Tỷ phú Elon Musk và loạt CEO cảnh báo nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái sớm
Tỷ phú Elon Musk dự cảm về sự suy thoái
Mới đây, tỷ phú Elon Musk đã cảnh báo về nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái rất lớn tại Diễn đàn Kinh tế Qatar ở Doha. Nhà kinh tế Nouriel Roubini cũng có cùng nhận định khi chia sẻ với tờ Bloomberg ở một sự kiện khác.
Theo đó, ông chủ Tesla suy đoán rằng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Trích lời Elon Musk: “Đến một thời điểm nào đó, nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái là điều không thể tránh được. Tôi e là suy thoái sẽ đến trong tương lai gần”.
Musk lưu ý rằng: “Mặc dù không phải là điều chắc chắn nhưng nhiều khả năng điều này xảy ra”. Theo thông tin từ Reuters, người đàn ông giàu nhất hành tinh đã chia sẻ với giám đốc Tesla vào đầu tháng này rằng ông đang có dự cảm rất tiêu cực về nền kinh tế của Mỹ.
Trong khi đó, nhà kinh tế Nouril Roubini - CEO của hãng tư vấn Roubini Macro Associates cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể bước vào suy thoái vào cuối năm 2022. Ông cho biết “chúng ta đang ở rất gần với bờ vực của suy thoái”.
Vị chuyên gia cho biết các dữ liệu về doanh số bán lẻ, niềm tin của người dùng, hoạt động sản xuất và thị trường nhà ở đều đang chứng kiến mức sụt giảm đáng kể, trong khi đó, tỷ lệ lạm phát lại càng lớn lên mức đỉnh điểm trong hơn 40 năm.
Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong báo cáo vào đầu tuần này. Ông đã hạ dự báo từ quý III năm nay đến quý I năm sau, lần lượt xuống mức 1,75%, 0,75% và 1%. Tuy nhiên vẫn giữ nguyên dự báo của mình về mức tăng trưởng quý II ở mức 2,8%.
Bên cạnh đó, Goldman Sachs cũng khẳng định rằng suy thoái kinh tế đang đến rất gần và nguy cơ ngày càng tăng lên. Theo đại gia phố Wall này, khả năng suy thoái trong năm tới của Mỹ đã tăng từ 15% lên mức 30%. Trong trường hợp Mỹ không rơi vào suy thoái năm nay thì khả năng sẽ bị suy thoái vào năm sau là 25%.
Về cơ bản, 48% là xác suất nền kinh tế Mỹ sẽ lao dốc nghiêm trọng trong vòng 2 năm tới. Con số này đã tăng đáng kể so với mức 35% trước đó. Theo các chuyên gia: “Hiện tại, nguy cơ suy thoái cao hơn và giai đoạn đầu có thể bị thiệt hại nghiêm trọng hơn”.
Theo các nhà phân tích, “kịch bản tăng trưởng cơ bản của Goldman Sachs là lý do cốt lõi của chúng tôi, hiện đã thấp hơn. Chúng tôi e ngại rằng Fed sẽ cảm thấy buộc phải có những phản ứng mạnh tay với lạm phát và mong rằng lạm phát tiêu dùng giảm nếu giá năng lượng tiếp tục tăng cho dù hoạt động kinh tế có phần chững lại”.
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nhanh chóng tăng cường thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm có thể chế ngự lạm phát đang ở mức đỉnh của hơn 40 năm. Theo đó, lãi suất được các nhà hoạch định chính sách tăng thêm 75 điểm cơ bản. Đây là mức tăng mạnh nhất từ năm 1994.
Trong khi đó, sau cuộc trò chuyện cùng cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Larry Summers vào đầu tuần này, Tổng thống Joe Biden cho biết nguy cơ suy thoái không thể tránh khỏi.
“Thuốc độc” của nền kinh tế thế giới
Ở một mặt khác, ngoài gióng lên những cảnh báo về thực trạng của nền kinh tế Mỹ, các chuyên gia cũng nêu ra rằng suy thoái có thể xảy ra trên phạm vi toàn cầu.
CEO Christian Sewing của Deutsche Bank cho biết việc các ngân hàng Trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát khiến châu Âu cũng phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế.
Vào tuần trước, các ngân hàng như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Quốc gia Thuỵ Sĩ (SNB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều đã chuyển sang trạng thái chống lạm phát dù mức độ điều chỉnh chính sách khác nhau.
Tại khu vực đồng Euro, lạm phát giá tiêu dùng đã đạt mức cao kỷ lục là 8,1% trong tháng 5 vừa qua. Theo CNBC, ECB đã xác nhận ý định bắt đầu triển khai việc tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 7 tới.
Châu Âu có vị trí gần sát với Ukraine và khu vực này cũng phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng của Nga. Bởi vậy cuộc xung đột tại Ukraine sẽ khiến EU bị tổn thương vì dòng chảy khí đốt bị cắt đứt.
Ông Sewing chia sẻ với CNBC rằng: “Có một điều rõ ràng rằng Châu Âu sẽ rơi vào suy thoái sớm hơn và khả năng này là cao hơn nếu Nga đột ngột dừng xuất khẩu khí đốt sang khu vực Lục Địa già. Điều đó không cần phải nghi ngờ gì nữa”.
“Về cơ bản, sẽ có một tình huống thách thức đến mức xác suất xảy ra suy thoái ở Đức hay ở châu Âu vào năm 2003 cao hơn hẳn so với trước đây”.
CEO Deutsche Bank nói tiếp: “Đây không phải là ảnh hưởng của cuộc chiến kinh khủng này, mà hãy nhìn vào ảnh hưởng của chính sách tiền tệ, nhìn vào lạm phát”.
Nguồn cung toàn cầu đang bị tắc nghẽn vì nhu cầu hàng hóa tăng lên sau đại dịch và chính sách zero Covid khắc nghiệt tại Trung Quốc, bên cạnh những ảnh hưởng của lạm phát bắt nguồn từ xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Vị CEO nói thêm: “Tình trạng hiện nay rất đáng lo ngại bởi lẽ có tới 3-4 động lực cùng ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu. Khả năng kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái là rất cao vì áp lực đang dồn nén rất lớn”.
CNBC cho biết lạm phát chính là điều mà ông Sewing e ngại nhất. “Tôi phải công nhận rằng thứ khiến tôi sợ nhất là lạm phát. Cũng vì thế mà tôi cho rằng tín hiệu nhận được từ ngân hàng Trung ương như ECB và Fed là rất đúng.
Ông Sewing đưa ra nhận định: “Suy cho cùng, lạm phát là thuốc độc nguy hiểm nhất đối với nền kinh tế thế giới lúc này và chúng ta cần phải chống lại lạm phát”.