VDSC: Xếp dỡ Hải An ước lãi sau thuế khoảng 200 tỷ đồng trong quý 3 năm nay
BÀI LIÊN QUAN
Giá cước vận tải xăng dầu dự báo tăng mạnh, doanh nghiệp nội địa nào sẽ được hưởng lợi?Sau 2 năm, giá cước vận tải biển chạm đáy, doanh nghiệp sẽ phải tăng trưởng bằng chính nội lực khi thị trường không còn lạc quanVận tải, du lịch tăng trưởng gấp đôi nhưng vẫn chưa phục hồi về mốc trước dịchMới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã có báo cáo cập nhật tình hình tài chính và kết quả kinh doanh, triển vọng của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã chứng khoán: HAH) trong thời gian tới.
Ước tính lãi sau thuế 200 tỷ đồng trong quý 3 năm nay
Theo Xếp dỡ Hải An, doanh thu của công ty trong 8 tháng đầu năm nay là 2.200 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế là 580 tỷ đồng. Với kết quả này, HAH đã lần lượt thực hiện được 92% kế hoạch doanh thu, đồng thời vượt 5% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Xếp dỡ Hải An cũng đánh giá, ngành hàng hải trong nửa đầu năm nay tương đối khởi sắc, điều này đã đóng góp chủ yếu vào kết quả lũy kế 8 tháng đầu năm của công ty. Tuy nhiên, kể từ khi Thượng Hải bị đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19 đã khiến nguồn nguyên vật liệu vốn được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam suy giảm đáng kể. Vì thế, kết quả kinh doanh của quý 3 năm nay nhiều khả năng sẽ không thể khởi sắc như nửa đầu năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 9% và 17% so với quý liền trước.
Trong quý 3 năm nay, Xếp dỡ Hải An dự kiến doanh thu sẽ là 850 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế tăng 115% và có thể đạt mức 200 tỷ đồng.
Liên doanh Zim – Hải An sắp sửa đi vào hoạt động
Cập nhật hoạt động từ đội tàu cho thấy, tàu Hải An City của HAH đã hoàn toàn sửa chữa vào ngày 27/9 tới sau khi gặp phải sự cố tại Bangladesh vào ngày 13/4. Công ty sau khi hoàn thành sửa chữa đã ban giao tàu lại cho phía đơn vị thuê là Công ty TNHH vận tải Samudera của Indonesia. Hợp đồng có thời gian ban đầu kết thúc vào tháng 9 năm nay. Thế nhưng sau khi xảy ra sự cố, phía Xếp dỡ Hải An sẽ bù đắp thời hạn bị ngừng cung cấp dịch vụ do sửa chữa. Vì thế, thời hạn thuê sẽ kéo dài cho đến tháng 1 năm sau.
Theo như kế hoạch mới, trước khi kết thúc hợp đồng trong khoảng từ 45 đến 60 ngày, công ty sẽ tiến hành tìm kiếm các đối tác để có thể tiếp tục cho thuê tàu Hải An City. Còn đối với tàu Akibo, công ty dự kiến nhận bàn giao vào tháng 11 tới. Tính đến thời điểm hiện tại, tàu đã được chuyển đổi quyền sở hữu, đang được một công ty Hàn Quốc thuê lại và phía đối tác này vẫn có nhu cầu để gia hạn hợp đồng.
Đáng chú ý, theo báo cáo của VDSC, đội tàu của Xếp dỡ Hải An hiện đang có tất cả 10 tàu, trong đó có tới 5 con tàu tự khai thác, bao gồm: Haian Park, Haian Time, Haian Bell, Haian Link và Haian View đang hoạt động trên các tuyến nội địa cùng với nội Á. Trong số 5 tàu cho đi thuê, chỉ có Hải An East là đã hết hạn thuê tàu vào ngày 16/9, dự kiến được đem đi thay thế cho hai tàu là West và Mind.
Đối với Công ty liên doanh vận tải container Zim – Hải An, hiện thủ tục pháp lý vẫn đang được tiến hành. Dự kiến, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hải Phòng sẽ cấp giấy phép kinh doanh vào nửa sau của tháng 10 năm nay. Vì thế, kế hoạch đưa tàu vào khai thác kể từ tháng 11/2022 sẽ bị lùi lại đến tháng 1 năm sau hoặc sau Tết Nguyên Đán 2022 vì cả Zim cùng với Hải An đều nhận ra rằng, tình hình xuất khẩu hàng hóa hiện nay vẫn chưa được thuận lợi. Dự kiến, liên doanh này sẽ hoạt động trong 20 năm, bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh kể từ năm 2023, kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận kể từ năm thứ 3 hoạt động, theo như báo cáo của VDSC.
Lợi nhuận năm 2023 khó tăng trưởng vì giá cước vận tải
VDSC cho biết, giá cước vận tải container nội địa tuyến Hải Phòng - TP.HCM trong quý 3 năm nay đã giảm từ 10 cho đến 15% so với quý trước đó. Vì thế, Xếp dỡ Hải An dự kiến trong quý 4/2022 vẫn chưa có sự cải thiện do nguồn cung hiện tại vẫn giữ nguyên và nhu cầu cũng sẽ tăng lên không nhiều.
Đối với tầm nhìn cho năm 2023, theo như dự báo của Xếp dỡ Hải An, giá cước vận tải nội địa nhiều khả năng vẫn tiếp tục giảm. Nguyên nhân bởi, một số tàu của các công ty nội địa sẽ hết hạn thuê ở bên ngoài, theo kế hoạch những tàu này sẽ được đưa về hoạt động ở thị trường nội địa. Điều này sẽ khiến nguồn cung tăng lên trong khi nhu cầu vẫn chưa có dấu hiệu bật lên.
Hiện tại, giá cước vận tải đối với các tuyến từ Việt Nam đến Mỹ, châu u cũng đã giảm 50% khi so sánh với thời điểm đầu năm. Theo công ty, giá cước vận tải biển quốc tế trong năm 2023 và 2024 vẫn sẽ tiếp tục suy giảm đáng kể. Còn về hoạt động cảng biển, theo như nhận định của các chuyên gia, ngành hàng hải trong cuối năm nay và năm 2023 sẽ không mấy khả quan. Nguyên nhân bởi, thương mại toàn cầu đã dần lắng xuống trong khi nền kinh tế của các quốc gia Mỹ, EU và Trung Quốc đều đang diễn biến khá phức tạp. Điều này khiến cho nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa trong ngắn hạn sẽ giảm xuống.
Bên cạnh đó, VDSC cũng nhận định, bước đầu hoạt động của liên doanh Zim – Hải An nhiều khả năng sẽ khá khó khăn, thậm chí sẽ lỗ trong những năm đầu. Vì thế, lợi nhuận sau thuế của Xếp dỡ Hải An trong năm tới khó có thể tăng trưởng.