Vật liệu xây dựng chưa giảm - Giá bất động sản sẽ còn tăng
“Bão giá” vật liệu xây dựng
Tại Hội nghị trao đổi khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước và các giải pháp tháo gỡ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Nghị nhận định: Thời gian gần đây, do tác động tiêu cực trong và ngoài nước, giá cả các mặt hàng năng lượng, vật tư, nguyên liệu sản xuất đã tăng đột biến và liên tục biến động.
Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2021, giá bán xi măng trong nước đã tăng thêm 13,7%, tăng thêm khoảng 40.000 - 80.000 đồng/tấn, dao động từ 900.000đ đến 1.800.000đ/tấn tùy từng thương hiệu. Nguyên nhân được Bộ Xây dựng nhận định là do chi phí đầu vào của các nguyên liệu sản xuất như than, điện, vỏ bao và xăng dầu… đều tăng cao, khiến ngành xi măng dù dư cung cũng không thể giảm giá.
Tình trạng tăng giá cũng bắt gặp ở các loại vật liệu xây dựng khác: gạch nung tăng khoảng 500 đồng/viên; cát vàng tăng thêm khoảng 20.000 đồng/m3; các loại đá xây dựng (đá đen, đá xanh, sỏi xây dựng) tăng khoảng 10.000 đồng/m3.... Ngoài ra, giá các mặt hàng trang trí nội thất cũng tăng khoảng 20% so với thời điểm đầu tháng 4.
Đáng chú ý, “bão giá” thép trong quý 1/2022 đã khiến nhiều nhà đầu tư choáng váng khi chạm mốc gần 21 triệu đồng/tấn vào cuối tháng 3, vượt xa đỉnh cũ từ năm 2021. Tính từ đầu tháng 6 đến nay, sản phẩm này đã hạ giá 3 lần liên tiếp. Trong đó, thép miền Nam có mức giá cao nhất với thép thanh vằn D10 CB300 gần 17,5 triệu đồng/tấn. Chưa kịp mừng trước tín hiệu hạ nhiệt, theo dự kiến của một số công ty thép, thời gian sắp tới có thể giá sản phẩm này sẽ tăng trở lại (tăng thêm khoảng 300.000 đồng/tấn), do giá nguyên vật liệu thế giới đã bắt đầu tăng.
Theo Giám đốc Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nam - ông Lương Ngọc Tuấn, song song với vật liệu xây dựng, lương nhân công cũng tăng đáng kể: thợ chính từ 500.000 đồng lên 550.000 đồng/người/tháng; thợ phụ từ 350.000 đồng lên 400.000 đồng/tháng. Điều này kéo theo giá xây dựng nhà ở cũng sẽ tăng cao. Nếu năm 2021 tổng chi phí xây dựng riêng phần thô chỉ khoảng 3,6 - 3,8 triệu đồng/m2 thì nay phải tốn 4,5 triệu đồng/m2.
Đáng lo hơn, “bão giá” vật liệu xây dựng đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình hạ tầng theo vốn ngân sách. Báo cáo của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải và các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải cho biết, giá thành xây dựng của gói thầu xây lắp cũng biến động theo giá vật liệu xây dựng, dự kiến tăng khoảng 12 - 18%.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - ông Lê Viết Hải, tại Úc, ảnh hưởng của cơn sốt giá các loại vật liệu xây dựng khiến nhiều công ty xây dựng gặp khó khăn, thậm chí, một doanh nghiệp nằm trong top 10 lớn nhất Úc cũng bị phá sản. Các nhà thầu, thông thường, sau khi ký hợp đồng xây dựng sẽ chốt mua vật tư, thế nhưng, giá các loại vật liệu tăng nhanh dẫn đến việc nhà thầu thiếu nguyên vật liệu hoặc phải mua với giá cao hơn. Những khoản chênh lệch so với số vốn ban đầu khiến nhiều doanh nghiệp bỏ công trình vì không đủ khả năng đáp ứng.
Giá BĐS buộc phải tăng theo
Bà Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Thăng Long cho biết: Chỉ riêng sắt thép đã tăng giá khoảng 30% so với thời điểm cuối năm 2021. Bên cạnh đó, các loại vật liệu xây dựng khác cũng đồng loạt tăng theo. Các chi phí cộng dồn khiến mỗi căn hộ, giờ đây, phải tăng thêm khoảng vài chục triệu đồng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư LDG chia sẻ: Trong bối cảnh hầu hết các loại vật liệu xây dựng đều tăng giá, để các dự án theo kịp tiến độ, các chủ đầu tư buộc phải điều chỉnh giá bán bất động sản. Trên thực tế, các dự án quảng cáo gần đây đều điều chỉnh giá tăng 10 - 15% so với dự kiến.
“Giá bất động sản cũng sẽ phải tăng theo chứ không có cách nào khác”, ông Hưng nhận định.
Cũng nói về điều này, Tổng giám đốc Đất Xanh miền Bắc, ông Vũ Cương Quyết phân tích, trong cơ cấu giá chung cư, tiền đất chỉ chiếm 25% và 75% còn lại là chi phí cho vật liệu xây dựng. Hiện nay, giá vận chuyển, giá sắt thép, xi măng và giá vật liệu hoàn thiện đều tăng mạnh khiến giá chung cư bị đội lên rất nhiều.
Theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính, trong bối cảnh Chính phủ đang đưa ra nhiều chính sách để khôi phục phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, việc giá vật liệu xây dựng tăng đang cho thấy sự mâu thuẫn.
"Chính phủ cần có chính sách điều tiết lại bài toán chi phí của ngành vật liệu xây dựng, đồng thời điều chỉnh thị trường vật liệu xây dựng, làm sao "làm chủ" được giá thành từ việc sản xuất đến cung ứng", ông Đính nhấn mạnh.
Đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế cho thấy, lĩnh vực bất động sản trong nước năm 2022 phải đối mặt với rất nhiều thách thức như lạm phát, giá năng lượng, nguyên liệu tăng cao; sửa đổi Nghị định 153, Chính phủ tiến hành rà soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp; các cuộc đấu giá đất tạo ra mặt bằng không lạnh mạnh trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt, dẫn đến giá bất động sản liên tục tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.