VCBS dự báo ngành heo khởi sắc từ tháng 8/2023 nhờ giá heo tăng, đẩy biên lợi nhuận doanh nghiệp lên cao
BÀI LIÊN QUAN
Quý 1/2023 kinh doanh đầy khó khăn của các đại gia chăn nuôi: Loạt doanh nghiệp “rủ nhau” lỗ kỷ lụcNăm 2023 đầy kỳ vọng cho các doanh nghiệp chăn nuôi: Vẫn có những nỗi lo tiềm ẩnTốc độ tăng trưởng ngành thức ăn chăn nuôi bị kìm hãm bởi hai yếu tốNhịp sống thị trường thông tin, nhiều hộ chăn heo nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đã và đang trải qua một quý 2 đầy khó khăn. Nguyên nhân bởi, họ đang bị rơi vào thế gọng kìm do chi phí đầu vào tăng nhưng đầu ra lại chậm, nhu cầu giảm và giá neo ở mức thấp.
Theo như những gì ghi nhận được trong quý đầu năm, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết như BaF hay Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đều không có lợi nhuận từ mảng heo. Thậm chí, Dabaco (DBC) hay Hoà Phát (HPG) cũng đã báo lỗ kỷ lục.
Giá heo dự báo khởi sắc từ tháng 8
Bất chấp những diễn biến ở trên, nhiều chuyên gia cho rằng giá heo sẽ nhanh chóng phục hồi trong bối cảnh người dân bỏ đàn, nguồn cung giảm mạnh. Trong một báo cáo mới công bố, Công ty chứng khoán VCBS đánh giá, giá thịt heo được kỳ vọng sẽ tăng trở lại vào khoảng tháng 8 năm nay khi nguồn cung đang dần sụt giảm và sức mua tăng trở lại. Nhờ đó, biên lợi nhuận của những doanh nghiệp chăn nuôi lợn sẽ được cải thiện trong khoảng 6-41% qua các năm.
Bên cạnh đó, theo VCBS, tình trạng lạm phát đã hạ nhiệt từ cuối tháng 3 nên nhiều khả năng chi tiêu của người dân cũng sẽ sớm phục hồi. Tính đến cuối tháng 3 năm nay, tổng đàn heo trên cả nước là 24,66 triệu con, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 6,2%, đồng thời giảm 6% so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, lo ngại trước sự trở lại của dịch tả lợn châu Phi cộng thêm tiêu thụ thịt heo giảm trong bối cảnh lạm phát trong quý đầu năm nay được ghi nhận ở mức cao khiến hầu hết người nông dân đều quyết định không tái đàn.
Trong 3 tháng đầu năm, tổng lượng heo giống được nhập khẩu vào Việt Nam vẫn đang ở mức thấp, cụ thể là dưới mức 2.000 con. Đặc biệt, số lượng nhập khẩu hầu như không được ghi nhận trong tháng 3.
Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang dần mất thị phần
Dễ dàng thấy được rằng, các doanh nghiệp nuôi quy mô công nghiệp đang dần lấy được thị phần từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo nhận định của VCBS, giá lương thực và chi phí thức ăn chăn nuôi trong năm 2022 đã tăng cao. Do đó, để nuôi một con heo hơi từ 10kg lên 100kg trung bình mỗi hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải mất tối thiểu 4,7 triệu đồng mới có thể hòa vốn.
Trong năm 2022, giá thịt heo cũng có xu hướng giảm. So với các trại chăn nuôi chuyên nghiệp, giá thịt heo của các hộ nông dân cũng không được cao như thế. Điều này khiến nhiều người nông dân quyết định bỏ nuôi. Năm 2022, tỷ lệ nguồn cung thịt heo từ hộ nông dân chỉ còn chiếm khoảng 38% trong tổng nguồn cung của cả nước.
Ngoài ra, các trại heo công nghiệp để nuôi 1 con heo hơi từ 10kg lên 100-125 kg chỉ tốn kém 4,2 triệu đồng chi phí. Với mức giá thịt heo trung bình thời điểm hiện tại là khoảng 52.700 VND/kg, EBITDA vào tháng 5 của các trại chăn nuôi chuyên nghiệp trong nước có thể cải thiện lên mức 990.000 VND/heo hơi 100kg.
Trong năm qua, dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh cũng khiến cho người dân không có nhu cầu tái đàn. Chính vì thế, giá heo giống đã giảm mạnh 36%, xuống mức 1,27 triệu VND/ con (7-10kg). Đến 3 tháng đầu năm nay, giá heo giống đã bắt đầu tăng nhẹ 6%, lên mức 1,31 triệu VND/ con (7-10kg) do tổng đàn sụt giảm trong khi giá heo hơi trong nước bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ từ tháng 4/2023 ở mức khoảng 1.000-2.000 VND/kg.
Chủ tịch BAF - ông Trương Sỹ Bá cho biết, ngành bây giờ là phải sống chung với dịch. Giá thấp cộng thêm dịch bệnh, thua lỗ đã khiến nhiều hộ chăn nuôi bỏ đàn… và đây chính là cơ hội cho công nghiệp chăn nuôi phát triển, trong đó có cả BAF.
Trong tương lai, tiềm năng cho thị trường thịt heo ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều. Theo như thống kê, người dân Việt Nam trong giai đoạn 2016-2022 đang có xu hướng chuyển sang tiêu thụ những loại thịt cao cấp hơn, bao gồm thịt bò, gia cầm và các loại hải sản, đồng thời giảm tiêu thụ thịt heo.
Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đã tăng liên tục từ 3% đến 9%, từ mức 2.761 USD/người năm năm 2016 lên con số 4.100 USD/người/năm trong năm 2022. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thịt heo vẫn là nguyên liệu hàng đầu cho nhiều món ăn truyền thống của người châu Á nói chung và người Việt nói riêng, thế nên xu hướng giảm về tiêu thụ thịt heo cũng sẽ chững lại ở mức nhất định.
Liên quan đến vấn đề này, dự báo của OECD cho thấy, Việt Nam sẽ đứng thứ 2 tại châu Á (chỉ sau Trung Quốc) về việc tiêu thụ thịt heo. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng hằng năm tại Việt Nam là 3,1% trong giai đoạn 2022-2030.
Bên cạnh đó, Fitch Solution cũng dự báo rằng, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt heo của Việt Nam ở trong giai đoạn 2018-2026 sẽ tăng lên mức 25%. Đặc biệt, tiêu thụ thịt heo bình quân tại Việt Nam cho đến năm 2026 được dự đoán sẽ là 31kg/người.