Từ hai bàn tay trắng, nhà môi giới BĐS chuyển hướng sang đầu tư thu về khoản tiền 120 tỷ sau 12 năm
BÀI LIÊN QUAN
Bí quyết trở thành triệu phú của người đàn ông 37 bằng nghề môi giới BĐS: Từ 500 USD gây dựng nên sự nghiệp lẫy lừngChuyên gia khuyến nghị: Nhà đầu tư cần cẩn trọng trước "chiêu trò" tạo sóng của môi giớiNgười dân quê quyết “bỏ nghề” đi làm môi giới BĐS khi sốt đất diễn raKhó khăn nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề
Đây là câu chuyện của nhà đầu tư Nguyễn Văn Phước, anh đã có thời gian làm môi giới bất động sản sau đó chuyển hướng sang đầu tư khu vực miền Trung. Nhà đầu tư này chia sẻ: "Ra trường, tôi quyết định trở thành một môi giới, dù khi đó, người ta nhìn môi giới với danh phận của cò miệt thị. Nhưng đã xác định thì phải xuống tiền đầu tư. Nhưng muốn đầu tư thì phải bắt đầu tư bất động sản vì đó là con đường nhanh nhất. Lúc đó tôi nghĩ như vậy vì thấy nhiều người giàu từ bất động sản".
Được biết, sau 3 năm làm môi giới và chật vật bon chen với thương trường, số tiền mà anh Phước kiếm được không bằng số tiền nợ gánh trên vai. Vào thời điểm đó, miền Trung sốt đất nên môi giới rất đông, thị trường cũng có sự cạnh tranh lớn. Thậm chí, môi giới còn cướp hoa hồng của nhau và làm đủ mọi cách để hạ bệ đối phương, tranh khách. Anh Phước nhớ lại: "Tôi nhớ, khi mình chốt được khách hàng, nhận cọc rồi mà còn bị anh em môi giới phao tin, tạo tin đồn với chủ đất để tôi không ký được hợp đồng".
Khi làm nghề, môi giới phải đối mặt với cạm bẫy từ khách hàng, từ chủ đất. Nhất là khi sốt đất, chiêu trò giăng mọi nơi. Nếu như không cẩn thận thì môi giới chỉ có đi đền cọc cho khách hàng. Không được chủ đất trả tiền hoa hồng cũng chỉ là chuyện nhỏ nhưng bị chủ đất và khách hàng bắt tay nhau lừa mới là chuyện lớn. Bởi vì mới ra trường không kiếm được tiền nên phải bỏ tiền ra đền cọc là rất khổ.
Đến năm thứ tư thì anh Phước mới bắt đầu có cơ hội đầu tư nhờ sự hỗ trợ từ những người mới quen. Anh Phước tâm sự: "Thương vụ đầu tiên, tôi cọc 100 triệu đồng cho lô đất có vị trí đẹp và chốt lời tới hơn 400 triệu đồng sau 7 ngày. Nhưng đó là đúng vào thời điểm thị trường sốt đất năm 2010. Chưa được mừng bao lâu thì năm 2011 thị trường lại bất ngờ lao dốc. Giai đoạn năm 2011 - 2013 tôi sống chật vật khi giá trị bất động sản giảm, người ta cũng chẳng mấy mặn mà với bất động sản". Tuy có khó khăn nhưng anh Phước vẫn không bỏ nghề bởi vì đơn giản anh vẫn chưa đạt được mục tiêu "làm giàu từ bất động sản".
Thay đổi cách thức làm việc và gặt được quả ngọt
Đến cuối năm 2013, anh đã quyết định chung vốn làm ăn. Để có tiền anh Phước đã vay ngân hàng, đầu tư sim số đẹp với mức giá 60 triệu đồng. Anh nghĩ, để bán được hàng thì mình cần phải có số đẹp giống như chủ đầu tư.
Và đúng như thế, nhờ có số đẹp mà công việc của anh cũng thuận buồm xuôi gió. Anh Phước nhớ lại: "Để bán được hàng tôi quây biển xung quanh dự án của mình, in kín số điện thoại. Khi chỉ có 2 - 3 tỷ vốn thực trong tay, tôi cứ vay dần. Có thời điểm số tiền tôi vay bằng với tổng số đất của tôi".
Theo anh Phước, cứ trung bình một lô đất anh sẽ vay từ 80 - 90%. Nhờ 4 năm thị trường khởi sắc mà anh chỉ mua đi, bán lại mà lãi tới chục tỷ/lô. Khi đó, anh còn buôn cả đất ven biển. Và đến cuối năm 2019, anh Phước đã có trong tay 120 tỷ tài sản, sau đó thì anh quyết định bán hết hàng và chỉ đầu tư một vài lô đất đẹp rồi giữ tiền mặt.
Khi nhìn vào tổng số tài sản của mình, anh Phước cho biết: "Nói thực, với tôi giờ thêm hay bớt 1 tỷ đồng đã không còn quan trọng. Nhưng nhìn lại thời gian 5 năm đó, với vai trò là nhà đầu tư tôi mới thấy để có từng đấy tiền là sự đánh đổi rất lớn. Các chiêu trò lọc lõi, các mối quan hệ xã giao bủa vây. Chỉ khi tôi trở thành nhà đầu tư thì mới thấm hết các chiêu trò ra sao, như thế nào và sự bát nháo của thị trường".
Có thể thấy, khi thị trường lên, khi có sốt đất thì các nhà đầu tư lâu năm có đủ các thủ thuật để mua đi bán lại và chốt lời. Việc mua bán cọc là câu chuyện như cơm bữa ở thị trường có sốt đất. Chính vì thế mới có câu chuyện nhiều người dân "ngậm trái đắng" vì bị mất cọc. Hay đơn giản là khổ nhất những nhà đầu tư đi viết cọc thuê vì pha bẻ cọc của chủ đất. Đáng sợ hơn chính là cách bán cọc, bùng cọc để đẩy nhiều người rơi vào cảnh phải đền cọc. Anh Phước bộc bạch: "Tôi nhớ có đợt anh em nhà đầu tư và môi giới đi đền cọc liểng xiểng, có người viết cọc thuê cả đợt bởi vì chủ và khách bẻ cọc và bùng mất".
Đến hiện tại, khi ngẫm lại thì anh Phước nghĩ mọi thứ đều sẽ có sự công bằng, có nhân có quả. Anh Phước nhấn mạnh: "Tiền nhiều để làm gì khi con cái không được bố mẹ chăm sóc? Tiền nhiều để làm gì khi chính tôi tận mắt chứng kiến đời bố kiếm nhiều tiền thì đến đời con lại hết? Tiền nhiều để làm gì khi gia đình không có hạnh phúc? Tiền nhiều để làm gì khi luôn chìm đắm trong việc sống sai với đạo đức?".
Anh Phước quả quyết: "Đó chính là lý do tôi quyết định rời thị trường, điều mà không ai tin được. Với người lâu năm sống bởi nghề bất động sản như tôi thì rất khó có thể ra khỏi thị trường. Nhưng tôi nghĩ nếu không rút khỏi thị trường lúc này thì khi nào mới kết thúc".