TS. Nguyễn Văn Đính: Không phải ai mua thêm bất động sản thứ hai cũng bị siết thuế
BÀI LIÊN QUAN
Tranh cãi chuyện đánh thuế bất động sản để chặn đầu cơTiên phong chuyển đổi số bất động sản, Meey Group ghi danh ấn tượng tại Dot Property Vietnam Awards 2024Nhiều doanh nghiệp bất động sản "lạm dụng" đòn bẩy dẫn đến rủi ro thanh toán nợMới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất việc đánh thuế đối với những người sở hữu và sử dụng nhiều nhà đất, nhằm mục đích hạn chế đầu cơ, mua bán nhanh chóng để kiếm lợi nhuận. Đề xuất này được Bộ Tài chính ủng hộ và cho biết sẽ nghiên cứu việc áp thuế với những người sở hữu nhiều nhà đất.
Không đánh đồng tất cả
Lý giải những tranh cãi trong dư luận thời gian gần đây, TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch VARS cho biết, thuế là công cụ điều tiết hành vi, không nhằm mục đích làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Không phải ai mua thêm bất động sản cũng bị siết thuế. Việc sở hữu bất động sản, dù là hai hay nhiều hơn, nếu được sử dụng đúng mục đích và chức năng thì hoàn toàn hợp pháp.
Ông Đính dẫn ví dụ, khi một người có tài chính và mua bất động sản với mục đích để dành cho con, trong lúc chưa sử dụng, tôi có thể cho thuê để ở hoặc kinh doanh, giúp giải quyết nhu cầu về nhà ở và đóng góp thuế vào ngân sách nhà nước. Hoặc trong trường hợp có 2 -3 căn nhà cho thuê làm cơ sở y tế, trường mầm non, siêu thị mini ở những nơi còn thiếu dịch vụ.
Những hành vi này không chỉ hợp lý mà còn góp phần tạo thêm việc làm và gia tăng dịch vụ thiết yếu, từ đó giúp phát triển xã hội và đóng góp ngân sách nhà nước. Mục đích lớn nhất của việc đánh thuế nên là tạo ra giá trị cho xã hội, không để hoang hóa tài nguyên. Theo đó, chính sách thuế cần được xem xét cẩn thận dựa trên nguyên tắc này.
Đồng tình, ông Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp, Giám đốc chương trình Thạc sĩ Tài chính & Kế toán, Đại học Bristol cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những biện pháp khác nhau để đánh thuế người mua nhà như Singapore, Hàn Quốc, Anh…nhưng thị trường bất động sản tại đây đều phải đối mặt với việc giá nhà tăng cao liên tục, khiến người trẻ ngày càng khó sở hữu nhà.
Dựa trên những kinh nghiệm này, ông Tuấn nhận định, việc đánh thuế căn nhà thứ hai có lẽ sẽ không giúp giảm giá nhà như mong đợi nhưng có thể hiệu quả trong việc hạn chế tình trạng mua đi bán lại nhiều lần mà Bộ Xây dựng đang muốn hướng tới.
Chẳng hạn như ở Anh, việc phải nộp thuế 5 – 12% giá trị giao dịch sẽ khiến những người sử dụng đòn bẩy tài chính phải bỏ ra số tiền lớn ban đầu, khiến việc lướt sóng trở nên khó khăn. Nếu lợi nhuận không tương xứng, người ta sẽ có xu hướng giữ nhà lâu hơn thay vì mua bán ngắn hạn.
Phát triển nguồn cung nhà ở vừa túi tiền
Bàn về vấn đề giá nhà tăng chủ yếu là do nguồn cung hạn chế và không đa dạng, trong khi nguồn cầu lớn, ông Đính khẳng định, việc quan trọng của thị trường là phải điều chỉnh cân đối cung cầu, giải quyết các dự án bị tắc nghẽn và thúc đẩy các dự án mới để gia tăng nguồn cung.
Chỉ khi nguồn cung dần đáp ứng nhu cầu, giá nhà mới có thể điều chỉnh phù hợp. Điều này giúp người lao động dễ dàng tiếp cận nhà ở, đất đai hơn, vì sở hữu và kinh doanh bất động sản là quyền lợi chính đáng của mỗi người.
Một số quan điểm cũng cho rằng, nếu nguồn cung nhà ở không tăng tương ứng, đặc biệt ở các đô thị lớn, các chi phí từ thuế và phí sẽ được chuyển sang cho người thuê và người mua sau đó. Điều này khiến cho việc thuê và mua nhà trở nên ngày càng đắt đỏ và người mua nhà lần đầu ngày càng khó khăn hơn.
Điều này được thể hiện rõ ở Trung Quốc, dù giá nhà trung bình đã giảm trong những năm qua, chi phí thuê nhà và điều kiện sống vẫn là vấn đề lớn. Cuối tháng 9 vừa qua, quốc gia này đã tung nhiều gói kích thích giúp người dân dễ dàng hơn khi sở hữu từ ngôi nhà thứ 2 như nới tín dụng, chính sách đặt cọc…nhưng vấn đề nhà ở và chi phí thuê vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Hay như tại Anh, việc đánh thuế nhà ở tại Anh là tầng lớp trung lưu, những người đã tích lũy và muốn đầu tư vào nhà cho thuê, đang gặp khó khăn do chi phí ban đầu cao. Trong khi đó, các tập đoàn tài chính lớn đã “lấn sân” sang lĩnh vực cho thuê với mức phí và giá cao. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Anh mà còn ở Singapore. Kết quả là tiền bạc và tài sản ngày càng tập trung vào tay số ít người giàu và các quỹ đầu tư lớn.
Do vậy, ông Hồ Quốc Tuấn nhận định, việc đánh thuế lên người sở hữu nhiều nhà sẽ không phải là giải pháp "đũa thần" cho vấn đề giá nhà nhưng không có nghĩa là không nên thực hiện, bởi vẫn có thể giúp hạn chế tình trạng đầu cơ. Vấn đề mấu chốt để giải quyết giá nhà là phải tăng cung nhà ở vừa túi tiền cho người mua lần đầu, để họ không phải chờ đợi hơn 20 năm mới có thể sở hữu nhà.