Tổng liên đoàn Lao động đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán 2023 kéo dài 8 ngày
BÀI LIÊN QUAN
Trình phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2023 kéo dài 7 ngàyNghỉ Tết Nguyên đán 2023 có thể kéo dài 9 ngàyCòn bao nhiêu ngày nữa đến Tết 2023? Đếm ngược về quê ăn TếtKéo dài thời gian nghỉ trước Tết
Theo zingnews.vn, ngày 6/9, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết để người lao động được về quê sớm “ăn Tết” cơ quan này kiến nghị viên chức và người lao động nghỉ từ ngày 28 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng, tức 19/1/2023 đến hết 27/1/2023, đi làm trở lại vào mùng 6 và làm bù thứ bảy (28/1/2023).
"Đề xuất này dựa trên nguyện vọng của đông đảo đoàn viên, người lao động mong muốn có thời gian nghỉ Tết dài hơn để về quê, giảm áp lực giao thông và có thời gian sắm Tết", ông Hiểu nói.
Đề cập đến 2 phương án nghỉ Tết do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất trước đó, với phương án nghỉ 7 ngày và 9 ngày, ông Hiểu cho rằng đều bất cập do thời gian nghỉ trước Tết quá ngắn, chỉ 1 - 2 ngày. Đồng thời nghỉ quá sát ngày tết khiến nhiều người có thể mất cơ hội về nhà đón Tết.
Một số công đoàn cơ sở cũng cho rằng 2 phương án đang được lấy ý kiến chỉ phù hợp với khối hành chính nhà nước, chưa phù hợp với thực tế làm việc của người lao động, lực lượng đông hơn rất nhiều. Lịch nghỉ Tết Nguyên đán được áp dụng cho công chức, viên chức tuy nhiên đây lại là cơ sở để nhiều doanh nghiệp căn cứ bố trí thời gian nghỉ Tết cho người lao động. Trong thực tế, càng cho nghỉ Tết muộn thì lao động có quê xa xin về sớm càng nhiều.
Tổng liên đoàn Lao động cho biết, thời gian nghỉ Tết là khoảng thời gian nghỉ rất quan trọng của công đoàn viên, người lao động cũng như người dân cả nước. Do đó, nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho Tết và di chuyển giữa các địa phương cần rất nhiều thời gian bởi hiện nay tỷ lệ người lao động di cư là rất lớn.
Hơn nữa, trong hai năm qua do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phần lớn công đoàn viên, người lao động đón Tết trong điều kiện đi lại hạn chế. Nên nguyện vọng của người lao động là mong muốn có thời gian nghỉ trước Tết dài hơn để di chuyển về quê, giảm áp lực giao thông.
Nghỉ Tết sớm để người lao động kịp về quê
Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hosiden (Bắc Giang) cho biết, với hơn 5.600 lao động phần lớn đến từ các vùng quê ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, nên người lao động thường xin nghỉ sớm về quê ăn Tết. Cụ thể, Tết Nhâm Dần vừa qua lịch nghỉ bắt đầu từ 29 tháng chạp, tuy nhiên từ 23 tháng chạp đã có hơn 400 lao động có quê xa trên 200 km của doanh nghiệp này đã xin nghỉ sớm. Đến ngày 28 tháng chạp số lượng lên đến gần 1000 người.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Hosiden chỉ ra nguyên nhân lao động xin về nghỉ Tết sớm là do năm ngoái nhiều địa phương vẫn yêu cầu cách ly để phòng chống dịch Covid-19. Năm nay không còn phải về sớm để cách ly, nhưng ông Tân cũng dự báo nếu lịch nghỉ Tết muộn như mọi năm thì người lao động sẽ tiếp tục xin về sớm trước 1 - 2 ngày. Vì người lao động muốn về sớm để sắm Tết cho gia đình chỉn chu. Người lao động có thể áp dụng ngày nghỉ phép theo quy định của công ty, đồng thời doanh nghiệp cũng tạo điều kiện cho người lao động có quê xa. Nên đề xuất bắt đầu nghỉ Tết từ 28 tháng chạp là hợp lý.
"Cứ nghỉ Tết sớm một ngày, lượng công nhân xin nghỉ càng giảm đi", ông Tân nói, lấy ví dụ cụ thể nếu nghỉ từ 29 Tết, tỷ lệ về trước khoảng 15-20% và giảm xuống 8-10% nếu sớm hơn một ngày.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec (TP Hồ Chí Minh) là ông Lưu Kim Hồng cũng không đồng tình với hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán theo đề xuất. Ông cho biết, riêng tại TP Hồ Chí Minh tập trung hàng triệu công nhân lao động tại địa phương, cũng như những người quê ở miền Bắc, miền Trung nên để về quê “ăn Tết” thời gian di chuyển mất cả ngày. Trong khi đó càng cận Tết giá vé máy bay càng tăng cao, lên đến hàng triệu đồng nếu là vé khứ hồi, đây là khoản chi phí quá cao mà không phải người lao động nào cũng chi trả được. Với phương tiện xe khách, tàu hỏa chi phí rẻ hơn nhưng thời gian di chuyển dài hơn, để về nhà mất 1 - 1,5 ngày.
"Nếu nghỉ đúng 30 tháng chạp như đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì trưa mùng 1 Tết họ mới về tới nhà, bắt xe cộ thế nào nếu không tiện đường? Ngành giao thông liệu có bố trí đủ phương tiện vận chuyển hàng triệu người hồi hương?", ông đặt câu hỏi, thêm rằng cơ quan chuyên môn nên bổ sung phương án nghỉ sớm, từ 28 tháng chạp cho người lao động và hoàn toàn có thể hoán đổi, làm bù vào cuối tuần.
Công ty Nidec đã phê duyệt phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2023 cho công nhân, theo đó lịch nghỉ 10 ngày bắt đầu từ 28 tháng chạp (tức ngày 19/1/2023) đến hết ngày mùng 7 tháng giêng (tức 28/1/2023), người lao động đi làm trở lại và đi làm bù vào ngày 8 tháng giêng (29/1/2023).
Như vậy, ngoài 5 ngày nghỉ chính thức, 2 ngày nghỉ bù cuối tuần thì có thêm ngày hoán đổi và cộng ngày nghỉ phép để có kỳ nghỉ kéo dài. Việc cắt ngày phép đưa vào kỳ nghỉ lễ đã được người lao động đồng ý.
Với lợi thế là doanh nghiệp Nhật Bản, do đó các kỳ nghỉ lễ, Tết hàng năm đều được công ty Nidec lên kế hoạch từ tháng 1, trình ban lãnh đạo để thông qua và áp dụng vào đầu tháng 4 theo năm tài chính của người Nhật. Việc lên lịch nghỉ sớm, linh hoạt tạo thuận lợi cho đôi bên. Doanh nghiệp chủ động bố trí đơn hàng sản xuất, người lao động sớm nắm lịch để đặt vé tàu xe về quê, đi chơi, sắp xếp kế hoạch cho gia đình. Lao động ở xa, công ty sẽ cho xe ôtô đưa về tận quê.
"Khi xây dựng phương án, cơ quan chuyên môn nên tính toán xem lực lượng nào sẽ chịu tác động nhiều hơn để đưa ra phương án hợp lý, có lợi cho người lao động", ông góp ý.