meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Trục cao tốc phía Đông và tiềm năng phát triển “đô thị sáng tạo”

Thứ ba, 05/09/2023-06:09
Trục phát triển dọc cao tốc phía Đông có nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển mô hình vùng “Đô thị sáng tạo” với hệ thống các khu công nghiệp.

Thách thức lớn với khu công nghiệp

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại là chủ trương lớn, xuyên suốt và nhất quán. Thực tiễn phát triển cho thấy, các khu công nghiệp (KCN) đã và đang thể hiện vai trò hết sức quan trọng trong phát triển công nghiệp quốc gia. Đến cuối năm 2022, hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố với 403 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập.


TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM). Ảnh Báo Đầu tư
TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM). Ảnh Báo Đầu tư

Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI, khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước; tạo nhiều việc làm cho người lao động, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với những đóng góp trực tiếp này, việc hình thành các KCN còn có những tác động lan tỏa đến các khu vực khác trong nền kinh tế, phát triển đô thị, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Đến nay, hệ thống các KCN đã thu hút được hơn 10.000 dự án trong nước và gần 11.000 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 340 tỷ USD (trong đó, tổng vốn đầu tư FDI là khoảng 230 tỷ USD). Đồng thời, các KCN đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, trở thành "cứ điểm" sản xuất quan trọng của thế giới, sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Intel, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, … Các doanh nghiệp trong khu KCN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, nhất là việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, phát triển các KCN Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức.

Thứ nhất, sự quá tải về cơ sở hạ tầng ngày càng bộc lộ rõ, đặc biệt là cơ sở hạ tầng xã hội của các KCN tại các tỉnh/thành có mật độ dân số cao, mức độ đô thị hóa, dịch vụ hóa cao như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh. Năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam đã đạt con số 41,7%. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh và mạnh. Đất đai, đặc biệt là đất cho phát triển công nghiệp trở nên khan hiếm. Việc tận dụng, khai thác hiệu quả, bền vững các KCN là nhiệm vụ đang được đặt ra.


Các KCN đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước. Ảnh minh họa
Các KCN đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước. Ảnh minh họa

Thứ hai, vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng trong các KCN. Hầu hết các KCN ở Việt Nam đều chưa đáp ứng yêu cầu về môi trường, sự phát triển nhanh các KCN khiến tỷ lệ chất thải nguy hại gia tăng, kèm theo là ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, đe dọa đến sức khỏe người dân sống xung quanh KCN. Sự phát triển KCN chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ ba, việc phát triển KCN theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao.

Thứ tư, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế đặt ra yêu cầu tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Các đô thị lớn hoặc các tỉnh/thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, dịch vụ hóa cao đang chuyển dần sang giai đoạn “hậu công nghiệp” nhưng chất lượng và tính bền vững công nghiệp chưa hình thành rõ nét.

Chính bởi vậy, trong bối cảnh chuyển đổi số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững là xu hướng diễn ra mạnh mẽ; tiêu dùng bền vững, sức khỏe người lao động trở thành vốn quý của xã hội và chất lượng sống con người ngày càng được quan tâm, phát triển KCN sinh thái đang là mục tiêu của các nước công nghiệp trên thế giới, tiếp cận sinh thái và đổi mới sáng tạo để đáp ứng yêu cầu mới được xem như con đường tất yếu để bảo đảm tính cân bằng sinh thái trong phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Cơ chế đã mở

Các cơ chế, chính sách ban hành hoặc phê duyệt gần đây đều thể hiện khát vọng của Việt Nam hướng tới một quốc gia phát triển bền vững như Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, hay Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý KCN và KKT, với định hướng xây dựng KKT, KCN theo hướng tăng hàm lượng khoa học, công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế khí phát thải nhà kính, chú trọng trách nhiệm xã hội và được quản trị theo mô hình Chính phủ số. Đây chính là xu hướng mới trong phát triển các KCN ở nước ta hiện nay.

Trước đó, nhận thức được việc “xanh hóa” các đầu tàu sản xuất là các KCN trở thành yêu cầu tất yếu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái tại 4 KCN gồm: KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), KCN Khánh Phú và KCN Gián Khẩu (Ninh Bình). Kết quả thực hiện thí điểm cho thấy việc sử dụng tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch hơn, tận dụng nguyên liệu đầu vào tốt hơn là những yếu tố rõ ràng nhất đối với các KCN được thí điểm chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái.


 Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, phát triển các KCN Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. KCN sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng). Ảnh Nam Cầu Kiền
 Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, phát triển các KCN Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. KCN sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng). Ảnh Nam Cầu Kiền

Một trong những định hướng đối với các doanh nghiệp trong KCN sinh thái là cộng sinh công nghiệp, theo đó, các doanh nghiệp cùng áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn để đạt kết quả tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu và giảm phát thải ra môi trường. Do vậy, việc nhân rộng mô hình KCN sinh thái sẽ là cách thức để hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh và bền vững, phát triển kinh tế theo chiều sâu, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

Với vị thế các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh,… nói riêng và các tỉnh thành khác của Việt Nam nói chung, đất đai là tài nguyên khan hiếm hoặc đang trở nên khan hiếm, nếu muốn duy trì nền công nghiệp bền vững trong tương lai, thì mô hình KCN sinh thái trong 10-20 năm tới phải là mô hình kiểu mẫu. Thực tế trong giai đoạn 2020-2023, Chính phủ Thuỵ Sỹ đang hỗ trợ 3 KCN tại TP HCM, Hải Phòng và Đồng Nai chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái theo khung quốc tế, hướng tới nhân rộng mô hình này trên cả nước.

