Tố tụng dân sự là gì? Khám phá về bộ luật Tố tụng dân sự
BÀI LIÊN QUAN
Pháp luật dân sự là gì? Vai trò của pháp luật dân sự trong xã hội hiện nayCIP là gì? Hướng dẫn sử dụng CIP theo IncotermsTranh chấp hợp đồng dân sự và một số cách giải quyếtTố tụng dân sự là gì?
Trên phương diện pháp lý, tố tụng dân sự là trình tự, thủ tục do pháp luật quy định giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự.
Luật Tố tụng Dân sự là một bộ luật trong hệ thống pháp luật, bao gồm hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong tố tụng dân sự để bảo đảm việc giải quyết vụ việc và thi hành án dân sự nhanh chóng, chính xác bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và lợi ích của nhà nước.
Đối tượng điều chỉnh của tố tụng dân sự là gì?
Luật Tố tụng Dân sự có phạm vi đối tượng rất rộng. Đó chính là mối quan hệ giữa Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người định giá tài sản và người liên quan phát sinh trong tố tụng dân sự. Như vậy có thể chia thành các loại quan hệ gồm:
- Quan hệ giữa Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự với đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người giám định, người làm chứng, người phiên dịch, người định giá tài sản và những người liên quan.
- Quan hệ giữa tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự với nhau.
- Quan hệ giữa đương sự với những người liên quan.
Các quan hệ trên thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Tố tụng Dân sự và chỉ phát sinh trong tố tụng. Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự là các cơ quan có vai trò quyết định đối với các quá trình giải quyết vụ việc dân sự và tổ chức thi hành án dân sự.
Phương pháp điều chỉnh của tố tụng dân sự là gì?
Chúng ta vừa tham khảo những chia sẻ về “tố tụng dân sự là gì?” cũng như đối tượng điều chỉnh của bộ luật này. Tiếp theo đây chúng ta sẽ khám phá đến những phương pháp điều chỉnh của Luật Tố tụng Dân.
Do đối tượng điều chỉnh của Luật Tố tụng Dân sự là quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với những người tham gia vào quá trình giải quyết vụ án nên Luật Tố tụng Dân sự điều chỉnh các mối quan hệ này bằng hai phương pháp đó là: Mệnh lệnh và định đoạt.
Phương pháp mệnh lệnh được thể hiện ở điểm các chủ thể khác đều phải phục tùng tòa án, viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự. Mọi quyết định của tòa án, viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự có giá trị bắt buộc phải thực hiện, nếu không sẽ bị cưỡng chế thực hiện.
Với đặc thù giải quyết trong các vụ việc dân sự là các quan hệ dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, … nên các đương sự có quyền tự quyết định quyền lợi của mình. Để đảm bảo quyền tự quyết định, phương pháp định đoạt chính là phương pháp điều chỉnh các quan hệ thuộc đối tượng của Luật Tố tụng Dân sự.
Nguyên tắc đặc thù của tố tụng dân sự là gì?
Nguyên tắc hành động của mỗi ngành luật luôn được coi là kim chỉ nam cho chính ngành luật đó, là những tư tưởng chỉ đạo, định hướng xây dựng cũng như thực hiện pháp luật của đều phải tuân thủ các nguyên tắc này. Để hiểu hơn về nguyên tắc đặc thù của “tố tụng dân sự là gì?” chúng ta sẽ cùng tìm hiểu 3 nguyên tắc dưới đây:
Nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự
Nguyên tắc quyền tự định đoạt là một trong những điều quan trọng của luật tố tụng hình sự. Quyền tự định đoạt của đương sự là quyền của đương sự trong việc tự quyết định về quyền, lợi ích của họ và lựa chọn biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích đó. Tại Điều 5 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự như sau:
- Đương sự có quyền tự quyết định việc khởi kiện, hoặc yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.
- Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền tự chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hay thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm luật và không trái đạo đức xã hội.
Nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự
Tại Điều 6 của Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 đã quy định về nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong luật tố tụng dân sự như sau:
- Đương sự có quyền và nghĩa vụ thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp. Những chủ thể khởi kiện có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.
- Tòa án có nghĩa vụ hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành xác nhận chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.
Nguyên tắc hòa giải trong tố tụng dân sự
Nguyên tắc hòa giải là một nguyên tắc cơ bản và đặc trưng trong luật Tố tụng dân sự. Nguyên tắc chỉ rõ trách nhiệm của Tòa án trong việc hòa giải vụ việc dân sự, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự trên cơ sở tự nguyện tham gia hòa giải, tự nguyện về nội dung hòa thỏa thuận.
Nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội. Nguyên tắc này đã được ghi nhận tại Điều 10 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.”