meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Thưởng Tết chỉ là phần nhỏ, lo toan sau Tết mới đáng lo ngại

Thứ ba, 06/12/2022-15:12
Chưa đầy hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2023. Cũng như mọi năm, Tết đến gần là câu chuyện lương thưởng cuối năm lại thành chủ đề được bàn tán xôn xao.

Vừa lo không được thưởng Tết, vừa sợ bị sa thải

Theo VOV, năm nay, khi mà nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự, thậm chí giải thể khiến lao động mất thưởng Tết. Những doanh nghiệp còn trụ lại thì cũng khó có thể thưởng Tết cho nhân viên như những năm trước.

Đã có hơn 18 năm gắn bó với Công ty TNHH Tỷ Hùng, chị Nguyễn Loan (46 tuổi, quê Vĩnh Long) rất bàng hoàng khi mình thuộc diện cắt giảm nhân sự. Vốn gia đình đã rất khó khăn, vài tháng trước chồng chị còn phát hiện bị ung thư não.

Tuy được bồi thường 2 tháng lương, nhưng lại mất luôn khoản tiền thưởng Tết. Hiện giờ không còn thu nhập, gia đình chị Loan không biết làm cách nào để thanh toán hàng loạt các khoản phí. 


Nhiều công nhân tại các nhà máy bị cắt giảm giờ làm, thậm chí bị sa thải
Nhiều công nhân tại các nhà máy bị cắt giảm giờ làm, thậm chí bị sa thải

"Giờ thuốc men của chồng tôi mỗi tháng cả chục triệu đồng, tiền đâu mà có. Mình làm một tháng được 7 - 9 triệu thôi, còn không đủ mua thuốc chứ nghĩ gì đến Tết, chưa kể còn phải trả tiền trọ, tiền ăn…" - Chị Loan nói.

Anh Quốc Trung (27 tuổi, Hà Nội) chọn cho mình công việc tài xế công nghệ, tuy tự do về thời gian nhưng sẽ không có ngày nghỉ cố định hay lễ Tết, cũng không có những chính sách an sinh xã hội như BHXH, BHYT… 

"Làm shipper thì lấy đâu ra thưởng Tết. Cùng lắm là gần Tết thì được hỗ trợ tăng thêm một ít doanh thu, hoặc người ta mua sắm nhiều hơn thì mình cũng nhận được nhiều đơn hàng hơn thôi, chứ còn không có thưởng Tết đâu. Thế nên làm shipper thì Tết nhất chỉ có cố gắng chạy thêm nhiều đơn tăng thu nhập thôi" - Anh Trung cho hay.

Là một doanh nghiệp lớn kinh doanh đồ uống giải khát tại Hà Nội, năm nay Tập Đoàn Polyco đã chứng kiến hàng loạt những khó khăn như số lượng đơn hàng giảm, nguyên vật liệu sản xuất về chậm… vì chịu ảnh hưởng từ hậu đại dịch và tình hình chung của nền kinh tế toàn cầu.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Polyco Đinh Văn Thành chia sẻ: "Năm 2022 đúng là một năm đầy khó khăn và nhiều biến động với các doanh nghiệp. Sau khi việc cách ly vì dịch bệnh Covid được nới lỏng, cứ tưởng là mọi thứ sẽ vào chu kỳ hồi phục và phát triển, nhưng thực tế thì không phải vậy. 

Khi quay lại hoạt động sản xuất, doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu thì thiếu hụt lao động, sau đó thì lại gián đoạn vì vật liệu sản xuất bị giao chậm". 

Doanh nghiệp cũng rất khó khăn

Đối với ngành dệt may, ở các tháng cuối năm đều bị ảnh hưởng do lạm phát tại các nước tăng cao dẫn tới việc cầu tiêu dùng giảm, nhiều nhãn hàng lớn phải đối mặt với số lượng lớn hàng tồn kho. Có nhiều đơn hàng đã sản xuất xong, tuy nhiên đối tác lại xin hoãn hoặc giãn thời gian giao hàng.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị May Hưng Yên - Ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ: "Tháng cuối năm gặp tình trạng là rất nhiều đơn hàng không được xác nhận ngay và nếu có xác nhận thì yêu cầu giá xuống thấp. Tuy nhiên lý do là hiện tại tất cả các thị trường đều dư mua, nghĩa là khi thị trường Mỹ lạm phát thì thị trường châu Âu cũng vậy. Đa số khách hàng ở thị trường chính đều có yêu cầu giảm giá". 

Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, báo cáo từ 25 địa phương và đơn vị, ngành có người lao động bị ảnh hưởng việc làm do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, cho thấy những ngành nghề chịu ảnh hưởng nhiều nhất là dệt may, chế biến gỗ, giày da, điện tử, dịch vụ, thực phẩm, du lịch…


Những ngành nghề chịu ảnh hưởng nhiều nhất là dệt may, chế biến gỗ, giày da, điện tử, dịch vụ
Những ngành nghề chịu ảnh hưởng nhiều nhất là dệt may, chế biến gỗ, giày da, điện tử, dịch vụ

Cụ thể, có 1.235 doanh nghiệp tại 44 tỉnh thành bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh nên phải cắt giảm lao động. Trong đó, 646 doanh nghiệp dân doanh, chiếm tới 52,27%; 590 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 47,73%. 

Hơn 472.000 lao động tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến việc làm. Dự kiến trong tháng 12 này và các tháng đầu năm 2023, sẽ có khoảng 700 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện cắt giảm giờ làm của hơn 271.000 người lao động; Có gần 90 doanh nghiệp lên kế hoạch cắt giảm khoảng 15.000 lao động…

Nắm bắt được những khó khăn chung, vì vậy càng gần Tết thì những người lao động càng đứng ngồi không yên. Anh Chiến - công nhân đang làm việc tại Polyco Hà Nội chia sẻ rằng: "Nói chung là cứ đến các ngày lễ Tết thì công nhân chúng tôi có nguyện vọng là mong công ty hỗ trợ thêm việc đưa đón công nhân về quê ăn Tết, thứ hai là lo cơm áo gạo tiền những ngày Tết, phụ cấp tiền thưởng ngày lễ. Được bao nhiêu thì được, chúng tôi cũng rất cảm ơn". 

Việc đột ngột bị cắt giảm đơn hàng xuất khẩu dịp cuối năm khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Vấn đề thưởng tết cho người lao động cũng là bài toán khó mà nhiều doanh nghiệp hiện đang "cân não".

Tổng Giám đốc Tập đoàn Polyco Đinh Văn Thành chia sẻ: "Tết là thời gian dành cho gia đình và bản thân và đánh giá một năm đã qua. Thời gian này thực sự ý nghĩa cho mỗi thành viên của công ty. Do đó, tập đoàn luôn có chính sách là cố gắng có thưởng Tết cho anh em. Bởi ai cũng muốn có được cái Tết sum vầy, no ấm. Để làm được vậy, doanh nghiệp chúng tôi phải cân đối được dòng tiền, kiểm soát hàng tồn kho, cố gắng tăng doanh thu và giảm chi phí những hoạt động không cần thiết. Chỉ như vậy thì mới đảm bảo quyền lợi cho anh em".

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - Ông Vũ Đức Giang thì cho biết: "Những doanh nghiệp thuộc ngành dệt may Việt Nam đã đưa ra mục tiêu trong năm nay là hòa vốn, nhưng vẫn giữ được ổn định và phát triển của công ty để giữ chân người lao động và giữ thị trường, khách hàng, đó chính là mục tiêu hàng đầu. 

Hai là doanh nghiệp đã bắt đầu thắt chặt hầu bao, kiểm soát toàn bộ các khoản phí đầu vào của doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa việc tăng chi phí tác động tới hiệu của doanh nghiệp. Quan trọng nhất vẫn là làm sao để có phần lợi nhuận để lo cho thưởng tết và lương tháng 13 cho người lao động. Như vậy thì chúng ta mới có thể kỳ vọng vào sự ổn định của mục tiêu năm 2023 đặt ra cho ngành dệt may Việt Nam". 

Vai trò của các cơ quan ban ngành cần được thể hiện rõ hơn

Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng, để tổ chức những hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Tổng Liên đoàn đã ban hành Kế hoạch 266. 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã yêu cầu Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và Công đoàn ngành Trung ương,... thực hiện công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ tiền mặt là 500.000 đồng/người…

Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng vừa yêu cầu các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên cả nước tiến hành thực hiện chính sách tiền lương và thưởng Tết cho lao động. Bộ cũng yêu cầu các tỉnh khảo sát, nắm bắt tình hình thực hiện quy định về tiền lương tối thiểu, tiền thưởng, nợ lương cùng kế hoạch thưởng Tết theo kết quả sản xuất, kinh doanh cho lao động tại các doanh nghiệp…báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 25/12.


Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để tránh lặp lại kịch bản tương tự đối với những dịp Tết tới
Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để tránh lặp lại kịch bản tương tự đối với những dịp Tết tới

Trước những khó khăn chung của toàn bộ các doanh nghiệp, việc nợ lương và nợ BHXH hay các chế độ cho người lao động, bao gồm tiền thưởng Tết. Do đó, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm tránh lặp lại kịch bản tương tự đối với những dịp Tết tới.

Tuy bước đầu những tổ chức liên quan đã thực hiện những biện pháp để chăm lo, đảm bảo cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Tuy nhiên với những người lao động thì khó khăn của họ vẫn chưa dừng lại ở một cái Tết. 

Theo dự báo trong thời gian tới, nhiều khả năng hàng loạt người lao động có nguy cơ mất việc, cắt giảm giờ làm, đặc biệt là đối với các lao động làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, thì cần có những giải pháp ổn định lại kinh tế vĩ mô, linh hoạt, đồng bộ những công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa để kiểm soát lạm phát và góp phần ổn định tình hình kinh tế, chú trọng hơn vào việc hỗ trợ, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại đang phải hứng chịu tác động từ nhiều hướng. Trước tiên là các tác động tiêu cực từ thời kỳ dịch bệnh Covid - 19, các doanh nghiệp hiện tại đã bắt đầu "ngấm đòn" khi toàn chuỗi cung ứng chưa thể phục hồi hoàn toàn. 

Tiếp theo là tình hình bất ổn trên toàn cầu như xung đột giữa Nga - Ukraine càng khiến cho doanh nghiệp khó khăn hơn khi đối diện với việc giá xăng dầu tăng cao, lạm phát, thiếu nguồn cung nhiên liệu…

Cuối cùng là các biến động từ ngân hàng, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp đang bắt đầu tăng lãi suất lên cao. Điều này khiến các doanh nghiệp đã khó khăn giờ lại phải vay vốn lãi suất cao hơn để duy trì hoạt động. Hay thậm chí, có doanh nghiệp chấp nhận vay với lãi cao những cũng không thể tiếp cận vốn vay vì khó khăn về dòng tiền.

Lo lắng về chuyện thưởng Tết, trả lương cho người lao động đón cái Tết sắp tới mới chỉ là bắt đầu cho vô vàn những khó khăn và thách thức trong năm 2023. 

Các doanh nghiệp Việt đang phải vừa đảm bảo đời sống và giữ cho người lao động có việc làm, lại vừa phải tìm hướng đi, đường ra cho sản phẩm của mình trong bối cảnh khó khăn chung, không chỉ của mỗi nền kinh tế Việt Nam mà còn của toàn thể giới. 

Khi người dân và các doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay thì trách nhiệm của các cơ quan nhà nước lại càng tăng cao. Tết năm nay có lẽ không thể xoay chuyển, nhưng với những cái Tết sau này, liệu có lặp lại tình trạng tương tự hay không?

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Thái Bình có thêm khu công nghiệp hơn 330ha

Hoạt động M&A bất động sản sẽ có một cuộc sàng lọc lớn

Cao tốc Nam Định - Thái Bình dài hơn 60km sẽ khởi công vào thời điểm nào?

Quảng Ninh quy hoạch cả hòn đảo làm khu du lịch nghỉ dưỡng

"Nhập cuộc" đường đua NOXH, Nam Định sắp có dự án hơn 900 tỷ đồng với 1.100 căn hộ

Đường Vành đai 2: TPHCM bồi thường theo giá đất mới, tối đa 111 triệu đồng/m2

Vì sao Long An thông báo dừng lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 2 dự án NOXH?

Bình Dương: Khu dân cư nghìn tỷ sắp "hồi sinh" sau nhiều năm bị cơ quan chức năng "tuýt còi"

Tin mới cập nhật

Vợ chồng 9X chi 30 tỷ xây biệt thự hiện đại kết hợp phong cách nội thất Japandi

23 giờ trước

Từng chỉ sống với 72 nghìn mỗi ngày, làm việc 100 giờ/tuần với 3 công việc: Nhiều năm sau "lội ngược dòng" thành doanh nhân thành đạt, nắm giữ khối tài sản tỷ đô

23 giờ trước

Thêm giải pháp duy trì nguồn cung nhà bình dân

23 giờ trước

Người dân sẽ được giao đất mà không phải qua đấu giá

23 giờ trước

Cô Mười Garden Villa: Sự giao thoa của hơi thở hiện đại và dáng dấp kiến trúc nông thôn vùng Tây Nam Bộ

1 ngày trước