Tranh chấp hợp đồng dân sự và một số cách giải quyết
Hợp đồng dân sự là hình thức thực hiện các giao dịch khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có thể xảy ra những tranh chấp. Vậy tranh chấp hợp đồng dân sự là gì? Có những phương pháp nào để giải quyết tranh chấp? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc.
Có thể bạn quan tâm:
Tranh chấp hợp đồng dân sự là gì?
Tranh chấp hợp đồng dân sự xảy ra khi xuất hiện những mâu thuẫn giữa các bên tham gia hợp đồng. Hai bên có bất đồng quan điểm liên quan đến nội dung, quyền và nghĩa vụ đã được ghi trong hợp đồng.
Mâu thuẫn có thể xuất phát từ sự khác nhau trong các hiểu nội dung hoặc ngôn từ trong hợp đồng. Để giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự, các bên tham gia có thể chọn phương thức phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình.
Một số nội dung tranh chấp
Thông thường, tranh chấp hợp đồng dân sự nảy sinh ở những nội dung sau:
- Thời điểm hợp đồng có hiệu lực
- Thời điểm chuyển giao rủi ro
- Thời điểm giao hàng và thanh toán
- Giá cả và phương thức thanh toán
- Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại và vi phạm
Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự
Thông thường, khi xảy ra tranh chấp giữa hai bên về nội dung trong hợp đồng dân sự thì có 3 phương thức để giải quyết: thương lượng, thông qua Trọng tài thương mại và thông qua tòa án.
Thương lượng, hoà giải
Thương lượng, hòa giải được coi là phương thức giải quyết thường thấy nhất, không chỉ trong tranh chấp hợp đồng dân sự mà còn trong các loại tranh chấp khác. Tại Việt Nam, số vụ tranh chấp giải quyết bằng hòa giải chiếm khoảng 50% tổng số vụ tranh chấp.
Chỉ khi không thể giải quyết bằng hòa giải thì hai bên mới phải lựa chọn phương thức khác thông qua bên thứ ba. Bản chất của việc thương lượng là hai bên cùng bàn bạc, thỏa thuận để thống nhất cách hiểu các nội dung trong hợp đồng. Từ đó chọn ra phương án tốt nhất, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho cả hai bên. Phương thức này có một số ưu điểm nổi bật như sau:
- Nhanh chóng, đơn giản, không mất phí
- Độ thiện chí cao: Khi tranh chấp được hòa giải thành công thì sẽ không có bên thắng và bên thua. Hai bên sẽ tránh được xung đột và vẫn có thể hợp tác về sau này.
- Bí mật kinh doanh được bảo vệ: khi hoà giải hai bên với nhau mà không có sự tham gia của bên thứ ba, các thông tin trong nội bộ doanh nghiệp như hoá đơn, chứng từ sẽ được giữ kín. Điều này có lợi cho cả hai bên tranh chấp
- Uy tín và hình ảnh của các bên tranh chấp không bị tổn hại
Tuy nhiên, phương thức này có nhược điểm là phụ thuộc phần lớn vào thiện chí, độ kiên trì và hiểu biết của hai bên. Nếu không có những yếu tố này, tiến trình hòa giải có thể bị trì trệ, bế tắc. Thêm vào đó, phương pháp hoà giải không được cơ chế pháp lý đảm bảo. Trong một số trường hợp, các bên tranh chấp có thể chọn không thực hiện theo kết quả hoà giải.
Giải quyết bởi Trọng tài thương mại
Tại Việt Nam, Trọng tài thương mại là một tổ chức phi chính phủ. Quy tắc hoạt động của tổ chức này dựa trên pháp luật và quy chế Trọng tài quốc tế. Phương thức này chỉ áp dụng với những hợp đồng liên quan đến thương mại. Còn những hợp đồng dân sự thông thường thì không giải quyết được bằng Trọng tài thương mại.
Khi chọn phương pháp này, các bên tranh chấp xác nhận bằng văn bản rằng có bên thứ ba (Trọng tài viên) tham gia giải quyết. Văn bản này cũng chỉ ra rằng khi Trọng tài thương mại đưa ra phán quyết thì các bên tranh chấp buộc phải thi hành. Một số ưu điểm của phương pháp này là:
- Thủ tục đơn giản và nhanh chóng
- Bí mật doanh nghiệp được giữ kín: mặc dù có bên thứ 3 tham gia vào giải quyết tranh chấp nhưng nguyên tắc của Trọng tài thương mại là không công khai thông tin doanh nghiệp nên những thông tin nội bộ vẫn được giữ bí mật
- Phù hợp với các tranh chấp có yếu tố nước ngoài: vì Trọng tài thương mại không có sự can thiệp của Nhà nước nên tranh chấp liên quan đến các bên nước ngoài thường chọn phương thức này để giải quyết
Một trong những hạn chế lớn nhất của Trọng tài thương mại là vẫn phụ thuộc phần lớn vào sự tự nguyện của các bên. Trọng tài không có quyền thực hiện quyền tư pháp của Việt Nam. Do đó, nếu các bên tranh chấp không tự nguyện thì có khả năng không đạt được mục đích chung.
Giải quyết thông qua Tòa án
Khi tranh chấp hợp đồng dân sự không thể giải quyết bằng hòa giải hoặc Trọng tài thương mại thì sẽ chuyển lên Tòa án. Nếu tranh chấp xảy ra trên hợp đồng kinh tế thì ẽ giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế. Còn nếu tranh chấp phát sinh trên hợp đồng dân sự thì sẽ giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Một số ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án có thể kể đến như sau:
- Quyết định của Toà án mang tính cưỡng chế thi hành đối với các bên tranh chấp hợp đồng. Nếu cố tình không thực hiện thì sẽ bị áp dụng các biện pháp đảm bảo thi hành án
- Nguyên tắc thực hiện hai cấp xét xử: nguyên tắc được đề ra nhằm mục đích phát hiện và khắc phục những sai sót trong quá trình xét xử đầu tiên
- Án phí (chi phí giải quyết qua Tòa án) thấp hơn lệ phí Trọng tài
Tuy nhiên, khi giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự thông qua Tòa án, các bên cũng sẽ phải đối mặt với một số hạn chế sau. Thủ tục tố tụng tốn khá nhiều thời gian, nhiều vụ việc phức tạp phải tốn nhiều năm để giải quyết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ phải lường trước việc một số bí mật sẽ bị công khai do nguyên tắc xét xử công khai của Tòa án.
Có thể bạn quan tâm:
Trên đây là một số thông tin cơ bản và các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự. Hi vọng bạn qua bài viết này, bạn đã trang bị thêm cho mình những kiến thức cần thiết về tranh chấp hợp đồng. Chúc bạn thành công.