Vì sao gần 2.000 tỷ USD đã "bốc hơi" khỏi thị trường tiền mã hóa?
BÀI LIÊN QUAN
Giá Bitcoin hôm nay 8/9: Bitcoin đảo chiều tăng vượt ngưỡng 19.000 USD“Trắng tay” vì bitcoin và tiền ảo, giới đầu tư Mỹ đã tìm ra giải pháp để “lấy lại những gì đã mất”Nguyên nhân khiến Bitcoin chưa thể bật tăng trở lạiTheo Zing, dữ liệu của CoinMarketCap cho thấy, giá Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã mất mốc 19.000 USD/đồng, sụt giảm 72,58% so với ngưỡng kỷ lục 68.789 USD/đồng được thiết lập hồi tháng 11 năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 6.
Tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường cũng rơi xuống dưới ngưỡng 1.000 tỷ USD, bốc hơi gần 2.000 tỷ USD so với mức đỉnh hồi cuối năm trước. Không những thế, đà bán tháo đang lan rộng sang những đồng tiền mã hóa khác.
Thị trường tiền mã hóa điêu đứng
Cụ thể, giá Bitcoin đã mất mốc 19.000 USD sau khi thị trường chứng khoán toàn cầu đi xuống và đồng bạc xanh tiếp tục mạnh lên.
Trong khi đó, giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 thế giới đã lao dốc hơn 7% so với 24 giờ trước khi xuống 1.543 USD/đồng. Mức tăng trưởng của đồng Ether trong những tháng qua đã vượt xa Bitcoin.
Hiện tại, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với vấn đề lạm phát. Từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất tổng cộng 2,25 điểm phần trăm. Theo dự báo của giới đầu tư, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục mạnh tay trong việc tăng lãi suất trong thời gian tới.
Việc Fed thắt chặt chính sách đã thúc đẩy đà tăng của đồng bạc xanh, vốn đè nặng lên các tài sản rủi ro. Đồng thời, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng tăng mạnh.
Có thể thấy, giá Bitcoin biến động cùng chiều với cổ phiếu. Do đó, đà bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu đã lan sang cả lĩnh vực tiền mã hóa.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ cho biết giá Bitcoin lao dốc khi Chủ tịch FED Powell dường như không hề nao núng trong việc thắt chặt chính sách nhằm đối phó với lạm phát. Vị chuyên gia cho biết thêm, niềm tin của nhà đầu tư đã suy yếu sau khi Fed quyết liệt kìm hãm lạm phát, ngay cả khi phải trả giá bằng một cuộc suy thoái kinh tế.
Lãi suất tăng cao có thể khiến chi phí vay cũng như chi phí cơ hội của các khoản đầu tư rủi ro tăng lên. Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế xấu đi cũng đã tác động đến niềm tin và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư, đặc biệt với những nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Chỉ khi đồng USD giảm giá, Bitcoin mới có thể tăng trở lại
Chia sẻ với CNBC, ông Vijay Ayyar, Phó chủ tịch phát triển doanh nghiệp và quốc tế tại sàn giao dịch tiền mã hóa Luno cho rằng, môi trường vĩ mô vẫn bất ổn, trong khi đồng USD vẫn duy trì ở mức cao đã ảnh hưởng đến mọi tài sản rủi ro. Vị chuyên gia nói thêm rằng, chỉ khi sức mạnh của đồng USD giảm đi, các tài sản rủi ro như Bitcoin mới có thể tăng trở lại.
Bên cạnh môi trường vĩ mô gây bất lợi với các tài sản rủi ro thì thị trường tiền mã hóa cũng lao đao khi những dự án sụp đổ và các công ty phá sản đã giáng đòn lên toàn bộ ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, ông Mark Newton - chiến lược gia tại công ty nghiên cứu thị trường Fundstrat nhận định, việc giá Bitcoin rơi xuống dưới ngưỡng quan trọng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường trong ngắn hạn. Nhưng đồng thời đây cũng là cơ hội bắt đáy bởi giá vẫn ở trong chu kỳ tăng và được dự báo sẽ tăng cao vào tháng 11 tới.
Kể từ tháng 6, Bitcoin đã giao dịch trong phạm vi 18.000-24.000 USD/đồng. Theo ông Ayyar, nếu không rơi xuống dưới ngưỡng 17.500 USD/đồng, giá Bitcoin sẽ tiếp tục giao động trong phạm vi này.
Trong khi đó, Ether và các loại tiền mã hóa thay thế khác đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt Bitcoin. Cụ thể, sau khi lao dốc trong tháng 6 cùng giá Bitcoin, giá Ether đã có thời điểm tăng vọt lên gần 2.000 USD/đồng vào giữa tháng 8.
Ether được biết đến là đồng tiền mã hóa chính thức trong mạng lưới Ethereum. Được biết, mạng lưới này đang lên kế hoạch cho một đợt nâng cấp lớn trong tháng 9 này, việc này được kỳ vọng sẽ giúp hệ thống hoạt động hiệu quả hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư mới cũng như mang về lợi nhuận cao hơn.
Thời gian gần đây, mặc dù đã tăng trở lại xong Bitcoin vẫn giao dịch dưới ngưỡng 20.000 USD, trong bối cảnh thị trường tiền điện tử kém sôi động và giao dịch ảm đạm. Có vẻ đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới về vốn hóa ngày càng khó vượt qua mốc 20.000 USD, bất chấp trước đó từng phục hồi mạnh mẽ, đạt mốc 25.000 USD.
Trong vòng 1 tháng qua, Bitcoin đã chứng kiến 3 đợt điều chỉnh mạnh, lần thứ nhất từ 23.400 USD xuống 21.000 USD (ngày 19/8), lần thứ hai từ 21.400 USD xuống 20.000 USD (ngày 27/8) và gần đây nhất là từ 20.000 USD xuống 18.768 USD (ngày 7/9).Giá Bitcoin hiện chỉ còn cách mốc thấp nhất 2022 khoảng 1.000 USD giá trị. So với mốc đỉnh thiết lập hồi tháng 11/2021, mức thiệt hại của đồng tiền số này tiếp tục bị nới rộng lên 72,87%.
Trong khi vật lộn để vượt qua mức kháng cự 21.000 USD, Bitcoin lại bất ngờ rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 30/6. Joe DiPasquale - Giám đốc điều hành quỹ phòng hộ tiền mã hóa BitBull Capital cho biết, Bitcoin có thể sẽ kiểm nghiệm mức đáy ở phạm vi gần 18.000 USD.
Cùng giai đoạn, thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên 6/9 cũng đã ghi nhận sự biến động nhẹ. Trước những lo ngại Fed có thể tiếp tục mạnh tay trong cuộc chiến chống lạm phát, giới đầu tư bắt đầu có dấu hiệu thanh lọc danh mục và khiến các chỉ số giảm từ 0,4 - 0,7%.
“Từ góc độ kỹ thuật, thị giá của Bitcoin hiện tại vẫn khớp với dự đoán của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tìm cách tích lũy từ đây đến khoảng 15.000 USD”, DiPasquale nhận định.