Bên cạnh đó, hiện nay, các KCN của Việt Nam chủ yếu vẫn hoạt động theo mô hình hỗn hợp, đa ngành, rất ít các KCN có mô hình vườn ươm, do vậy năng lực đổi mới sáng tạo từ KCN còn thấp. Để thích ứng với xu hướng chuyển đổi số, khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng đang diễn ra, việc phát triển công nghiệp bằng các mô hình KCN truyền thống không còn phù hợp, đổi mới sáng tạo để thích ứng là yêu cầu không thể khác.

Tiềm năng phát triển "đô thị sáng tạo"

Năm 2015, UNIDO đã đề xuất mô hình “Đô thị sáng tạo” (Innovation District) và nhận diện đây là một mô hình thích hợp các tỉnh thành có tỷ lệ đô thị hóa lớn của Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0 và chuyển đổi số. Để hiện thực hóa mô hình này, các KCN cần chuyển dần từ thâm dụng lao động/đất đai/nguyên liệu đầu vào - vốn đang dần mất ưu thế và không còn phù hợp với xu thế, bối cảnh mới - sang các KCN quy tụ nhiều doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo, tận dụng thành quả tri thức tại đô thị lớn và dẫn dắt như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, v.v.

Có thể thấy rằng, trục phát triển dọc cao tốc phía Đông có nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển mô hình vùng “Đô thị sáng tạo” với hệ thống các KCN dọc 4 tỉnh/thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên. Sự kết nối vùng “Đô thị sáng tạo” này sẽ tận dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp, lan tỏa trong bối cảnh mới; tạo ra không gian phát triển rộng lớn, năng động với việc kết hợp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương trên trục, tối đa hóa năng suất của chuỗi cung ứng địa phương. Các KCN dọc trục sẽ tận dụng lợi thế của nhau, tận dụng lợi thế của chuỗi kết nối giao thông quan trọng với một đầu là thủ đô Hà Nội và một đầu là cửa khẩu Móng Cái, giao thương với thị trường Trung Quốc.


Trục phát triển dọc cao tốc phía Đông có nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển mô hình vùng “Đô thị sáng tạo” với hệ thống các KCN dọc 4 tỉnh/thành phố. Ảnh Chính phủ
Trục phát triển dọc cao tốc phía Đông có nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển mô hình vùng “Đô thị sáng tạo” với hệ thống các KCN dọc 4 tỉnh/thành phố. Ảnh Chính phủ

Trên thực tế, tại 4 tỉnh trục cao tốc phía Đông, các KCN đang ở giai đoạn chuyển tiếp từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2, tức là chuyển dần từ tận dụng số lượng lớn yếu tố đầu vào (như: vốn, lao động, tài nguyên) sang giai đoạn sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào. Bên cạnh đó, nhiều KCN đã chuyển sang giai đoạn 2 (giai đoạn đạt ngưỡng hiệu quả do yếu tố đầu vào). Tại các tỉnh, thành có tỉ lệ đô thị hóa cao, nhiều KCN bước sang giai đoạn “hậu công nghiệp”, giai đoạn “dịch vụ hóa công nghiệp” hay giai đoạn đổi mới sáng tạo.

Do vậy, tiếp cận sinh thái và đổi mới sáng tạo không chỉ là mô hình phát triển phù hợp cần hướng tới mà còn là mô hình tất yếu và then chốt đối với các KCN để nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững cho từng KCN, từng địa phương; tạo lực kéo cho thu hút đầu tư FDI.

Chúng ta cũng có thể thấy rằng, mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực đối với với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong và ngoài nước. Cá nhân tôi cho rằng, bên cạnh các chính sách hiện hữu, cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các Bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời, cũng cần bổ sung các chính sách ưu đãi về tài chính (như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng) cho các KCN, khu sinh thái, doanh nghiệp sinh thái để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái.

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

4.000 căn nhà ở xã hội sắp “đổ bộ” thị trường: Giá nhà Hà Nội sẽ hạ nhiệt vào cuối năm 2025?

Đề xuất phá sản doanh nghiệp yếu kém: Nguy cơ lớn với các “chúa chổm” bất động sản

Hà Nội: Chung cư chưa có sổ giá cao nhưng không còn hấp dẫn như trước

Năm 2025 Hà Nội khởi công xây dựng tuyến đường sắt đô thị có vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng

Thưởng Tết của doanh nghiệp bất động sản: Có sự phân hóa rõ rệt

Sang nhượng ồ ạt chung cư cao cấp: Thực hư chiêu trò "giảm sâu" để hút khách

TS. Vũ Đình Ánh: Có kiểu cho vay mua bất động sản nhưng "ẩn mình" dưới gói vay tiêu dùng

Giá nhà tăng cao, người dân nên hạ tiêu chuẩn để dễ tiếp cận

Tin mới cập nhật

Vành đai 4 thi công "xôi đỗ": Người dân có tâm lý chờ áp dụng quy định mới

3 ngày trước

Môi giới thỏa sức sáng tạo trên nền tảng meeyland.com khi tích hợp 2 tính năng mới đột phá

3 ngày trước

Chuyên gia: Một lượng vốn khổng lồ vẫn đang “luẩn quẩn” ở thị trường bất động sản miền Bắc

3 ngày trước

4.000 căn nhà ở xã hội sắp “đổ bộ” thị trường: Giá nhà Hà Nội sẽ hạ nhiệt vào cuối năm 2025?

3 ngày trước

Công nghệ quét toạ độ góc ranh mới: Điểm nhấn ấn tượng của Meey Map Ver 3.0

4 ngày trước