TS. Nguyễn Minh Phong: “Bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục nóng trong 3 – 5 năm tới"
BÀI LIÊN QUAN
Cuộc giao dịch bất động sản “tình cờ” trong dịp du xuân đầu nămNhiều nhà đầu tư rủ nhau đi bắt đáy sau TếtNửa đầu năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ im lìmBất động sản công nghiệp vẫn “sống khỏe”
Thị trường bất động sản được xem là vẫn đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ vấn đề pháp lý khiến các dự án chậm trễ, là một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung trên thị trường giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc siết tín dụng của bất động sản cũng làm nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư không triển khai được các dự án mới.
Hầu hết tại tất cả các phân khúc như bất động sản du lịch, bất động sản thương mại, nhà ở đều đang gặp khó trong hoạt động kinh doanh, thậm chí phải chịu những khoản lỗ kỷ lục. Dù vậy, nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp vẫn ghi nhận được kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2022.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, phân khúc bất động sản công nghiệp trong những năm qua đều được ghi nhận về sự tăng trưởng tích cực. Trong đó, nhu cầu về đất công nghiệp gia tăng rất mạnh ở cả trong nước lẫn nước ngoài. Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và đứng thứ 2 trong nhóm các thị trường mới nổi từ 200 đại diện cấp cao từ các công ty hàng đầu. Hơn nữa, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang đặt niềm tin lớn vào Việt Nam.
Bên cạnh nguồn vốn nước ngoài, hiện nay đang hướng đến sự phát triển thị trường trong nước của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng tăng cường đầu tư thị trường trong nước, thu hút nguồn vốn đầu tư dồi dào.
Ông Phong cho biết: “Hiện nay, chúng ta đang tiếp nhận dòng dịch chuyển này, chuẩn bị sẵn sàng các hạ tầng khu công nghiệp như việc xây tổ đón đại bàng, hỗ trợ và phát triển những doanh nghiệp nhỏ đi lên, hay những hộ gia đình thành doanh nghiệp. Đây là cơ hội để Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư mới”.
Theo ông Phong, bối cảnh trong nước hiện nay cơ bản tạo thuận lợi cho sự phát triển khu công nghiệp như quy hoạch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đường giao thông kết nối vùng, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hoàn thiện, vị thế quốc tế Việt Nam được nâng cao, các hoạt động xúc tiến đầu tư,…. Từ đó, có thể tiếp cận và đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Từ đà tăng trưởng của bất động sản công nghiệp năm 2022, sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy đà tăng trưởng của phân khúc này trong năm 2023 cùng với nhiều kỳ vọng mới từ các nước quốc tế, cơ hội khai thác vốn FDI thế hệ mới. Cùng với đó, hy vọng sẽ sự cải thiện tích cực về lạm pháp, tỷ giá, chính sách biên mậu,… sẽ tạo góp phần tạo ra những thuận lợi hơn nữa để bất động sản công nghiệp phát triển vượt bậc.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, bất động sản khu công nghiệp sẽ là phân khúc sở hữu nhiều động lực giữ vị trí “ngôi vương” trong năm 2023. Phân khúc này sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt là những nhà đầu tư đến từ nước ngoài Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Hiện nay Hải Phòng và Bắc Ninh là hai địa phương đang dẫn đầu về nguồn cung đất công nghiệp cho thuê trong năm 2023. Trong thời gian tới, những địa phương này sẽ tiếp tục ghi nhận thêm KCN Tiến Thành (Hải Phòng) với diện tích 410 ha và Gia Bình 2 (Bắc Ninh) với diện tích 250 ha được đi vào hoạt động. Điều này sẽ đẩy giá cho thuê trung bình tại các khu công nghiệp phía Bắc tăng từ 1 – 2% trong năm nay.
Bất động sản công nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro năm 2023
Bên cạnh những triển vọng phát triển trong năm 2023, bất động sản công nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với không ít những rủi ro, trong đó có sự suy thoái của toàn cầu và rất có thể lạm pháp sẽ tiếp tục tăng mạnh đến nửa năm 2023. Điều này sẽ có tác động lớn đến các hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Hơn nữa tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư với kinh tế toàn cầu, việc FED tăng lãi suất có thể tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam. Hơn nữa, thực trạng việc quy hoạch phát triển khu công nghiệp còn dàn trải, chồng chéo quy hoạch và hạ tầng bên ngoài. Cùng với đó, nguồn cung mới khan hiếm trên toàn quốc kéo dài đến hết năm 2023, cũng sẽ là một thách thức lón với bất động sản khu công nghiệp năm nay.
Hiện nay, việc cấp phép đầu tư khu công nghiệp, khu kinh tế đã được giảm bớt thủ tục nhưng vẫn gặp phải một số vướng mắc như việc giải phóng mặt bằng còn chậm trễ do chi phí đền bù tăng mạnh. Đây được coi là yếu tố rủi ro hiện hữu nhất với chủ đầu tư, làm chậm tiến độ xây dựng công trình, ảnh hưởng đến biên độ lợi nhuận các khu công nghiệp, khu kinh tế mới thành lập.
Tuy nhiên theo góc độ tích cực SSI Research, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng bất động sản khu công nghiệp vẫn có cửa sáng nhờ nhu cầu dự kiến sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới. Đặc biệt, xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ là động lực tăng trưởng lớn. Một số nhà sản xuất lớn như Samsung, LG, Lego đều lựa chọn Việt Nam trở thành điểm đến của họ.
SSI Research cho biết, việc đầu tư vào các khu công nghiệp Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn do VND mất giá ít hơn so với đồng tiền trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và các thị trường trọng điểm khác của Châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản.
Hiện nay có nhiều quy định và chính sách tạo động lực cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển có chiều sâu, ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp, thu hút được nguồn vốn có chất lượng, tăng cường sự cạnh tranh với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá, trong thời gian tới với sự bùng nổ của thương mại điện tử, bất động sản khu công nghiệp sẽ có tiềm năng tăng trưởng nguồn cung nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.