi đau đầu rồi”, anh Huy tâm sự.
Anh Huy cho biết, gần 1 năm qua, vợ chồng anh đi khảo giá những chung cư mới dây trên địa bàn Hà Nội, kể cả cách nội đô khoảng 10-12km. Tuy nhiên, không có chung cư nào ở mức trên dưới 1 tỷ đồng, kể cả căn hộ có diện tích nhỏ. Thế rồi nhiều người khuyên anh mua lại căn nhà tập thể diện tích khoảng gần 30m2. Nhưng vợ chồng anh rất lăn tăn vì ở nhà tập thể không phù hợp với người trẻ và các khu tập thể cũng đã xuống cấp và có thể phải di dời để cải tạo. Vì thế, anh Huy rất chăm chỉ săn các thông tin về dự án nhà ở xã hội, nhà bình dân mở bán. Những trong thời điểm này, để tìm được những dự án phù hợp với túi tiền của anh Huy chẳng khác nào mò kim đáy bể.
Trường hợp của anh Huy cũng không phải làm hiếm bên cạnh những người trẻ “liều lĩnh” khi sử dụng đòn bẩy quá nhiều để mua nhà. Có người sử dụng đến 70% tài chính từ ngân hàng để mua những căn nhà có giá lên đến 2,5-3 tỷ đồng. Khi công việc bị ảnh hưởng, không thể gồng nổi gốc và lãi, nhiều người đã lâm vào tỉnh cảnh đi cũng dở, ở không xong. Bán nhà thì không có tiền để tất toán, còn giữ lại thì không trả được gốc, lãi ngân hàng.
Vì thế, hiện nay, phân khúc nhà dành cho người trẻ rất hiếm. Họ không cần diện tích quá lớn, tuy nhiên, cần sự hiện đại và tiện dụng trong ngôi nhà của mình cũng như đồng bộ các tiện ích. Trong khi đó, các nhà phát triển bất động sản tại Việt Nam chủ yếu đi theo một mô hìn khi xây dựng bất động sản, khiến khách hàng không có sự lựa chọn.
Cách đây ít lâu, trên thị trường cũng xuất hiện những căn studio. Nhưng căn hộ kiểu này chỉ hợp với những người trẻ độc thân. Còn gia đình vợ chồng trẻ cộng thêm một đứa con nhỏ rất bất tiện khi ở căn hộ như vậy.
Đâu là “chướng ngại” của người trẻ khi mua nhà?
Theo số liệu mới nhất của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam vào năm 2022, nước ta có hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước. Trong khi đó, đội tuổi từ 25-35 được xem là khoảng thời gian vàng mua nhà dành cho những bạn trẻ. Và hiện nay, một thực tế cho thấy, nhiều người trẻ có nhu cầu sống ở chung cư.
Sáng 22/3, tại buổi đối thoại với thanh niên về chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, những người trẻ, người lao động, công nhân muốn mua nhà là rất khó. Bởi các phân khúc nhà ở hiện nay chủ yếu là nhà thương mại cao cấp. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tìm các giải pháp từ quỹ đất đến mức lãi suất và các căn hộ phù hợp để người trẻ có thể mua được nhà.
Về vấn đề này, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp phát triển bất động sản thường tập trung vào phân khúc cao cấp tại đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội. Tuy nhiên, phân khúc này thường chỉ có giới đầu tư tham gia. Trong khi đó, phân khúc nhà ở trung cấp dành cho những người trẻ từ dưới 30-35 không nhiều và không phù hợp với khả năng tài chính của họ. Dù trên thực tế, nhóm đối tượng này có nhu cầu mua nhà thực sự nhưng.
Cùng quan điểm, chuyên gia bất động sản Nguyễn Thanh Luân thông tin, cách đây không lâu, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đưa ra những số liệu thống kê đáng chú ý. Theo đó, mỗi năm có hơn 50.000 cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn chính vì thế, nhu cầu về nhà ở liên tục tăng cao. Tại Hà Nội, mỗi năm thành phố đón khoảng 120.000 trẻ em ra đời và 80.000 - 100.000 người nhập cư, gây áp lực lớn về nhà ở. Vì thế, những người trẻ và gia đình trẻ là tệp khách hàng rất lớn dành cho các nhà phát triển bất động sản.
“Có thể khẳng định, tiềm năng của phân khúc bất động sản dành cho người trẻ rất lớn. Nhiều người trẻ cũng đã tích cóp được trên dưới 1 tỷ đồng nhưng không biết mua nhà thế nào và mua nhà ở đâu. Vì phân khúc hợp túi tiền của họ không có. Nếu với lên nhà ở thương mại cao cấp thì lại phải gánh chịu lãi suất ngân hàng. Ngoài ra, họ mua nhà ở dự án mới phải chịu giá cao, nếu mua nhà cũ thì phải trả một lần. Và họ cũng không đủ tiền để trả một lần do các căn hộ dù ngoài trung tâm cũng đã có giá lên đến 1,5-18 rồi”, chuyên gia Thanh Luân nói.
Vị này chia sẻ thêm, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể khai thác vào phân khúc nhà dành cho người trẻ trong thời điểm này. Phân khúc này ít tính cạnh tranh và tính thanh khoản được dự báo sẽ cao hơn các phân khúc khác.